Aa

Đại biểu Quốc hội: Chú trọng phát triển nhà ở xã hội cho công nhân

Thứ Ba, 11/01/2022 - 06:15

Việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân là đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo sức khỏe cho công nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hậu Covid-19.

Đại dịch Covid-19 giai đoạn vừa qua đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), cho rằng thời điểm hiện nay, song song với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, việc quan tâm đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân là công việc rất tốt, giúp người lao động không chỉ ổn định đời sống mà còn đảm bảo vấn đề an sinh - xã hội.

PV: Ông đánh giá thế nào về chính sách xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thời gian vừa qua?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Thời gian vừa qua, Chính phủ đã tập trung xây dựng nhà ở xã hội nhưng do tình hình dịch bệnh nên cũng chỉ đạt được khoảng gần 60%, đây là tính chung là các nhà ở xã hội, còn nếu nhà xã hội cho công nhân thì chỉ đạt trên dưới 1/3.

Việc xây nhà xã hội cho công nhân là vấn đề rất cần thiết bởi: Thứ nhất, ở giai đoạn bùng phát dịch vừa qua, ở một số nơi điều kiện ăn ở của công nhân không được đảm bảo khiến họ phải di dời về quê. Đây cũng là một nguyên nhân lây lan dịch bệnh từ trung tâm dịch ra nơi khác.

Thứ hai, nó thể hiện được yếu tố an toàn và bình đẳng cho xã hội. Đây là vấn đề cần phải giải quyết dứt điểm, nhất là những người lao động, họ tập trung sản xuất, tạo của cải vật chất cũng như cung cấp chuỗi cung ứng sản xuất hàng ngày, nếu chúng ta quan tâm không đúng mức sẽ gây bất ổn trong sản xuất và xã hội.

Do vậy, đây là thời điểm thích hợp và cần phải bắt tay ngay vào việc này, nhất là song song với quá trình phục hồi, tái cơ cấu nền kinh tế.

PV: Về nhà ở xã hội cho công nhân hiện nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, như việc giá phù hợp với thu nhập với người lao động... Vậy theo ông, tới đây cần đầu tư như thế nào để hóa giải các điểm nghẽn?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Hiện nay nhà ở cho công nhân có rất nhiều chính sách và chi phối bởi nhiều luật (như: Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Nghị định 49/CP, Quyết định 66…) song nhiều văn bản còn chồng chéo, chưa rõ ràng nên việc hướng dẫn nhà ở cho công nhân vẫn chưa đi đến thống nhất, số công nhân có thể mua được căn hộ rất ít, chủ yếu là đi thuê và thuê các nhà giá rẻ để ở gần nơi làm việc, do vậy điều kiện không được tốt và đồng bộ.

Thậm chí, từ năm 2009, Thủ tướng đã có quyết định số 66/TTg về xây dựng nhà ở và yêu cầu nhà ở cho công nhân phải đồng bộ, gồm hạ tầng xã hội, giáo dục, các trường học và bệnh viện…, nhưng thực tế cho đến bây giờ vẫn chưa đạt được.

Theo tôi, chế tài hay Nghị định ban hành có thể chưa đủ hoặc thực hiện chưa nghiêm... là những bất cập trong việc xây dựng nhà ở cho công nhân.

Đây là nội dung cần phải xem xét lại từ thể chế, tức là từ các văn bản cũng phải quy định lại, rà soát lại, cụ thể là phải có đơn vị chủ trì đánh giá lại, thậm chí có thể phải thuê tư vấn độc lập đánh giá toàn diện về vấn đề này.

Đây là vấn đề phải nghiên cứu chứ không phải nhìn thấy một chính sách nào bất cập rồi lập tức ban hành ngay một chính sách khác, biết đâu chính sách mới chúng ta ban hành lại có bất cập khác, mà chúng ta tránh bất cập này bằng một bất cập khác thì rõ ràng không tốt.

Do vậy, phải có đánh giá toàn diện, tổng thể để xem thực trạng hiện nay công nhân đang ở đâu, thu nhập người ta như thế nào? Bao nhiêu phần trăm có nhà ở và kỳ vọng của người công nhân là gì ngoài chuyện ở và mưu sinh còn việc học hành con cái, định cư lâu dài…

Chúng ta cần đánh giá tổng thể, sau đó rà soát lại văn bản đã có để hợp nhất lại, rồi biên soạn văn bản mới mang tính thời sự hơn, đi vào đời sống tốt hơn và có hiệu quả hơn.

PV: Hiện nay, Bộ Xây dựng đang đề xuất gói khoảng 65.000 tỷ của Chính phủ tiếp tục kích cầu xây dựng nhà ở xã hội, vậy theo ông chính sách này có giải quyết được căn cơ về nhà ở xã hội thời gian tới hay không?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Việc nguồn lực đầu tư nhà ở xã hội là cần thiết, song như đã nói ở trên, chúng ta phải có đánh giá nghiên cứu tổng thể thì mới biết được nguồn lực cần bao nhiêu và xây dựng như thế nào, đối tượng nào, ở đâu thì hiện nay chưa có nghiên cứu. Do vậy để trả lời ngay gói 65.000 tỷ đồng như vậy có đáp ứng được không sẽ khó.

Tôi nghĩ nguồn lực đầu tư rõ ràng là cần thiết nhưng phải có cách làm cụ thể. Ví dụ, nếu Bộ Xây dựng được tiếp cận gói 65.000 tỷ đồng này thì có nhiều hình thức làm, chứ không phải đầu tư ngay lập tức vào cho các khu công nghiệp hay các khu đô thị mà chúng ta có thể tạo thêm quỹ quay vòng.

Đơn cử, trước đây ngân hàng ADB đã áp dụng quỹ để hỗ trợ xóa đói giảm nghèo hoặc hỗ trợ cho phụ nữ những quỹ để các hộ nghèo vay sản xuất và 5 - 6 năm họ lại quay vòng như thế.

Dai bieu Quoc hoi: Chu trong phat trien nha o xa hoi cho cong nhan hinh anh 2
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Bình Dương trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Tương tự như vậy, với gói 65.000 tỷ đồng, nếu chúng ta đầu tư ngay vào một khu đô thị hoặc một vài khu nào đấy thì gói sẽ hết nhanh và tất cả sẽ nằm đấy. Nhưng nếu chúng ta quay vòng để cho chủ đầu tư dự án làm và trả nợ với lãi suất ưu đãi thì khi quay vòng lại sẽ đầu tư được nhiều khu công nghiệp trên toàn quốc và đấy cũng có thể là một giải pháp.

Một giải pháp căn cơ cần tính đến là tiếp cận với các công nghệ mới về lắp ghép nhà mà nhiều nhà đầu tư các nước như: Phần Lan, Thụy Điển… đến giới thiệu, hình thức rất đẹp, thuận tiện mà giá thành cũng phù hợp, đảm bảo sạch sẽ, sang trọng…

Do đó, Bộ Xây dựng cần phải có nghiên cứu tổng thể, đánh giá thì từ đấy chúng ta ra được nguồn lực dành cho việc này bao nhiêu. Tức là chúng ta phải tiếp cận và đánh giá toàn bộ các vấn đề xã hội, tác động với công nhân ở góc độ từ dưới lên rồi cân đối các nguồn lực.

Khi có giải pháp tổng thể thì lúc đấy Bộ Xây dựng mới có thể trình Chính phủ hoặc Chính phủ trình Quốc hội về các quyết sách lớn hơn, ổn định hơn và đảm bảo lâu dài hơn.

PV: Như ông nói Chính phủ cần phải đánh giá tổng thể, song rất nhiều chuyên gia chỉ ra việc xây dựng luật pháp để thu hút nguồn lực đang vướng bởi luật đầu tư bất động sản, vậy quan điểm của ông như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Thực tế, việc xây dựng nhà ở chi phối bởi nhiều luật, nhiều bộ luật, kể cả Luật Nhà ở… nên bây giờ phải rà soát qua các tư vấn hoặc các chuyên gia.

Mỗi một người ở các vị trí công việc của họ (xã hội học, kiến trúc, kinh tế…) nêu vấn đề từ góc nhìn khác nhau để thấy vấn đề thuận hay không thuận, sau đó Bộ Xây dựng tổng hợp lại để thấy góc nhìn mới sẽ là cái gì? Từ đó, chúng ta có thể xây dựng một Nghị định hoặc Luật mới, tùy vào mức độ đánh giá cũng như có thể đề xuất sửa đổi Luật và Nghị định cũ còn hạn chế, bất cập.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top