Theo UBND TP. Đà Nẵng, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn từng bước đi vào nền nếp, góp phần hạn chế thất thoát tài nguyên. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước đối với các nguồn nước mặt thuộc danh mục sông nội tỉnh và nước dưới đất ở một số địa phương còn chưa hiệu quả.
Hành vi vi phạm các quy định về đảm bảo tài nguyên nước, đặc biệt là các hành vi vi phạm về: Bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông (đặt vật cản, chướng ngại vật, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh rạch; san lấp sông, suối gây thu hẹp dòng chảy không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận; khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, suối, hồ không đúng phương án thực hiện gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông hoặc gây ngập úng trầm trọng vùng đất ven sông) và xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất (giếng khoan) trong vùng hạn chế khai thác nước dưới đất diễn ra khá phổ biến.
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban ngành; chủ tịch UBND các quận, huyện, xã, phường và các đơn vị liên quan trong phạm vi chức năng tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành về tài nguyên nước, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành uỷ, UBND thành phố về công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông trên địa bàn.
Xác định vấn đề trên là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục của địa phương và các sở, ban ngành chức năng liên quan. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và giám sát để kịp thời có biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm có thể xảy ra. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đồng thời nhanh chóng kiểm tra, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm và chủ động cung cấp thông tin nhanh chóng đến nhân dân và tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, hạn chế, chấm dứt việc tái diễn tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động tài nguyên nước và tạo sự đồng thuận trong xã hội và nhân dân.
Đối với nước mặt, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm khắc, buộc tháo dỡ công trình vi phạm đối với các hành vi vi phạm các quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông gồm: Hành vi san lấp, thu hẹp dòng chảy không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận; hành vi đặt vật cản, chướng ngại vật, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước; hành vi đặt ống hoặc dây cáp bắc qua sông, suối, kênh, rạch, đặt lồng, bè không phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống lũ, các yêu cầu kỹ thuật có liên quan gây cản trở dòng chảy; hành vi khai thác khoáng sản, xây dựng cầu, bến tàu hoặc công trình khác ngăn, vượt sông, suối, kênh rạch không phù hợp; kè bờ, gia cố bờ sông, nạo vét, khơi thông luồng để mở mới luồng, tuyến giao thông thuỷ nội địa, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ không đúng phương án thực hiện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận; san lấp hồ, ao, đầm, phá nằm trong danh mục không được san lấp theo quy định.
Đặc biệt, nghiêm cấm việc chấp thuận cho phép khai thác, tận thu cát, sỏi lòng sông tại các khu vực đang bị sạt lở; các khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở; các khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt lở; khu vực có tầm quan trọng trong việc đảm bảo ổn định, an toàn của bờ sông, khu vực có công trình quốc phòng an ninh, khu đô thị, khu dân cư, khu vực có công trình đê điều, thuỷ lợi, giao thông, cấp thoát nước, quan trắc, giám sát và các công tình hạ tầng kỹ thuật khác mà việc khai thác cát, sỏi lòng sông có thể làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông./.