Aa

Đại biểu Quốc hội lo ngại bong bóng chứng khoán, bất động sản

Thứ Ba, 09/11/2021 - 16:00

Chính phủ cần có nguồn lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhân dân phục hồi sản xuất.

Tại Phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 9/11, nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần dành thêm nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhân dân phục hồi sản xuất.

Điều tiết ngân sách để địa phương chi cho đầu tư phát triển

Đánh giá về cơ cấu thu ngân sách Nhà nước, dù đã có điều chỉnh giảm dự toán so với dự toán năm 2020, nhưng ngân sách Trung ương tiếp tục hụt thu 29.346 tỷ; trong khi tổng thu ngân sách vẫn có tăng trưởng, theo Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh), thực tế cho thấy, một trong những nội dung tăng trưởng đột biến trong năm nay là từ hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai.

Đại biểu đặt ra giả thiết có hay không hiện tượng nhiều nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng, lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra, rồi lại quay vòng tiếp, vòng mới là tài sản, còn bong bóng là chứng khoán, bất động sản?

“Việc tăng thu ngân sách trong mảng đầu tư tài chính này không mang tính bền vững, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn và trung hạn cao. Đề nghị Chính phủ đánh giá toán diện hơn về vấn đề này,” Đại biểu Đoàn Hà Tĩnh nêu ý kiến.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận ngày 9/11. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận ngày 9/11. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Trong khi đó, Đại biểu Lê Văn Dũng (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, để tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch và đầu tư phát triển, tránh lãng phí nguồn lực, Quốc hội cần ban hành nghị quyết cho phép các tỉnh có điều tiết ngân sách về Trung ương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho đầu tư phát triển, với điều kiện cam kết đảm bảo nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch và cải cách tiền lương theo lộ trình.

Theo ông Dũng, hiện nay nhiều tỉnh sau khi cân đối đủ nguồn cải cách tiền lương vẫn còn dư khá lớn, nhưng không được chi cho đầu tư phát triển và gây lãng phí nguồn lực.

Về cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2022 và các năm tiếp theo, ông Dũng cho rằng để bảo đảm chủ động cho Chính phủ có nguồn lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhân dân phục hồi sản xuất, đặc biệt là nguồn lực cho việc tăng cường nâng cao khả năng khám chữa bệnh cho ngành y tế... cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, điều tiết kịp thời đối với các dự án chậm triển khai hoặc triển khai không có hiệu quả.

Chính phủ phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước thông qua các nguồn thu còn dư địa và từ thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là những địa phương có thị trường thương mại, dịch vụ bất động sản sôi động, có tăng trưởng.

“Cần chú ý đến giải ngân vốn đầu tư công trung hạn, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là các giải pháp đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính vì thực tế các thủ tục hành chính hiện nay còn quá nhiêu khê, làm nản lòng các nhà đầu tư hoặc có vốn nhưng phải chờ công trình được phê duyệt. Đẩy mạnh hơn nữa tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính chất liên kết vùng, liên kết khu vực”, Đại biểu Đoàn Quảng Nam nêu ý kiến.

Cần sớm có quy hoạch tổng thể quốc gia

Theo nhiều ý kiến của các Đại biểu, việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tạo liên kết vùng sẽ là cú huých thúc đẩy mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương còn khó khăn.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cho biết, Sơn La và một số tỉnh Tây Bắc do kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ nên chưa thúc đẩy được liên kết vùng. Đây lại là những tỉnh thường xuyên chịu sự ảnh hưởng của thiên tai nên mục tiêu rút ngắn khoảng cách giữa khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền xuôi là rất khó khăn.

Chính vì vậy, Đại biểu Nguyễn Thị Đôi đồng tình với nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, năng lực hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thương mại và hạ tầng văn hóa - xã hội mà Chính phủ đề ra trong báo cáo.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Hoàng Thị Đôi phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Hoàng Thị Đôi phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Còn theo Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng), công tác quy hoạch có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và được xác định là động lực cho tăng trưởng.

Luật Quy hoạch (năm 2017), Nghị định 37 (ngày 7/5/2019) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch thì trong hệ thống quy hoạch, trước tiên phải tập trung cho việc quy hoạch tổng thể quốc gia, sau đó mới quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và sau đó đến quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên theo Đại biểu Nguyễn Tạo, việc triển khai theo Luật Quy hoạch rất chậm, gây khó khăn trong việc kết hợp các quy hoạch chung như quy hoạch đất đai thời kỳ 2021 - 2030, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch rừng…

Từ dẫn chứng này, Đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm có quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng gắn với khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội đất nước cũng như phát triển các ngành, vùng và địa phương trong thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top