Aa

Đặc khu kinh tế bị "tuýt còi": Nhiều nhà đầu tư "ngậm đắng" vì... rút không kịp

Chủ Nhật, 06/05/2018 - 06:01

Ngay sau khi chính quyền Quảng Ninh và Phú Quốc (Kiên Giang) có động thái siết chặt công tác quản lý đất đai tại các đặc khu kinh tế, nhiều nhà đầu tư lướt sóng phải “ngậm đắng” khi vốn chưa kịp rút.

Dù đã có nhiều chuyên gia khuyến cáo về việc đầu cơ môi giới đất nền tại các đặc khu kinh tế như Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), nhưng diễn biến của thị trường bất động sản tại nơi được kỳ vọng trở thành “cú đấm thép” này vẫn trở nên "hưng phấn" quá mức đến khó kiếm soát. Giá đất nền bị đẩy lên từng ngày, từng tháng. Đặc biệt ở Phú Quốc còn diễn ra tình trạng mua đất rừng, đất nông nghiệp, bất chấp quy luật của pháp luật.

Đến ngày 3/5, cổng thông tin của tỉnh Quảng Ninh đăng tải thông tin ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã có chỉ đạo việc tạm dừng giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Vân Đồn. Lãnh đạo Quảng Ninh cho biết, động thái này nhằm siết chặt công tác quản lý đất đai và làm rõ một số thông tin về việc "sốt" giá đất tại Vân Đồn. Biện pháp này nhằm chặn kịp thời cơn sốt đất đang càn quét mạnh mẽ tại đây trong khi chờ Quốc hội thông qua Luật Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt.

Cũng tại Phú Quốc (Kiên Giang) UBND huyện cũng có công văn chỉ đạo Phòng Tài nguyên và môi trường tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa có diện tích dưới 500m2 trên địa bàn huyện.

Với những chính sách mạnh tay siết chặt, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán rằng, thị trường bất động sản tại các đặc khu như Vân Đồn, Phú Quốc sẽ có những diễn biến đổi chiều bất ngờ. Theo đó, lượng giao dịch sẽ bị sụt giảm nhanh chóng cùng với đó là tâm lý hoang mang của không ít những nhà đầu tư có thể dẫn tới thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng tạm thời.

Nhận định về tình hình này, ông Nguyễn Quang Minh (Giám đốc Công ty CP BĐS Hùng Vương) cho rằng: “Thị trường bất động sản ở đặc khu chỉ cần chậm nhịp hoặc dừng việc mua bán lại thì những nhà đầu cơ rót hàng tỷ đồng ôm đất đợi ngày tăng giá sẽ dễ rơi vào tâm lý bất an. Nếu tình trạng này diễn ra lâu dài thì nguy cơ phá sản hoặc bán tháo xảy ra rất cao”.

Theo ông Minh phân tích, đầu tư vào đặc khu gồm có 2 nhóm, một là những người có nhu cầu kinh doanh thực sự khi đất đặc khu tăng cao, hai là những người đầu cơ lướt sóng muốn kiếm lời chênh. “Đối với người có nhu cầu kinh doanh thực sự, họ sẽ không bị nao núng khi chính quyền có động thái siết chặt thị trường đất nền đặc khu. Thực tế, khi vào Phú Quốc hoặc Vân Đồn, họ là người có tiền, có hiểu biết, đã nghiên cứu kĩ về thị trường và lựa chọn những khu đất đẹp. Họ đầu tư có chọn lọc, không ôm đồm. Họ đợi giá trị thực của đất nền đặc khu. 

Ông Nguyễn Quang Minh.

Ông Nguyễn Quang Minh.

Nhưng đối với nhóm đầu tư lướt sóng dễ rơi vào 2 trường hợp. Có những người nhanh chóng lướt vội, kiếm lời xong sẽ rút hoàn toàn, đảm bảo vốn đầu tư nhưng có nhóm nhà đầu tư vẫn tham, “cố đấm ăn xôi” thì khi thị trường có diễn biến xấu đi, họ sẽ không kịp phản ứng rút vốn về. Rất nhiều người đầu cơ sẽ rơi vào tình trạng ứ đọng vốn nhất là đối với người đi vay nóng tiền. Trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ khó trở về với giá trị sốt cao như ban đầu khi động thái này của chính quyền khiến nhiều người cảnh tình và e ngại”.

Ông Lê Thiện, nhà đầu tư ở Phú Quốc, cho rằng: “Phú Quốc là một thị trường được rất nhiều nhà đầu cơ đổ tiền vào đây. Đánh giá về vị trí địa lý thì Phú Quốc là nơi nóng quanh năm, du lịch biển sẽ phát triển hơn so với Vân Đồn. Nguồn tiền chồng vào đặc khu này với khối lượng “khổng lồ” vì ai cũng kỳ vọng sẽ có thể làm giàu từ nơi này. Tuy nhiên, thông tin nghiêm cấm chuyển đổi mục đích sử dụng đất mới đây từ chính quyền sẽ khiến nhóm đầu cơ vào đất rừng, đất nông nghiệp sẽ dễ rơi vào tình cảnh điêu đứng. Thực tế, họ thừa biết mua bán đất rừng và đất nông nghiệp là trái phép nhưng vẫn cố mua, chấp nhận có giấy tờ viết tay cũng mua, bất chấp những quy định của pháp luật.”

Khi có những dấu hiệu sai phạm tại các thị trường đặc khu thì sự can thiệp của các công cụ chính sách là điều hết sức cần thiết, góp phần giúp thị trường trở nên minh bạch.

TS. Nguyễn Minh Phong 

Theo ông Thiện, nhóm nhà đầu cơ chưa kịp rút vốn tại các đặc khu kinh tế như Phú Quốc và Vân Đồn sẽ chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ chính sách siết chặt thị trường bất động sản của chính quyền. “Tâm lý ai cũng nghĩ, cái gì “sốt” thì cũng chắc chắn lên giá. Dù biết mạo hiểm nhưng họ dám chơi thì giờ buộc phải dám chịu. Nhiều người biết trước sẽ có lúc thị trường bị đóng băng nhưng họ không nghĩ lại nhanh như vậy”.

Bình luận về diễn biến của thị trường bất động sản sau khi có động thái siết chặt từ chính quyền, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh: “Thị trường bất động sản sẽ hoạt động theo quy luật cung, cầu nhưng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Khi có những dấu hiệu sai phạm tại các thị trường đặc khu thì sự can thiệp của các công cụ chính sách là điều hết sức cần thiết, góp phần giúp thị trường trở nên minh bạch. Cứ đúng theo pháp luật thì mọi sự đầu tư sẽ hạn chế lớn được các rủi ro có thể xảy ra”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top