Hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đang được đề xuất xây dựng nhiều tuyến cao tốc trọng điểm cùng hệ thống giao thông ngoại và nội vùng để rút ngắn thời gian di chuyển trên các cung đường, đáp ứng nhu cầu đi lại, thuận tiện giao thương và kết nối vùng miền.
Nhiều dự án cao tốc được đề xuất triển khai
Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhấn mạnh, tuyến cao tốc nối Phú Yên lên Tây Nguyên được bổ sung vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, Bộ GTVT đang tổ chức lập Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quá trình lập quy hoạch, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với địa phương để định hướng phát triển, đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông giữa tỉnh Phú Yên với khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, cập nhật tuyến đường bộ cao tốc khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào quy hoạch này.
Theo đó, tuyến cao tốc này dài 220km nối từ cảng nước sâu Bãi Gốc, tỉnh Phú Yên qua TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) và kết thúc tại cửa khẩu Đắk Ruê, với quy mô từ 2 - 4 làn xe tùy theo đoạn tuyến và giai đoạn khác nhau. Bộ GTVT cho biết: tuyến đường bộ cao tốc nối tỉnh Phú Yên với Tây Nguyên được xác định là tuyến đường bộ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Phú Yên nói riêng và Khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên nói chung.
Đặc biệt, với vị trí giao thông thuận lợi: Từ Đắk Lắk dễ dàng kết nối cảng biển loại II - cảng Vũng Rô (cảng tổng hợp, đầu mối địa phương), cảng hàng không Tuy Hòa (Phú Yên) với cảng hàng không Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) và cửa khẩu quốc tế Đắk Ruê (Việt Nam - Campuchia). Khi công trình này hoàn thiện, được kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá hạ tầng giao thông kết nối. Từ đó, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, trở thành “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến để nghiên cứu đầu tư....
Bên cạnh đó, cao tốc Phú Yên - Tây Nguyên còn kết nối với các quốc lộ chính yếu và đường quốc lộ có tính chất liên vùng trong khu vực như: Tuyến đường ven biển, Quốc lộ 29, Quốc lộ 1, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh tạo thành hệ thống mạng lưới giao thông liên khu vực giúp thuận tiện giao thông, giao thương tạo bệ phóng phát triển và vận chuyển xuất nhập hàng hóa nhanh chóng, tiện lợi.
Trước đó, tuyến cao tốc Đắk Lắk - Nha Trang (Khánh Hòa) với chiều dài 105km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 19.500 tỷ đồng, cũng được các địa phương kiến nghị triển khai với quy mô 4 làn xe sẽ nối từ TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đến TP. Nha Trang (Khánh Hòa)
Ngoài ra, còn có tuyến cao tốc Liên Khương (Lâm Đồng) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng được bổ sung thêm vào dự án cao tốc trên địa bàn miền Trung –Tây Nguyên thực hiện trong giai đoạn 2026-2030. Dự kiến, điểm bắt đầu là từ cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt đi theo Quốc lộ 27 đến điểm giao đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắk Lắk.
Nếu trên Quốc lộ 14 có tuyến đường xuyên qua nhiều địa hình nhất Việt Nam, được xem là đường huyết mạch có chiều dài 980km nối các tỉnh Tây Nguyên với Bắc Trung bộ và Đông Nam bộ đã đi qua 4 tỉnh Tây Nguyên (trừ Lâm Đồng) thì tuyến Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)- Liên Khương (Lâm Đồng) sẽ gỡ nút thắt khi mở ra kết nối 2 trung tâm vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đi qua thêm tỉnh Lâm Đồng. Từ đó, tạo đà cho phát triển du lịch vùng Tây Nguyên khi thời gian và quãng đường đi từ Đà Lạt (Lâm Đồng) đến Đắk Lắk và ngược lại sẽ được rút ngắn.
Cùng với đó, việc đầu tư, nâng cấp hàng loạt tuyến đường huyết mạch, trọng yếu trên địa bàn thời gian qua, đã và đang tạo diện mạo mới, hạ tầng giao thông khởi sắc cho Đắk Lắk và các địa phương khu vực. Đáng kể, tuyến Quốc lộ 1 dọc miền Trung, tuyến Quốc lộ 29, Quốc lộ 25, Quốc lộ 26 kết nối lên Tây Nguyên, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh tạo thành hệ thống mạng lưới giao thông liên khu vực.
Vì vậy, với sự xuất hiện của những tuyến đường huyết mạch trên đóng vai trò tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển liên kết các vùng trọng điểm Tây Nguyên.
Tiềm năng phát triển bất động sản
Các tuyến đường cao tốc được xem là nút thắt quan trọng của hạ tầng giao thông và chính là động lực tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các thành phố lớn trên cả nước như: TP.HCM, thủ đô Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Thuận v.v… Bởi tiềm năng gia tăng giá trị bất động sản thường tỷ lệ thuận với sự phát triển hạ tầng, cụ thể là các tuyến đường quốc lộ, cao tốc liên vùng.
Hiện nay, Đắk Lắk là thủ phủ và cực tăng trưởng hấp dẫn vùng Tây Nguyên, với tầm nhìn trở thành trung tâm của Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Trong quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk có vị trí nằm ở trung tâm vùng và được coi là vị trí chiến lược trong phát triển vùng Tây Nguyên. Tỉnh Đắk Lắk đã và đang được đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối đến các tỉnh thành khác của Việt Nam tương đối thuận tiện và đồng bộ từ đường hàng không, đường sắt, đường thủy, và đường bộ.
Trong thời gian qua, nỗ lực của toàn tỉnh Đắk Lắk trong hoàn thiện hệ thống giao thông ngoại và nội vùng đã “thay da đổi thịt” cho vùng đất đỏ bazan, khẳng định quyết tâm đưa Đắk Lắk trở thành động lực phát triển kinh tế, từng bước khẳng định vị thế quan trọng trong chiến lược phát triển toàn vùng Tây Nguyên.
Những tuyến cao tốc trên không chỉ mở rộng trục kết nối lưu thông tốc độ cao cho thủ phủ Tây Nguyên ra các hướng liên vùng, mà còn góp phần "đánh thức" hàng loạt tiềm năng, thế mạnh của Đắk Lắk nói riêng và dải đất Tây Nguyên nói chung trong công tác xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế xã hội và hình thành “hình hài” các khu đô thị, khu dân cư hiện đại...
Theo các chuyên gia đánh giá, các tuyến cao tốc được coi là “đầu tàu” kéo theo sự phát triển kinh tế toàn vùng và trở thành lò xo làm “bật tăng” giá trị bất động sản tại khu vực mà tuyến đường cao tốc chạy qua.
Hiện nay, Đắk Lắk đang sở hữu lợi thế lớn với tiềm năng tăng giá bất động sản. Những năm gần đây, thị trường bất động sản Đắk Lắk trở thành “miền đất hứa” của giới đầu tư khu vực Miền Trung- Tây Nguyên khi có các yếu tố về chính sách, quy hoạch, hạ tầng giao thông… là những nhân tố quan trọng gia tăng tính hấp dẫn của các dự án, thu hút nhiều nhà đầu tư nhạy bén./.
Ngăn chặn tình trạng giá đất 10 nhưng chỉ ghi 1 trên hợp đồng
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra các giao dịch mua bán bất động sản với tình trạng bên bán và bên mua thống nhất mức giá trong hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn nhiều so với giá bán thực tế là rất phổ biến. Vì vậy, mới đây, cục Thuế tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc khi tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng nhà đất phải đối chiếu giá đất thực tế trên địa bàn với giá chuyển nhượng trên hợp đồng nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế. Theo đó, khi tiếp nhận và xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản, các đơn vị trực thuộc phải thực hiện đối chiếu, so sánh giá đất thực tế tại địa bàn với giá chuyển nhượng trên hợp đồng để đánh giá tính đầy đủ, chính xác các thông tin trong hồ sơ thuế, sự tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Việc các bên thỏa thuận giá mua bán nhà đất thấp hơn giá trị thực tế nhằm trốn thuế thu nhập cá nhân, đây là hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Trường hợp thỏa thuận này nếu bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện sẽ tùy vào mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.