Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 22/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Đánh giá những kết quả đạt được những tháng đầu năm 2019, Chính phủ nhận định mặc dù còn những hạn chế, yếu kém, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta những tháng đầu năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách Nhà nước tăng khá; các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục phát triển ổn định.
Đời sống nhân dân được cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Báo cáo nêu rõ, nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2019 và trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là rất nặng nề. Phát huy những kết quả đạt được, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành không chủ quan trong chỉ đạo điều hành; tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng; thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; chủ động đẩy mạnh thông tin và truyền thông; tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.
Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và thảo luận về nội dung này.
Nội dung dự án Luật được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XIV; Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật được kết cấu thành 16 chương và 209 điều.
Một số vấn đề tiếp tục được xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 gồm: Phạm vi điều chỉnh; giám sát việc thi hành án hình sự; về những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự; quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; quy định tổ chức cho phạm nhân lao động; về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân; về quy định tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; về chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi; chế độ giáo dục đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi; thi hành án tử hình; trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ; quản lý và xử lý vi phạm đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; về quyền, nghĩa vụ và xử lý vi phạm đối với người được hưởng án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ; về cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; thủ tục thi hành án đối với pháp nhân thương mại; cưỡng chế thi hành đối với pháp nhân thương mại; về chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại.