Aa

"Đặc khu kinh tế khó trở thành cú đấm thép"

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 13/03/2018 - 20:01

Đó là quan điểm của TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên và Giám đốc chương trình Thạc sỹ Chính sách công tại Đại học Fulbright khi phân tích về những tác động của đặc khu kinh tế tới sự phát triển của kinh tế và đô thị Việt Nam.

Đánh giá về 3 đặc khu kinh tế (ĐKKT): Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang), TS. Huỳnh Thế Du nhận định: “Đối với Vân Đồn, nếu nhìn vào sự tương hỗ, gắn kết giữa nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc thì tôi cho rằng nơi đây có những yếu tố quan trọng để thành công. Với Phú Quốc, việc lựa chọn này được xem là để đón kênh đào đi qua Thái Lan. Đấy cũng là một cách nhìn. Bản thân tôi thấy Phú Quốc là địa điểm kinh doanh du lịch rất tốt, các DN đã có cơ sở phát triển du lịch lớn thì đó là một tiềm năng để gắn các ngành kinh tế liên quan đến du lịch. Còn Vân Phong, thú thật với hiểu biết của tôi, tôi chưa thấy được thị trường của Vân Phong là gì".

Theo TS. Huỳnh Thế Du, việc đặt ĐKKT ở 3 miền Bắc - Trung - Nam phù hợp với định hướng là “nén bớt” sự phát triển của hai đô thị lớn nhất cả nước lại và thúc đẩy các thành phố khác đi lên để thu hẹp dần khoảng cách giữa các thành phố. 

ệt Nam sẽ xây dựng 3 đặc khu hành chính - kinh tế (Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc)

Việt Nam sẽ xây dựng 3 đặc khu hành chính - kinh tế (Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc)

TS. Huỳnh Thế Du cho hay: “Hiện chúng ta phải cạnh tranh và thu hút người giỏi và người giàu trên mảnh đất của chính chúng ta, bây giờ không có mấy người giàu muốn chạy ra Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phú Quốc ở đâu. Khả năng 10.000 hay 100.000 người ở Hà Nội thì có, chứ 10.000 – 100.000 người đó chuyển ra Vân Đồn thì khó lắm. Việt Nam cần lưu ý vấn đề hiện nay không phải là chúng ta sẽ lựa chọn, so sánh Hà Nội hay TP.HCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng... mà chúng ta phải so sánh Hà Nội hay Singapore, hay Tokyo, hay New York...

Theo đó, ba khu vực được chọn để phát triển ĐKKT hiện tại dù có thành công cũng khó trở thành “cú đấm thép” hay “cú huých” để đưa nền kinh tế cả nước đi lên, bởi nền kinh tế của Việt Nam hiện vẫn đang dựa vào kinh tế của Hà Nội và TP.HCM. Tốt nhất nên tập trung đưa hai đầu tàu này đi lên để kéo đoàn tàu kinh tế cả nước".

TS. Huỳnh Thế Du

TS. Huỳnh Thế Du

Trước đó, dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đơn vị HCKTĐB) đã được thảo luận sôi nổi. Đề án thành lập đơn vị HCKTĐB tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc cũng đã được đệ trình.

Trong Dự án này, Vân Đồn được định hướng trở thành đô thị du lịch sinh thái biển – đảo chất lượng cao còn  Phú Quốc định hướng trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, dịch vụ thương mại và mua sắm quốc tế.

Riêng với đặc khu Bắc Vân Phong, dù định hướng chủ yếu phát triển về cảng biển nước sâu, dịch vụ logistics cảng biển quốc tế theo thế mạnh của khu vực này, nhưng dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cũng là lĩnh vực được ưu tiên phát triển.

Bên cạnh đó, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã triển khai lấy ý kiến của cử tri đối với đề án xây dựng đặc khu Vân Đồn. Tổng số cử tri được lấy ý kiến là 30.364/30.959 người. Chỉ 1,19% số cử tri không nhất trí- con số đó đủ cho thấy người dân huyện đảo mong ngóng cơ hội đổi đời này đến cỡ nào.

Trong khi đó, ở Phú Quốc, nhà đầu tư đã và đang đón đầu cơ hội đặc khu đang đến rất gần với đảo Ngọc. 193 dự án có tổng vốn 215.194 tỷ đồng đã được cấp phép và chấp nhận chủ trương đầu tư.

Có 30 dự án với tổng vốn đầu tư 49.143 tỷ đồng đã đi vào hoạt động và 24 dự án đang triển khai xây dựng với quy mô vốn lên tới 103.408 tỷ đồng. Đầu tư mạnh nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, Phú Quốc sẵn sàng đón cơ hội trở thành đặc khu hành chính - kinh tế đầu tiên của cả nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top