Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (các bộ, cơ quan Trung ương) và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các địa phương) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao danh mục, mức vốn ngân sách Trung ương bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho từng dự án, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách và các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách.
Đối với tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2025, địa phương này được giao hơn 25.119 tỷ đồng vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước. Trong đó, vốn ngân sách địa phương là hơn 17.705 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là hơn 7.414 tỷ đồng.
Trước đó, HĐND tỉnh Đắk Lắk thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn của Đắk Lắk là 25.429 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ ưu tiên cho các dự án chuyển tiếp giai đoạn 2016 - 2020 chuyển sang, tập trung cho dự án trọng điểm có tính chất kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và bố trí đủ nguồn vốn để hoàn thành các chương trình, nghị quyết của HĐND tỉnh.
Với mục đích để việc thực hiện mang lại hiệu quả và đạt tiến độ cao, việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn đã được HĐND tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các chủ đầu tư giải ngân chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, không để diễn ra tình trạng chậm triển khai thực hiện các dự án do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư khi chưa tích cực giải ngân, chậm lập và hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục thanh toán các dự án đã được bố trí vốn; xây dựng chi phí giải phóng mặt bằng không sát với thực tế, nhà đầu tư hạn chế về năng lực, yêu cầu các chủ đầu tư cam kết thực hiện giải ngân hết số vốn được giao đúng thời hạn quy định. Đồng thời, xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể tạo cơ sở pháp lý để các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025…
Giải ngân vốn đầu tư công tại Đắk Lắk vẫn còn chậm
UBND tỉnh Đắk Lắk đã có các công văn, văn bản chỉ đạo nhằm chống trì trệ, tiêu cực trong đầu tư công. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư chấp hành việc đăng ký và cam kết kế hoạch giải ngân cụ thể từng dự án theo các mốc thời gian và thực hiện đúng theo tiến độ đã cam kết, trong đó đến ngày 30/9/2021 đảm bảo tỷ lệ giải ngân tối thiểu 60% kế hoạch vốn đã được giao từ đầu năm 2021. Khẩn trương giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài thời gian sang năm 2021, thời hạn giải ngân đến hết ngày 31/12/2021.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Đắk Lắk, tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản thuộc ngân sách Nhà nước năm 2021 tỉnh được giao thực hiện dự án là khoảng 3.700 tỷ đồng. Đến ngày 13/9, địa phương đã giải ngân được hơn 1.100 tỷ đồng, đạt gần 30% kế hoạch. Ngoài ra, số vốn thuộc kế hoạch năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021 để thực hiện là 705,613 tỷ đồng. Đến giữa tháng 9, tỉnh cũng chỉ mới giải ngân được 269 tỷ đồng, đạt 38,01%.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư còn chưa tích cực giải ngân, chậm tổ chức nghiệm thu khối lượng. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, năng lực vẫn còn hạn chế… Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư của tỉnh. Trong khi nhiều dự án xây dựng cơ bản trọng điểm đang triển khai góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người dân thì bị đình trệ do giải ngân vốn đầu tư công trong một thời gian dài, các dự án này có nguy cơ bị Trung ương rút vốn, dừng triển khai, ảnh hưởng đến cuộc sống và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.