Aa

“Dù Nhà nước chi tiền làm, nhưng phim vẫn là tài sản thuộc sở hữu của hãng”

Thứ Ba, 26/09/2017 - 00:13

“Theo tôi, định giá thương hiệu VFS cần tính tới tính hợp lý và hợp pháp. Giá trị từ các bộ phim mặc dù do chi phí ngân sách Nhà nước chi để sản xuất nhưng vẫn là tài sản đang thuộc sở hữu của Hãng, không thể tính theo cách tách các bộ phim ra ngoài và cho rằng 'đây là tiền ngân sách chi ra để làm phim nên là tài sản Nhà nước' để không đưa vào xác định giá trị”, luật sư Vũ Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty Luật Bắc Việt khẳng định.

Thời gian qua, sau khi cổ phần hóa, việc định giá thương hiệu và hàng nghìn mét vuông đất đai do VFS đang quản lý, sử dụng gây tranh cãi. Xung quanh vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với luật sư Vũ Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty Luật Bắc Việt.

PV: Thưa ông, thời gian vừa qua, những lùm xùm quanh chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Trong đó nhắc đến nhiều nhất là các ý kiến quanh câu chuyên một đơn vị không chuyên về điện ảnh tiếp quản Hãng phim, thương hiệu văn hóa hơn một nửa thế kỷ lại chỉ được định giá 0 đồng... Vậy theo ông, có nhất thiết phải cổ phần hóa đơn vị văn hóa nghệ thuật này không?  

Luật sư Vũ Ngọc Dũng: Việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã được Chính phủ thực hiện từ rất lâu. Do đó, cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam cũng là tất yếu. Không sớm thì muộn, xu hướng thoái vốn của Nhà nước ở những lĩnh vực không quan trọng cũng sẽ diễn ra. Hãng phim Truyện Việt Nam được tiến hành cổ phần hóa cũng góp phần vào dòng chảy chính sách và xu thế thời đại - các doanh nghiệp công bằng với nhau trước pháp luật.

Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) được thành lập từ năm 1953, vậy là hơn nửa thế kỷ, từ nơi này đã cho ra đời nhiều bộ phim mang thương hiệu quốc gia, nhiều nghệ sỹ lừng danh đóng góp cho sự nghiệp điện ảnh cách mạng nước nhà. 

Mặc dù vậy, thời gian gần đây, Hãng không hoạt động hiệu quả, không đáp ứng được nhu cầu kinh tế thị trường và sống cầm chừng trong cả thập kỷ. Cơ sở vật chất tại số 4 Thụy Khuê xuống cấp trầm trọng, không nâng cấp cải tạo được. Suốt bao năm vẫn nhà tạm, đây cũng là vấn đề. Bởi nếu không cổ phần hóa sẽ lãng phí quỹ đất quốc gia. 

Chưa kể, trung bình một năm hãng chỉ sản xuất được khoảng 2 phim theo đặt hàng của Nhà nước, nghệ sỹ không có việc làm, thu nhập bình quân năm 2014 chỉ 2,5 triệu đồng/tháng. Hoạt động lỗ triền miên, tính toán theo định giá doanh nghiệp cổ phần hóa đang có khoản lỗ tới 39,6 tỷ đồng; trong khi đó năm 2004 - 2014 lỗ tới 34,3 tỷ đồng và hiện nợ tới 5,7 tỷ tiền thuế đất.

Do đó, thật sự cần có quyết tâm cao để cổ phần hóa VFS, nhằm tránh lãng phí tài nguyên quốc gia và hỗ trợ đời sống nghệ sỹ của hãng. Tuy nhiên, việc này trở nên nóng bỏng khi câu chuyện một công ty không liên quan tới văn hóa là Tổng công ty vận tải Thủy (VIVASO) lại là cổ đông chiến lược chiếm tới 65% cổ phần của hãng. Còn lại Nhà nước vẫn giữ 20%, cán bộ giữ 4,5 %, số còn lại 10,5% do công nhân viên nắm giữ công khai.

Nhưng điều thu hút công chúng nhất là hãng phim được định giá thương hiệu 0 đồng theo tư vấn của Công ty TNHH kiểm toán quốc gia VIA và Công ty chứng khoán Châu Á -  Thái Bình Dương và Bộ VHTTDL đồng ý  bỏ thương hiệu ra không tính giá trị hay còn gọi là thương hiệu bằng 0 đồng. Đây là một câu chuyện đáng phải đưa ra công luận và tranh luận vì thật sự vô lý.

Luật sư Vũ Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty Luật Bắc Việt. Ảnh: Tuấn Minh

Luật sư Vũ Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty Luật Bắc Việt. Ảnh: Tuấn Minh

PV: Ông có thể phân tích kỹ hơn nữa sự vô lý này? 

Luật sư Vũ Ngọc Dũng: Sẽ không có gì là quá nếu nói hiện tượng này chính là việc "Hãng phim Quốc gia được định giá thương hiệu không đáng một cắc".

Trước hết để hiểu định giá thương hiệu bằng 0 đồng "có lý" hay không cần hiểu rõ khái niệm và phương pháp định giá.

Như ta biết: "Thương hiệu là một tập hợp những cảm nhận của khách hàng về một công ty, một sản phẩm hay dịch vụ với đầy đủ các khía cạnh: mô tả nhận diện (brand identities), giá trị (brand values), thuộc tính (brand attributes), cá tính (brand personality)... Thương hiệu là một trong những yếu tố tạo ra sự khác biệt giữa các sản phẩm của các nhà cung cấp khác nhau". Hay nói cách khác nôm na dễ hiểu là "Thương hiệu bao gồm tất cả những gì thuộc về một chủ thể kinh doanh"!

Một định nghĩa khác của Wikipedia: "Thương hiệu là khái niệm trong người tiêu dùng về sản phẩm với dấu hiệu của nhà sản xuất gắn lên mặt, lên bao bì hàng hoá nhằm khẳng định chất lượng và xuất xứ sản phẩm. Thương hiệu thường gắn liền với quyền sở hữu của nhà sản xuất và thường được uỷ quyền cho người đại diện thương mại chính thức". 

Còn theo định nghĩa về Thương hiệu - của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): “Thương hiệu là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức”.

Như vậy, thương hiệu được hiểu là một tài sản phi vật chất và bao gồm tất cả những gì thuộc về một chủ thể kinh doanh (khác và phân biệt với nhãn hiệu hàng hóa).

Từ khái niệm mà WIPO đưa ra, các khái niệm khác nhau và cách hiểu về nội hàm của thương hiệu, ta có thể trả lời câu hỏi: Vậy uy tín của VFS không được cắc nào sao?

Giá trị của 400 bộ phim kia nếu đem đấu giá từng bộ phim một cho các nhà phát hành để kinh doanh sẽ không có xu nào? Hay thực tế thì uy tín và giá trị niềm tin trong 60 năm đem lại của VFS là vô giá trị và không thể "biến thành tiền" trong tương lại? Điều này thật vô lý! 

30 giải thương danh giá cũng trở thành những tờ giấy vô hồn và sự chứng nhận vu vơ? Sự nổi tiếng của VFS và hiểu theo góc cạnh thương hiệu nổi tiếng thì việc sở hữu thương hiệu này trong tay không mang lại giá trị kinh tế khổng lồ cho người sở hữu sao?

Nếu nhìn ở góc cạnh này, định giá thương hiệu theo cách làm của công ty định giá doanh nghiệp khi cổ phần hóa đang áp dụng là "phương pháp chi phí" có phần không ổn. 

Vậy theo tôi nên xem lại phương pháp định giá thương hiệu trong công cuộc định giá giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa VFS. Vì nhất định không thể không được xu nào. Chúng ta nhất định có niềm tin rằng: một xu cũng là có giá trị, không thể là 0 đồng!

PV: Vậy với trường hợp cụ thể là thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam, theo luật sư phải xác định giá trị thương hiệu như thế nào cho đúng? 

Luật sư Vũ Ngọc Dũng: Hãng phim truyện Việt Nam hiện lưu giữ 400 bộ phim giá trị "khủng" trong suốt gần 60 năm qua, vừa là tư liệu quốc gia, vừa là tài sản vô hình. Những bộ phim mà chỉ nhắc tên là cả một thế hệ rưng rưng nước mắt, như Chị tư hậu, Biệt động Sài gòn, Bao giờ cho tới tháng 10, hay Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Cánh đồng hoang, Đời Cát... Trong suốt chặng đường đã qua của mình, Hãng phim còn đạt được 30 giải thưởng danh giá trong và ngoài nước. Tôi cho rằng với tất cả những thành tích ấy thì việc định giá bằng 0 là bất cập.

Nếu đúng luật thì cứ theo Nghị định 59 và Thông tư 127 quy định phương pháp định giá thương hiệu là phương pháp chi phí là đúng luật thôi. 

Nếu làm theo đúng luật, người ta sẽ hiểu thế nào là "chi phí" cho sát cũng là một điều cần thiết. Hơn nữa, thương hiệu đâu phải là vấn đề của 5 năm trước ngày cổ phần hóa, thương hiệu là cả một cuộc đời kinh doanh của chủ thể đó.

Tại Thông tư số 127 hướng dẫn Nghị định 59, giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 5 năm, bao gồm chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty; xây dựng trang web….

Hãng phim Truyện Việt Nam. Ảnh: Tuấn Minh

Hãng phim Truyện Việt Nam. Ảnh: Tuấn Minh

Nếu khống chế theo quy định hiện hành là 5 năm kể từ ngày cổ phần hóa trở về trước thì vô lý về logic, bởi lẽ trên thế giới giá trị thương hiệu được định giá đắt giá nhất là Apple, với 170 tỷ USD vào 2017. Nếu chỉ định giá thương hiệu căn cứ theo thời điểm 5 năm trở lại tính đến ngày định giá thì giá trị của thương hiệu Apple có lẽ chỉ là một con số rất nhỏ, chứ không phải là 170 tỷ USD.

Như vậy, ngoài đúng luật cần phải hợp lý và logic thì cần thay đổi lại phương  pháp định giá hoặc có nhiều phương pháp định giá áp dụng khác nhau để tìm ra phương pháp định giá tốt nhất cho mỗi trường hợp.

Theo tôi, định giá thương hiệu VFS cần tính tới tính hợp lý và hợp pháp. Giá trị từ các bộ phim mặc dù do chi phí ngân sách Nhà nước chi để sản xuất nhưng vẫn là tài sản đang sở hữu tại hãng, không thể tính theo cách tách các bộ phim ra ngoài và cho rằng "đây là tiền ngân sách chi ra để làm phim nên là tài sản Nhà nước" để không đưa vào xác định giá trị.

Phải căn cứ trên giá trị thương mại từ việc sở hữu thương hiệu này sẽ mang lại cho người sở hữu trong tương lai và nhiều yếu tố khác để định giá thương hiệu. Hiện tại thế giới có 5 phương pháp định giá thương hiệu và tùy trường hợp mà áp dụng phương pháp nào: Phương pháp 1 - Dựa vào khả năng bán giá cao hơn bình thường; Phương pháp 2 - Dựa vào khả năng bán hàng dễ hơn bình thường; Phương pháp 3 - Dựa vào chi phí để xây dựng một thương hiệu thành công; Phương pháp 4 - Dựa vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán; Phương pháp 5 - Dựa vào khả năng tạo ra lợi nhuân nhiều hơn bình thường.

Đối với VFS, chúng ta đang áp dụng “một phần" phương pháp 3, tuy nhiên chưa hiểu cặn kẽ phương pháp này và áp dụng còn nhiều bất cập.

PV: Ngoài thương hiệu, hàng nghìn mét vuông đất của Hãng phim cũng không được tính giá trị khi cổ phần hóa. Nguyên nhân được cho rằng các khu đất này đều là quỹ đất nhà nước cho thuê, thành phố cho mượn. Ông đánh giá thế nào về phương pháp tính này? 

Luật sư Vũ Ngọc Dũng: Ta chỉ cần nhìn dưới góc độ người bình thường thôi chứ chưa nói tới nhà đầu tư. Hiện hãng phim có sở hữu trụ sở được đặt tại số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) với diện tích sử dụng gần 5.500m2; 905m2 đất ở Hoàng Hoa Thám làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe và quản lý khu đất rộng 6.382m2 tại Đông Anh (Hà Nội) làm trường quay phim. Ở góc độ pháp lý thì đất thuê sẽ không được đưa vào định giá và không tính giá trị đất . Tuy nhiên, điều này có nhiều bất cập.

Như chúng ta biết, phương pháp định giá BĐS sẽ bao gồm 2 phần: Phần về giá trị theo quy định pháp lý và phần là những giá trị khác và luôn tuân thủ các nguyên tắc chính trong định giá về: lợi thế thương mại; khả năng sinh lời của đất (nguyên tắc khả năng sinh lời của đất); sự ảnh hưởng của địa lý và các yếu tố xung quanh (nguyên tắc ảnh hưởng); sự phù hợp của mục đích sử dụng đất mang lại giá trị cao nhất (nguyên tắc phù hợp); sự thay đổi giá trị trong khoảng thời gian nhất định và thay đổi thu nhập, thị trường, nhu cầu (nguyên tắc thay đổi); tính độc quyền của BĐS và không có nhiều vị trí tương tự để so sánh như là vị trí đất vàng (nguyên tắc cạnh tranh - không có cạnh tranh), hay sự cân đối trong giá trị sử dụng BĐS (nguyên tắc cân đối).

Như vậy, việc định giá của quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện đã thật sự khách quan và tuân thủ pháp luật chưa chúng ta cần xem lại bản định giá giá trị doanh nghiệp cả phần tài sản và phần thương hiệu được sử dụng trong thương vụ này, mới đánh giá hết được các yếu tố xung quanh vụ việc này.

Tính hợp pháp luôn phải đi kèm với tính "hợp lý" bởi cùng với sự vận động của hiện thực, pháp luật luôn luôn cần có sự hoàn thiện, sửa đổi để phù hợp hơn với đời sống. Với vụ việc ở VFS, chúng ta cũng mong việc xem xét lại toàn bộ vụ việc như quyết định của Thủ tướng đã đề ra sớm nhất. 

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top