Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ 12h30 trưa ngày 21/4, vài chục người dân đã có mặt trước địa chỉ số 773 Hồng Hà để căng băng rôn với các nội dung: "BIDV phải có trách nhiệm đến khi người dân nghèo nhận được NƠXH", "BIDV Tây Hà Nội không vì lợi ích khách hàng mua nhà ở xã hội Bright City", "AZ Thăng Long lừa đảo nhà ở xã hội Bright City"…
Theo tìm hiểu, sự việc xuất phát từ nguyên nhân nhiều cư dân mua nhà ở xã hội tại dự án Bright City đã nộp hơn 70% giá trị căn hộ song đến thời điểm bàn giao nhà (cuối năm 2017), chủ đầu tư đã không thể bàn giao như cam kết và tuyên bố thanh lý hợp đồng vì không còn kinh phí để xây tiếp. Chủ đầu tư của dự án Bright City (tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long) là Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long và đơn vị cho vay tại dự án này (theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi dự án nhà ở xã hội của Chính phủ) là ngân hàng BIDV Tây Hà Nội.
Dự án AZ Thăng Long vốn là dự án nhà ở thương mại, thế nhưng, trong suốt quá trình triển khai, dự án đã nhiều lần "đắp chiếu" và để giải cứu dự án, năm 2014 chủ đầu tư đã xin chuyển dự án này sang nhà ở xã hội để được hưởng các ưu đãi, đặc biệt là gói vay tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Mặc dù cam kết hoàn thành bàn giao nhà quý III hoặc quý IV/2017, song cho đến nay, dự án đã thi công chậm tiến độ, kế hoạch bàn giao nhà không được chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng mua bán, đã nhiều lần người mua nhà phải "kêu cứu" tới các cơ quan chức năng.
Người dân cho rằng BIDV cần có trách nhiệm đến khi người dân nhận được nhà ở xã hội tại dự án Bright City như hợp đồng.
Anh Nguyễn Xuân Q., một trong những khách hàng mua nhà tại dự án cho biết, theo hợp đồng, nhà sẽ được bàn giao vào quý IV/2017. Tuy nhiên, hiện tại, công trường vẫn ngổn ngang, thậm chí dừng hẳn thi công, chủ đầu tư tuyên bố phá sản và đơn phương đòi thanh lý hợp đồng .
“Sau khi gói 30.000 tỷ đồng cho NƠXH kết thúc (tháng 6/2016), hàng trăm hộ gia đình phải chấp nhận lãi suất 12%/năm và hiện chúng tôi đã thanh toán hơn 70% giá trị căn hộ, chủ đầu tư tuyên bố phá sản, người dân đã đi vay tiền mua nhà nay không lấy được nhà lại còn phải gánh nợ, gánh lãi suất ngân hàng”, anh Q bức xúc.
Diễn biến trên xảy ra bên ngoài Đại hội khiến cho các cổ đông BIDV phần nào băn khoăn. Do đó, trước giờ khai mạc ĐHĐCĐ, lãnh đạo BIDV trấn an cổ đông, cho biết vụ việc nói trên xuất phát từ mâu thuẫn của bên chủ đầu tư và cư dân mua nhà ở tại dự án. Ngân hàng đang trong quá trình tìm hiểu giải quyết vụ việc.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh thông tin này,...
Tại đại hội cổ đông năm nay, lãnh đạo BIDV trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2018 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.300 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ. BIDV đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng tối đa 17% và trong giới hạn được NHNN giao, huy động vốn tăng trưởng 17% và phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Trong năm, đại diện BIDV cho biết sẽ tiếp tục các phương án tăng vốn. Các phương án phát hành công bố lần này gồm chào bán ra công chúng hoặc riêng lẻ quy mô 5% và chào bán ESOP cũng 5% tương đương 170,9 triệu cổ phiếu. Cùng đó, BIDV tiếp tục có chủ trương chào bán riêng lẻ cho nước ngoài như đã trình năm 2017 với quy mô 603 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ sau khi tăng. Tờ trình sẽ xin ý kiến cổ đông phê duyệt khi có phương án cụ thể. Ngoài ra, BIDV cũng để ngỏ phương án khác như phát hành trái phiếu chuyển đổi, phát hành cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại trong điều kiện thị trường thuận lợi. Nếu có thể thực hiện thành công các phương án, BIDV dự kiến tăng vốn tối đa 28% lên 43.638 tỷ đồng. Cũng trong đại hội, BIDV tiến hành bầu bổ sung thêm 1 thành viên là ông Phạm Quang Tùng sau khi ngân hàng miễn nhiệm hai thành viên HĐQT nghỉ từ tháng 11/2017. |