Nhiều tiềm năng
Là phân khu có diện tích rộng nhất TP.HCM, khu Tây được quy hoạch và xây dựng trở thành khu đô thị vệ tinh trọng điểm của thành phố. Để làm được điều này, thành phố đã tách khu vực phía tây thành tây bắc và tây nam.
Trong đó, khu đô thị vệ tinh Tây Bắc có diện tích hơn 9.000ha với sức chứa 320.000 dân, thuộc địa bàn các huyện Củ Chi và Hóc Môn, cách trung tâm TP khoảng 30km. Khu đô thị vệ tinh này không chỉ giúp TP giãn dân mà còn là một cực tăng trưởng mạnh. Không chỉ vậy, khu vực Tây Bắc cũng được cho là "đặc khu kinh tế mở" của thành phố vì có những khu, cụm công nghiệp lớn đang hoạt động.
TP đã đưa 6 dự án giao thông kết nối vào xây dựng để phát triển khu vực tây bắc. Đó là phát triển mở rộng đường Cộng Hòa có chiều dài 4,3km, bắt đầu từ đường Trần Quốc Hoàn (Tân Bình) đến đường Cộng Hòa - Trường Chinh có 6 làn xe chạy, vừa được triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2018.
Mới đây nhất, Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) TP.HCM đã đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng để xóa kẹt xe ở giao lộ Trường Chinh - Âu Cơ - Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Bình và Tân Phú). Mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ) dài 765m, rộng 30m (hiện nay rộng khoảng 10-12m) cho 6 làn xe lưu thông.
Cùng lúc, TP triển khai thi công dự án hầm chui An Sương với kỳ vọng giải quyết ùn tắc ở khu vực nút giao An Sương; đồng thời, nâng cao năng lực lưu thông trên trục Quốc lộ 1A, Quốc lộ 22, đường Trường Chinh… qua khu vực nút giao này.
Theo kế hoạch, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (giai đoạn 1) đến năm 2019 sẽ đưa vào vận hành. Đây là một trong những dự án giao thông được kỳ vọng góp phần giảm tải cho cửa ngõ TÂy Bắc, tạo thông thoáng đi vào các quận nội thành.
Khu Tây Nam cũng được triển khai các dự án như cầu vượt ngã tư Gò Mây. TP cũng đã giao Sở GTVT tìm giải pháp thực hiện các dự án giải quyết ùn tắc giao thông tại các tuyến đường An Dương Vương - Phan Anh - Bình Long - Hương lộ 3, Tân Kỳ Tân Quý, Nguyễn Thị Tú, Lê Văn Quới nối dài; đầu tư nút giao thông Ngã tư Bốn Xã; xây cầu đi bộ đường Trần Văn Giàu; đầu tư các dự án chống ngập như nâng cấp tuyến đường Hồ Học Lãm, lắp đặt cống hộp kênh liên xã, cải tạo rạch Ông Búp, cải tạo rạch Bà Tiếng…
Trong tương lai, khu Tây sẽ là nơi thu hút dân cư, với khả năng tạo việc làm cao, là nơi có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ sự phát triển dịch vụ công cộng và công nghiệp.
Ngoài ra, khu Tây hiện có lượng quỹ đất rộng lớn, đơn cử như khu Nông trường Phạm Văn Hai, khu Bình Hưng Hòa B với hàng trăm ngàn ha đất đang bỏ hoang, hay khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa đang được giải tỏa.
Đặc biệt, khu vực Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh cũng thuộc diện quỹ đất trống nhiều nhất TP.HCM có thể phát triển dự án bất động sản bất cứ lúc nào bởi TP có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án bất động sản tại đây.
Bên cạnh đó, cái bắt tay liên kết vùng giữa TP.HCM và tỉnh Long An năm 2014 đã cho thấy lợi thế cho thị trường bất động sản phát triển khi giao thông giữa hai tỉnh thành hiện đã đồng bộ hóa. Bên cạnh đó, những khu công nghiệp, cụm công nghiệp như Tân Tạo, Lê Minh Xuân, khu công nghiệp Vĩnh Lộc, khu công nghiệp bắc Củ Chi, khu công nghiệp Tân Bình… chứa một lượng công nhân, lượng chuyên gia trong và ngoài nước nhiều nhất TP. Đây cũng là lượng khách hàng lớn cho thị trường bất động sản phát triển.
Thị trường đợi chờ năm 2018
Với những điều kiện gần như hoàn hảo ấy, thời điểm kết thúc năm 2016, Hiệp hội bất động sản TP.HCM và giới chuyên gia bất động sản đã cho rằng năm 2017 thị trường khu Tây TP.HCM sẽ phát triển vượt qua khu Nam. Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra mặc dù thị trường cũng đã đón những dự án bất động sản mới.
Công ty Sacomreal cũng chào ra thị trường 3 dự án lớn thuộc dòng căn hộ tầm trung Carillon với các dự án Carillon 4, Carillon 5, Carillon 6. Đây là sự tiếp nối thành công của hơn 700 sản phẩm thuộc dòng Carillon.
Công ty Novaland cũng đã thâu tóm được những quỹ đất lớn ở quận Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh. Để thử nghiệm thị trường thì đơn vị này tung dự án RichStar. Dự án này nằm ngay mặt tiền giao lộ Hòa Bình – Tô Hiệu của quận Tân Phú…
Ngoài ra, phân khúc đất nền cũng đang phát triển mạnh ở đây với những dự án đất nền của Công ty Cát Tường Group, Trần Anh Group…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng vào khu Tây Sài Gòn để đón đầu cơ hội khi hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực đang được nâng cao. Đặc biệt, việc giá đất chuyển nhượng còn khá rẻ so với khu Đông, khu Nam TP.HCM, nhiều công trình giao thông trọng điểm quốc gia được đầu tư xây dựng, không khí trong lành với nhiều mảng xanh tự nhiên, đặc biệt sở hữu vị trí thuận tiện kết nối dễ dàng với trung tâm TP.HCM… đang tạo cho khu Tây một bộ mặt mới để phát triển.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Vũ, Tổng giám đốc Công ty bất động sản BV Land cho rằng khu Tây sẽ chỉ phát triển vào Quý III năm 2018. Lý giải cho nhận định này, ông Vũ cho rằng khu Tây nằm dưới phễu bay cất cánh của sân bay Tân Sơn Nhất nên hạn chế nhà cao tầng. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông xây dựng hầu như được hoàn thiện vào Quý III năm 2018.
“Đặc biệt, khu Tây đa phần là lao động phổ thông, thu nhập của họ hạn chế nên chỉ phù hợp với dự án bất động sản giá rẻ, mà giá rẻ thì các doanh nghiệp địa ốc ít mặn mà. Bên cạnh đó, việc quá nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất đặt tại các quận, huyện của khu Tây đang tạo ra một vật cản cho bất động sản phát triển bởi khách hàng e ngại môi trường sống bên cạnh các khu công nghiệp. Ngoài ra, việc phân biệt đẳng cấp, học vấn cũng vẫn còn khiến khách hàng có tiền không mặn mà với các dự án tại khu Tây”, ông Vũ nhận định.