Cùng đoàn hành hương về vùng đất thiêng Yên Tử, chúng tôi đã có dịp dừng chân tại ngồi chùa Cầm Thực. Tương truyền, "Cầm Thực" (có nghĩa là "không ăn") như thế để khắc ghi đức bố thí cứu độ chúng sinh của Vua Trần Nhân Tông và đệ tử Bảo Sái. Chùa còn có tên là "Linh Nhâm Tự". Linh Nhâm là một vị Thiền sư có công xây dựng và trụ trì nhiều năm ở chùa này. Chùa xưa được dựng vào thời Trần, chỉ còn lại dấu tích và được trùng tu, tôn tạo nhiều lần.
Cửa chùa được làm bằng gỗ lim, cánh cửa kiểu "Thượng song hạ bản", ở trên con song tiện, ở dưới là bản gỗ trơn không trang trí tạo sự thông thoáng và dáng vẻ cổ xưa. Đầu hồi cửa sổ hình vuông trang trí hình chữ Thọ. Tiền đường cao hơn sân 0,75m, bậc lên được làm bằng đá xanh, hai bên lan can đá xanh trạm trổ hình Rồng cách điệu.
Trước khi tiến hành làm Lễ cầu an ở chùa, Đại đức Thích Khai Bi, trụ trì chùa Cầm Thực đã giải thích thấu đáo cho đoàn hành hương về ý nghĩa thực sự của việc cầu tài lộc cũng như việc thành tâm lễ Phật.
"Với Đức Phật, ngài không chủ động ban cho ai tài lộc gì, mà chỉ hướng cho chúng sinh con đường giải thoát khỏi khổ đau trần tục. Ngoài Đức Phật, trên chùa còn có rất nhiều vị khác có thần thông. Chùa ở Việt Nam thường đặt ở nơi có linh mạch, hội tụ tinh khí của trời đất. Người ta quan niệm mỗi chùa thiêng về một lĩnh vực nào đó là do nơi đó có trường năng lượng tương ứng. (Có chùa cầu duyên, cầu tự, cầu sức khoẻ... là vậy). Năng lượng của chùa cũng tương ứng với các vị có thần thông hiển linh tại đây...
Con người chúng ta sở dĩ tồn tại là do cấu tạo bởi các hạt siêu nhỏ (có người gọi là hạt photon, có người gọi là hạt của chúa). Khi cấu trúc năng lượng bị tổn thương nhưng chưa tới mức huỷ hoại các cơ quan thực thể thì có thể chữa bằng năng lượng tâm linh. Còn khi tổn thương quá nặng thì phải dùng thuốc hoặc các can thiệp y khoa khác.
Năng lượng của cơ thể con người tồn tại như 1 cái ống từ luân xa số 7 (đỉnh đầu) tới luân xa số 1 (cuối xương cùng). Nhà Phật gọi đây là Nghiệp, được tạo tác bởi hiện tại và quá khứ (do thân, khẩu, ý).
Khi làm lễ cầu an (cúng thỉnh Phật Dược sư chẳng hạn) một cách thành tâm, có thể hấp thu được năng lượng tâm linh, cân bằng cấu trúc của ống năng lượng này, làm cho cơ thể khoẻ mạnh, tinh thần thoải mái, mọi việc từ đó được hanh thông. Tuỳ từng chùa (hoặc đền, phủ...) có người thành tâm thì thu được năng lượng tinh tấn trong kinh doanh, quan lộc...
Đại đức Thích Khai Bi chia sẻ, thầy theo Pháp môn Tịnh Độ (niệm Phật) nhưng trước đó là Thiền. Khi thiền, cơ thể được cân bằng, các luân xa được khai mở, có thể hấp thu năng lượng vũ trụ, phục hồi tổn thương, sức khoẻ. Đại đức cũng nói, việc chứng ngộ này chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích. Điều quan trọng là phải sửa được nghiệp cho tốt lành.
Khi gặp nghiệp xấu, sức khoẻ không tốt, công việc bất thuận. Việc cầu an có thể tái cấu trúc ống năng lượng, giảm nhẹ nghiệp xấu. Tuy nhiên, quan trọng là mỗi người phải làm sao sửa được nghiệp, không tạo thêm các nghiệp xấu trong cuộc sống. Có như vậy mới bình an.
Có thể dùng tha lực (năng lượng từ bên ngoài) bằng việc cầu an (thành tâm) nhưng điều quan trọng là phải tăng tiến nội lực (năng lượng nội tại của cơ thể) thông quan việc giữ gìn thân, khẩu, ý theo hướng tốt lành.
Thêm một điều quan trọng nữa, khi lên chùa lễ Phật, không được bước vào cửa chính, mà vào cửa phụ bên phải và vào lễ xin phép ở Ban Đức Ông trước. Ban Đức Ông như là "văn phòng" của ngôi chùa, nơi tiếp nhận và sắp xếp cho khách thập phương vào lễ Phật.
Ở Việt Nam, bên cạnh chùa thường là Đền (thờ Mẫu hoặc Thánh) và Nhà Tổ (thờ Tổ Tăng, Tổ Ni, Tổ Tây Thiên). Vào chùa thì chỉ cúng lễ chay, còn vào đền thì có thể cúng lễ mặn. Việc công đức là tuỳ tâm. Có thể cho vào thùng công đức (có nơi gọi là giọt dầu), có thể ghi danh ở bàn tiếp nhận. Tuyệt đối không nhét tiền vào tay, chân hoặc bất kỳ vị trí nào trên tượng Phật".
Hãy cùng nhắc nhở nhau đi chùa đúng tinh thần Phật pháp, để có tâm bình an, sức khoẻ tinh tấn.
Hơn 700 năm trước, Vua Trần Nhân Tông cùng đệ tử Bảo Sái sau khi xuống suối tắm gội sạch bụi trần, tiếp tục lộ trình vào Yên Tử. Trời đã sang trưa, Bảo Sái mở túi lấy cơm chay mời Thầy dùng bữa mới sực nhớ suất ăn của hai Thầy trò đã bố thí cho người hành khuất ở Cửa Ngăn. Vua Trần vui vẻ cùng Bảo Sái uống nước suối thay cơm rồi nghỉ trưa trên núi “mâm xôi” này. Để ghi lại sự tích trên, người xưa dựng chùa đặt tên là: “Cầm Thực” (có nghĩa là “không ăn”) như thế khắc ghi đức bố thí cứu độ chúng sinh của Vua Trần Nhân Tông và đệ tử Bảo Sái. |