Aa

Dại dột hay khuất tất?

Thứ Tư, 01/11/2017 - 21:25

Nghe tin Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch vừa có công văn yêu cầu tạm thời dừng triển khai việc bán đấu giá tài sản của Hãng phim truyện Việt Nam đã bàn giao cho Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam, nhiều người không khỏi cảm thấy ngỡ ngàng.

Thì ra, mặc dù Chính phủ đã yêu cầu thanh tra lại toàn bộ quy trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đầy tai tiếng trong suốt thời gian qua mà nay vẫn có những ai đó ngấm ngầm đi ngược dòng đạo lý và pháp lý, quyết “xơi” bằng được những giá trị không thể tái tạo của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ nền điện ảnh nước nhà.

Trong quá trình cổ phần hóa, nhiều tài sản của Hãng đã không tính vào giá trị doanh nghiệp là do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch quyết định, gồm phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, vật tư hàng hóa..., với giá khởi điểm chưa đến... 800 triệu đồng!

Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Dân trí

Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Dân trí

Đến đây, tôi bắt đầu thấy nghi ngờ về sự thiếu minh bạch, thậm chí có yếu tố là mờ ám, vì được biết chắc chắn rằng, còn hai loại tài sản “khủng” của hãng phim đã không tính vào giá trị doanh nghiệp lại không được đưa vào danh sách đấu giá này, đó là quyền ưu tiên được thuê nửa vạn mét vuông đất vàng ven Hồ Tây cùng nhiều mảnh đất giá trị khác, bên cạnh đó là giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam, trong đó có toàn bộ bản quyền của gần 400 bộ phim quý giá!

Chẳng lẽ Bộ lại “dại” đến thế kia ư?

Có người giải thích, đất đấy là của Hà Nội cho thuê, không phải của Bộ, cũng không phải là của hãng phim nên không đấu giá được.

Ơ hay, ai chả biết vậy nhưng cái quyền được ưu tiên thuê đất kia chẳng lẽ lại không đáng giá, dù là... một xu? Hồi đất nước còn tem phiếu, người xếp hàng mua gạo, thịt dài dằng dặc. Nhiều người nghèo đã dậy từ sáng sớm, cứ đem cái nón mê rách và vài ba viên gạch ra xếp hàng, thế rồi cứ bán chỗ lấy đôi ba hào để kiếm cơm. Vậy đấy! Quyền ưu tiên cũng là một loại tài sản, mặc dù đó chỉ là quyền được mua nhanh hơn với cân thịt, yến gạo. Nay quyền ưu tiên được thuê mảnh đất đáng giá cả nghìn tỷ đồng, nếu đấu giá vẫn có người quan tâm chứ cũng không đến nỗi bằng con số 0 tròn trĩnh, tựa như ý nghĩ của những người dại dột.

Còn về giá trị thương hiệu, rõ ràng là đã không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, nhưng lần này cũng không đem ra đấu giá. Thế là thế nào?

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ, ngành, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) và Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từ năm ngoái, Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát lại việc xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là giá trị thương hiệu mang tính lịch sử của hãng phim. Tuy nhiên, các bộ đều báo cáo là chưa có tiền lệ nên chỉ có thể xác định theo cách tính thông thường, với giá trị thương hiệu bằng 0.

Một vấn đề được đặt ra, nếu không tính được thì phải đem đấu giá để thị trường nó tính cho chứ, sao lại lờ đi, tạo điều kiện cho những kẻ ngấm ngầm nuốt không một tài sản quý giá của các văn nghệ sỹ?

Xin nêu chuyện này để “những kẻ dại dột” tham khảo, đó là việc bán đấu giá mới đây bút tích của nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein.

Chuyện xảy ra vào năm 1922, nhân viên đưa thư người Nhật Bản đã tới khách sạn Imperial (Tokyo) để chuyển cho Einstein một bức thư. Không rõ là do văn hóa địa phương mà người đưa thư từ chối nhận tiền boa hay do Einstein không có tiền lẻ, ông vẫn không muốn người đưa thư ra về tay không. Vì thế, ông đã tự tay viết một lời khuyên tặng người đưa thư và nói: “Có thể nếu anh may mắn, những dòng ghi chú này sẽ có giá trị hơn nhiều một khoản tiền boa thông thường”.

Chưa đầy một trăm năm sau, lời khuyên bằng bút tích của Einstein đã được bán đấu giá ở Jerusalem với giá 1,56 triệu USD, trong khi trước đó, người ta dự kiến những dòng nhắn nhủ này chỉ bán được với giá từ 5.000 – 8.000 USD.

Thật may, bút tích của nhà khoa học vĩ đại ấy không nằm ở Việt Nam mình. Nó lại được định giá bằng 0 cho mà xem!

Trong một cuộc trò chuyện gần đây với một chuyên gia về thương hiệu, ông khẳng định với tôi rằng, nếu đem bán đấu giá chỉ riêng thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam cùng với bản quyền phát hành ngót 400 bộ phim thì khoản tiền 32 tỷ đồng kia chưa phải là con số cuối cùng.

Chẳng thế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo về vấn đề này:"Các Bộ phải bắt tay vào xác định lại giá trị thương hiệu, không thể để tình trạng nhân dân, văn nghệ sĩ đặt vấn đề là những gì Nhà nước bán thì xác định giá trị thấp, trong khi những gì Nhà nước mua thì giá rất cao".

Đến đây, bạn đọc cho rằng đấy là kết quả của sự dại dột hay là khuất tất?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top