Căn bệnh đô thị và sự lây lan đầy lo ngại
Đó là đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu Định cư về tình trạng đô thị hóa tại Việt Nam hiện nay.
Theo quan điểm của vị PGS này, các căn bệnh đô thị như: Kiến trúc lộn xộn, giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường, dự án đô thị - phòng ngủ thiếu vắng việc làm và dịch vụ đời sống thiết yếu... ngày một trầm kha. Thêm vào đó, nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp tập trung và phân tán cũng đang trở thành một vấn đề nan giải.
"Xem xét một cách sâu xa, chúng ta đang thiếu một hoạch định tổng thể được nghiên cứu hệ thống, liên ngành giữa công nghiệp hóa với đô thị hóa, giữa đô thị hóa với con người cụ thể có nhu cầu sử dụng đô thị phù hợp với việc làm và đời sống và văn hóa rất đa dạng trong phát triển", PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục cho hay.
Theo Cục Phát triển đô thị, tính đến tháng 11/2018, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam đạt 38,3% dân số với 819 đô thị và 74.000 điểm dân cư.
Tốc độ tăng trưởng đô thị ngày một tăng khi đang có tới 1.000 khu đô thị mới có quy mô hơn 20ha, tổng diện tích lên tới 102.000ha. Chưa kể hàng chục ngàn dự án quy mô nhỏ hơn đang tiến hành xây dựng, trải khắp các đô thị trên toàn quốc.
Sự đảo ngược - Việt Nam, đô thị hoá xảy ra nhiều năm trước công nghiệp hoá
PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục nhận định: "Tại Việt Nam, quá trình đô thị hoá xảy ra nhiều năm trước quá trình công nghiệp hoá, khiến cho các mô hình và tư duy đô thị gặp sự khủng hoảng lớn".
Và dù chưa kịp phân tích nguyên nhân do đâu dẫn tới hiện tượng này nhưng có thể dễ dàng nhận ra rằng các đô thị Việt Nam càng phát triển càng bộc lộ các yếu kém gây tác hại lâu dài.
Bởi đó, các căn bệnh đô thị như hạ tầng không theo kịp phát triển đô thị mới, giao thông tắc nghẽn, lũ lụt trên diện rộng, chất thải sinh hoạt khó chôn lấp, di dân tự do, an ninh xã hội… ngày càng trầm kha. Kéo theo là hệ lụy thiếu nhà ở xã hội, ngay cả các khu công nghiệp tập trung cũng gặp vấn đề lớn với nhà ở cho công nhân của mình.
Bà Thục phân tích, sự lệch pha lớn này đã tạo ra lượng lớn các nhóm người dân nhập cư, lao động tay nghề thấp trong công nghiệp và dịch vụ. Những người này sống chen chúc trong các khu trọ tối tăm, không được thoả mãn nhu cầu tối thiểu và gia đình về nhà ở, việc làm, chưa nói đến các nhu cầu dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, nước sạch và hạ tầng kỹ thuật…
Và điều này càng trở nên nan giải hơn khi dòng người nhập cư không chính thức từ nông thôn ra thành phố và các khu công nghiệp ngày càng tăng trong diễn biến đô thị hoá toàn diện như hiện nay.
Kết quả điều tra dân số năm 2009 cho hay, mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu người nhập cư vào các thành phố. Đối với TP.HCM, dân số là 7.109.251 người thì dân nhập cư chiếm 28,9 %, chưa kể số người nhập cư không chính thức.
Còn theo TS. W. Frenner, Trưởng đại diện Viện Konrad - Adenouer tại Việt Nam thì: “Đến 2020 dân số Việt Nam sẽ tăng khoảng gần 100 triệu và đến 2030 có 70% tức là 70 triệu người sẽ làm việc tại các khu vực công nghiệp và dịch vụ".
Câu hỏi đặt ra là họ sẽ cư trú và làm việc tại đâu, phân bố trong mạng lưới đô thị nào hay sẽ chảy vào các thành phố và khu công nghiệp?
Vấn đề "nóng" của nhà ở công nhân
Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục, trước hết, địa điểm xây dựng có vai trò quyết định tới hiệu quả của các dự án đầu tư xây dựng bởi với người thu nhập thấp thì chi phí và thời gian đi lại là những yếu tố được quan tâm hàng đầu. Thay vì ở xa, họ có thể chọn ngay việc thuê lại các diện tích ở chật hẹp nhưng có sẵn trong đô thị, gần nơi làm việc như Định Công, Tứ Liên, Thanh Trì, Hà Đông,...
Và nếu khảo sát thì có thể thấy nhà ở các khu vực này gần với kiểu ổ chuột bám vào dịch vụ, khu công nghiệp, làng xã cũ, nhà ở không đạt tiêu chuẩn, mỗi người sử dụng riêng hay chia nhau căn hộ với chi phí thuê chỗ ở chỉ khoảng 300 - 400.000 đồng/người/tháng, dùng xe đạp, xe máy đến nơi làm việc.
TS. Thục cho rằng với thu nhập tổng cộng cả tháng khoảng từ 3 - 4 triệu đồng, phần lớn người dân lao động hiện nay không đủ thời gian và chi phí đi lại do làm nhiều giờ hơn nếu từ các nơi xa như Bắc An Khánh, Quốc Oai hay khu vực vành đai 4…
"Cần hiểu và xác định rõ hiện nay về hiện trạng nhu cầu thực tế về nhà ở của bộ phận số đông người công nhân ra sao. Về cơ bản đây là lực lượng lao động từ di cư ra kiếm sống hay làm việc theo thời vụ và những thành phần mới đi làm, chiếm khoảng 20 - 30% dân số đô thị.
Từ đó có định hướng rõ ràng trong việc quy hoạch mới hoặc cải tạo xen cấy nhà ở công nhân, nhà ở giá thấp, đồng thời đảm bảo việc chỉnh trang các khu nhà trọ cho thuê. Việc đề xuất các địa điểm xây dựng, mô hình ở, loại căn hộ, chính sách hỗ trợ, tín dụng nhà ở, tiết kiệm nhà ở... phải tính trong bài toán chung cho phù hợp", TS. Thục nhận xét.
Theo đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục, hiện tại, quá trình thực hiện phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn chưa thực hiện đồng bộ hai yếu tố căn bản là khảo sát xã hội học của người sử dụng và xác lập không gian cư trú và việc làm bền vững cho các khu công nghiệp hay khu đô thị công nghiệp.
Nếu làm tốt các yếu tố này sẽ tạo nên sức hấp dẫn tự nhiên cho công nhân - người mua, thuê nhà tụ họp sinh sống trong các khu vực có quy hoạch và phát triển đồng bộ như dạng đô thị công nghiệp thời công nghiệp hóa. Có như vậy, quá trình phát triển nhà ở công nhân và nhà ở giá thấp mới đúng đối tượng và bền vững.