Aa

Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động phát huy giá trị ma nhai Ngũ Hành Sơn

Thứ Hai, 27/02/2023 - 06:10

Sáng 1/3, UBND TP. Đà Nẵng sẽ tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Trước đó, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Ma nhai “Phổ Đà sơn linh trung Phật” khắc năm 1640 tại động Hoa Nghiêm, danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Đây là 1 trong 9 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh (gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương). Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trên vách đá và hang động với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.

Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là nguồn sử liệu quý giá cung cấp các thông tin đặc biệt từ quá khứ như mối quan hệ giao lưu, tiếp xúc văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam với các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản từ thế kỷ XVII. Chính sách hướng biển và ngoại giao cởi mở, mềm dẻo của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực. Hệ tư tưởng chính trị Nho giáo của triều Nguyễn và các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam như truyền thống yêu nước, hiếu học, yêu chuộng chữ nghĩa cùng giai đoạn Phật giáo Việt Nam đã hội nhập và mang tính quốc tế cao.

Cùng với đó là cho biết diện mạo, vẻ đẹp nguyên thủy của danh thắng Ngũ Hành Sơn - một vùng thắng tích được mệnh danh là “Nam châu đệ nhất danh thắng”. Địa danh địa phương, bổ sung cho các tài liệu cổ như Ô châu cận lục và Phủ biên tạp lục cũng như các bộ địa chí của triều Nguyễn. Lịch sử hình thành và phát triển của làng nghề đá mỹ nghệ non nước, các kỹ thuật điêu khắc đá thủ công đã không còn phổ biến. Lịch sử về giai đoạn phát triển thịnh vượng nhất của thương cảng Hội An và giao lưu hàng hải khu vực Châu Á - Thái Bình Dương…

Từ việc đón nhận bằng công nhận di sản tư liệu thế giới đối với ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn này, UBND TP. Đà Nẵng cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận Ngũ Hành Sơn thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản quý báu này. Đồng thời, xem đây là sứ mệnh bảo vệ và phát huy giá trị ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn xứng tầm với vị thế của một di sản tư liệu thế giới; nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử nói chung và của ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn nói riêng.

Lễ hội Quán Thế Âm.

Cùng nằm trong chuỗi sự kiện văn hóa của TP. Đà Nẵng, từ ngày 8 -10/3, Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng sẽ được tổ chức tại khuôn viên Chùa Quán Thế Âm (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) và tại các tuyến đường Sư Vạn Hạnh, Lê Văn Hiến, tuyến từ Chùa Quán Thế Âm đến Chùa Hương Sơn (Núi Ghềnh)...

Lễ hội Quán Thế Âm được diễn ra vào ngày 19/2 âm lịch hàng năm, là một trong những lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của đạo Phật. Theo UBND TP. Đà Nẵng, lễ hội là dịp để quảng bá sâu rộng hình ảnh, sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng, đồng thời là dịp để mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, du lịch, tôn giáo… Ngoài ra, Ngũ Hành Sơn góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn TP. Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025”, tôn vinh Lễ hội Quán Thế Âm là di sản nằm trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn - di tích quốc gia đặc biệt.

Lễ khai mạc sẽ được diễn ra vào 19 giờ ngày 8/3 và bế mạc vào lúc 17 giờ ngày 10/3. Phần lễ chính (Lễ Vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm) sẽ diễn ra vào lúc 7 giờ ngày 10/3. Đặc biệt, trong khuôn khổ lễ hội sẽ có nhiều chương trình nổi bật, đặc biệt so với mọi năm như: Hoạt động diễn thuyết về giá trị Ma nhai Ngũ Hành Sơn; công bố, trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho độc bản Lá Bồ đề lớn nhất mạ vàng 24k và cho độc bản 16 bức tranh sứ màu cẩn trên 4 tháp chùa Quán Thế Âm; biểu diễn thả diều nghệ thuật...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top