Aa

"Trúng đậm" từ lướt sóng đất đặc khu, nhiều nhà đầu tư rục rịch “rút êm”

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Hai, 23/04/2018 - 06:00

Sau khi kiếm lời từ việc lướt sóng vào các vùng đặc khu kinh tế, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu nhanh chóng thu hồi vốn, đẩy nhanh các khu đất đề phòng những rủi ro có thể xảy ra sau đó.

Ngay từ thời điểm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) mới chỉ có chút ít thông tin được quy hoạch thành đặc khu, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu chiến lược “mua trước đón đầu” bất động sản ở những vùng này. 

Kỳ vọng lớn vào giá đất đã khiến làn sóng đầu tư từ Hà Nội, Sài Gòn, Quảng Ninh,... ồ ạt đổ vào các đặc khu kinh tế tương lai. Bên cạnh một số nhà đầu tư xác định kinh doanh lâu dài thì có nhiều nhà đầu tư coi đây là cơ hội thuận lợi để “lướt sóng” chớp cơ hội kiếm được khoản tiền chênh khổng lồ.

Thực tế cho thấy chỉ sau một thời gian ngắn, với giá đất tại các khu vực này đã tăng cao liên tục, không ít nhà đầu tư đã kiếm được nguồn lợi nhuận “khủng” từ việc ăn chênh tiền. Thu được tiền tỷ chỉ trong một thời gian ngắn đã không còn là chuyện khó khăn với các nhà đầu tư ở đặc khu.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau khi kiếm đủ từ việc đổ tiền vào các đặc khu, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu rục rịch rút vốn, quay trở lại với chiến lược đầu tư an toàn.

(Ảnh minh họa.)

Ảnh minh họa.

Chia sẻ với Reatimes, ông Bùi Tiến (Hà Đông, Hà Nội), một khách hàng mua đất tại đặc khu kinh tế Phú Quốc, cho hay: “Sau nửa năm “nằm vùng”, tôi kiếm được tiền chênh hơn 5 tỷ đồng từ 4 mảnh đất. So với giá mặt bằng thời điểm bán, tôi ra giá còn khá rẻ. Đến hiện tại, tôi đã rút hết vốn ra khỏi đất đặc khu".

Tiết lộ về lý do quyết định rời hướng đầu tư, ông Tiến giải thích: “Theo đánh giá cảm quan của tôi, lượng giao dịch mua bán ở Phú Quốc sẽ không còn diễn ra nhiều như trước. Nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn mua được đất ở thời điểm ban đầu và bán lại vào giai đoạn giá đất sát đỉnh thì khoản lời chênh đã quá nhiều. Ở giai đoạn sau này, nhiều người đầu tư đều nhận thấy giá đất khó có thể đẩy quá cao được nữa và mức độ kiếm lời sẽ không còn an toàn như trước.”

Ông Tiến cũng cho biết: “Những người đầu tư vào đất đặc khu ở thời điểm đầu hoặc giữa đều đang rút dần. Một số người bán nhanh các mảnh đất đề phòng khi quy hoạch chi tiết công bố, mảnh đất có thể rơi vào những nơi như tái định cư, làm đường. Chỉ có một số nhà đầu tư muốn xây dựng nhà hàng, biệt thự, làm ăn lâu dài ở những đặc khu thì mới dám mạnh tay chi tiền lớn.”

Tương tự như ông Tiến, ông Nguyễn Ngọc Sơn (Hoài Đức, Hà Nội) cũng đang thu hồi lại tiền đầu tư vào đặc khu sau khi lướt sóng thành công. “Tôi đầu tư vào đất đặc khu cách đây 1 năm. Đến bây giờ là giai đoạn thu hoạch “gặt lúa”. Tôi đã giao dịch được 80% những khu đất đã đầu tư của mình và thu được lời gấp 3 so với thời gian bỏ vốn ra. Tôi đang đẩy nhanh nốt các mảnh đất còn lại để rút tiền đầu tư khỏi đặc khu kinh tế".

Ông Sơn quan ngại rằng, nếu việc đầu tư kiếm lời theo hướng “cố đấm ăn xôi” sẽ dễ bị thất bại và bỏ lỡ nguồn lợi nhuận khổng lồ. 

Nhiều nhà đầu tư e ngại khi bỏ tiền vào đây sẽ không có nhiều lãi hoặc có thể sẽ bị lỗ vì giá đất đã quá cao.

Nhận định về thị trường bất động sản ở các đặc khu hiện tại, ông Đỗ Tiến Duẩn (Giám đốc Sàn Giao dịch Bất động sản Hùng Vương Land, Vạn Ninh, Khánh Hòa) cho rằng: “Khi giá trị của các mảnh đất tăng quá cao, thì đến một thời điểm sức tăng của những khu đất này sẽ bị chững lại. Tính đến hiện tại, giá đất ở các đặc khu bị đẩy lên gấp nhiều lần. Nhiều nhà đầu tư e ngại khi bỏ tiền vào đây sẽ không có nhiều lãi hoặc có thể sẽ bị lỗ vì giá đất đã quá cao".

Trên cơ sở phân tích tình hình thị trường bất động sản ở các đặc khu, ông Duẩn cho rằng: “Đa phần vì kỳ vọng lớn vào giá đất đặc khu nên dù chưa có quy hoạch nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn “liều” đổ tiền vào đây. Khi đã đủ lời, đặc biệt sau thông tin cảnh báo trên các phương tiện truyền thông cũng như kế hoạch chuẩn bị công khai quy hoạch chi tiết các đặc khu nên nhiều nhà đầu tư bắt đầu rút. Làn sóng rút tiền đầu tư ở các đặc khu đang ngày càng diễn ra mạnh và lan tỏa".

Tại tọa đàm “Đất nền nóng sốt, nhận diện cơ hội và rủi ro đầu tư” do Trí thức trẻ tổ chức chiều 19/4, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, giá đất đặc khu tăng vọt, nhà đầu tư quay cuồng vào vòng xoáy sốt đất chắc chắn sẽ phải đối mặt với 3 rủi ro lớn:

Thứ nhất, nhà đầu tư và các nhà đầu cơ chắc chắn sẽ bị mua cao hơn giá trị thực bởi hầu hết các khu này đều chưa có sự đầu tư của nhà nước cũng như các doanh nghiệp nhiều.

Thứ hai, chính là nguy cơ rủi ro pháp lý. Việc mua bán đất ở các khu vực này hầu như đều chưa đúng quy định, dẫn tới rủi ro cho người mua nhà.

Thứ ba, các khu vực này là phần lớn đất chưa được quy hoạch. Do đó, rủi ro đất của người mua nhà sẽ bị vào các dự án đang quy hoạch.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top