Aa

Đà Nẵng: Tăng thêm đất cho cây xanh

Thứ Bảy, 24/02/2024 - 10:23

Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại nhiều khu vực tăng thêm đất cho việc trồng cây xanh.

UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định 356/QĐ-UBND về phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (một số nội dung về sử dụng đất tại khu vực các phân khu: Công nghệ cao, Đô thị Sườn đồi, Đổi mới sáng tạo, Ven vịnh Đà Nẵng, Cảng biển Liên Chiểu, Trung tâm lõi xanh). Đáng chú ý, sau điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung lần này sẽ tăng thêm nhiều diện tích đất cây xanh. Đây là một vấn đề rất được quan tâm khi các đô thị lớn hiện đang quá thiếu không gian xanh.

Đà Nẵng: Tăng thêm đất cho cây xanh- Ảnh 1.

Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại nhiều khu vực tăng diện tích đất cây xanh. (Ảnh: HX)

Theo đó, đối với phân khu Công nghệ cao có diện tích điều chỉnh cục bộ quy hoạch khoảng 404ha, phân bổ các cụm công trình hạ tầng xã hội (hoán đổi vị trí) phù hợp với hiện trạng thực tế và các khu vực dân cư hiện hữu. Cụ thể, không thay đổi đất trường THPT; đất dịch vụ công cộng cấp đô thị tăng khoảng 4ha; đất cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị tăng khoảng 13ha; đất trung tâm y tế tăng khoảng 2ha; đất đơn vị ở mới giảm khoảng 11ha; đất mặt nước giảm khoảng 8ha.

Khu vực cây xanh mặt nước tuyến kênh thoát nước Hòa Liên cũng được tổ chức, phân bố lại. Đất cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị tăng khoảng 9ha, đất cây xanh chuyên dụng (cây xanh cách ly) tăng khoảng 11ha,đất mặt nước giảm khoảng 20ha.

Tại khu vực phân khu Công nghệ cao điều chỉnh từ đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật thành đất dịch vụ công cộng cấp đô thị (giảm khoảng 43ha), đất đơn vị ở (tăng khoảng 28ha), đất cây xanh chuyên dụng, cây xanh cách ly (tăng khoảng 6ha). 

Tương tự, khu vực phân khu Đô thị Sườn đồi (457ha) cũng tăng thêm không gian xanh. Theo đó, tổ chức, phân bổ lại 3 vị trí hồ nước, bổ sung thêm các không gian cây xanh. Cụ thể, đất đơn vị ở mới giảm khoảng 20ha, đất sử dụng hỗn hợp giảm khoảng 12ha, đất nông nghiệp giảm khoảng 23ha, đất mặt nước giảm khoảng 101ha (do hiện trạng độ dốc lớn); đất cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị kết hợp mặt nước tăng khoảng 48ha, đất rừng sản xuất tăng khoảng 108ha.

Điều chỉnh khu vực rừng sản xuất tại khu vực hồ Trước Đông thành công viên chuyên đề; hoán đổi vị trí đất sử dụng hỗn hợp để phát triển dự án khu tổ hợp phi thuế quan tại nút giao đường Bà Nà - Suối Mơ và trục đường 29m quy hoạch; điều chỉnh đất công nghiệp tại phía Tây đường tránh Nam hầm Hải Vân thành đất kho tàng để mở rộng khu logistic tại khu vực Hòa Nhơn và đất công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối để bố trí cảng cạn Hòa Nhơn.

Đối với Khu vực phân khu Đổi mới sáng tạo (khoảng 34ha), phân bổ lại cụm công trình hạ tầng xã hội (hoán đổi vị trí) tại khu vực phía Tây đường Trần Nam Trung về các khu vực: phía Đông Khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân, phía Tây Nam nút giao đường Nguyễn Xuân Lâm - Đô Đốc Tuyết, phía Đông Bắc nút giao đường Trần Nam Trung - Phạm Hữu Nghị, phía Tây nhà máy nước Cầu Đỏ, phía Đông chợ mới Ba Xã Hòa Phước phù hợp với hiện trạng thực tế và các khu vực dân cư hiện hữu.

Còn trong nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch của phân khu đổi mới sáng tạo, điều chỉnh đất dịch vụ công cộng đô thị thành đất cây xanh sử dụng công cộng đô thị kết hợp bãi đỗ xe ngầm tại khu đất phía Tây Bắc đường dẫn cầu Nguyễn Tri Phương - đường Thăng Long.

Hay như phân khu ven vịnh Đà Nẵng cũng bổ sung đất cây xanh để mở rộng quảng trường trung tâm khu vực Tây Bắc. Đất cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị tăng khoảng 1ha và đất đơn vị ở kết hợp thương mại dịch vụ giảm 1ha.

Khu vực phân khu Cảng biển Liên Chiểu điều chỉnh đất kho tàng thành đất đơn vị ở để giữ lại khu dân cư hiện trạng đang sống ổn định.

Khu vực phân khu Trung tâm lõi xanh, điều chỉnh mở rộng đất trung tâm y tế tại khu vực trung tâm y tế huyện Hòa Vang để hình thành trung tâm y tế và nghiên cứu phát triển công nghệ y khoa, đào tạo, chuyển giao công nghệ. Chi tiêu sử dụng một số chức năng cơ bản sau điều chỉnh. 

Đầu tư khớp nối cống thoát nước Khe Cạn

Ngày 23/2, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành quyết định số 366/QĐ-UBND về chủ trương đầu tư công trình khớp nối giao thông, xử lý thoát nước tại khu vực cống thoát nước Khe Cạn (quận Thanh Khê) với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng. Dự án do UBND quận Thanh Khê làm chủ đầu tư. Mục tiêu đầu tư công trình nhằm khớp nối giao thông, xử lý thoát nước tại khu vực cống thoát nước Khe Cạn; đồng thời, giải quyết vấn đề ngập úng mỗi khi có mưa lớn.

Đà Nẵng: Tăng thêm đất cho cây xanh- Ảnh 2.

Mặt đường cao gần 1m nên hễ có mưa lớn, nước tràn cống là chảy vào nhà dân.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, dự án cũng sẽ xây dựng hệ thống thoát nước riêng cho khu vực Khe Cạn. Cụ thể, toàn bộ lưu lượng nước mưa được thu gom bằng hệ thống thoát nước đi giữa các kiệt hẻm hiện trạng và đấu nối vào tuyến cống chính của khu vực là tuyến cống Khe Cạn đã thi công.

Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở khu vực Khe Cạn (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đã gặp nhiều khó khăn vì tình hình ngập úng. Theo lãnh đạo phường Thanh Khê Tây, địa phương có hơn 300 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cống Khe Cạn, số hộ bị ảnh hưởng bởi ngập úng thì nhiều hơn. Trước khi triển khai làm cống thì ô nhiễm môi trường, làm xong cống lại xảy ra ngập úng cục bộ trong dân cư.

Do tuyến cống Khe Cạn có cao độ cao hơn nhà dân nên lúc mưa lớn, nước trong cống tràn ra khu dân cư; còn nước mưa ở trong khu dân cư thì không thể chảy vào cống gây nên tình trạng ngập úng. Hiện, cứ mưa lớn là phường Thanh Khê Tây phải sơ tán 120-140 hộ dân ở khu vực này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top