Đáng chú ý, hầu hết hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất đều thuộc về các khu vực đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm... tại địa bàn các huyện xã, thị thành, đăng ký đổi qua đất thổ cư theo nguyện vọng người dân. Theo đó, cơ quan chức năng cảnh báo phải nhanh chóng có sự chỉ đạo, rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất tại các địa phương.
Nhà nhà bán đất, bán vườn?
Thống kê ở Văn phòng đăng ký đất đai TP. Buôn Ma Thuột cho thấy, trong tháng 12/2021, địa phương nhận hơn 11.400 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, trung bình một ngày hơn 500 hồ sơ. Qua đầu tháng 1/2022, con số đạt hơn 650 hồ sơ/ngày. Tất cả đều tăng vọt so với cùng kỳ mọi năm và những tháng trước đó. Ghi nhận từ các huyện Cư M’gar, Krông Pắk, Krông Ana, Buôn Hồ thuộc địa bàn tỉnh cũng thể hiện, lượng hồ sơ giao dịch đất đai tăng mạnh ngoài dự liệu của cơ quan quản lý. Xem ra, đất đai Đắk Lắk đang vào một giai đoạn biến động dữ dội.
Theo nhìn nhận từ các đơn vị môi giới, hiện trạng này đã được cảnh báo từ nhiều tháng trước đây, ngay khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở Tây Nguyên và các tỉnh thành. Tâm lý nảy sinh phổ biến ở cộng đồng, là người dân các đô thị lớn e ngại những nguy cơ rủi ro, bắt đầu có xu thế di chuyển an cư về các vùng nông thôn, khu vực đất đai còn nhiều, giá trị đầu tư thấp và gần gũi tự nhiên hơn. Tây Nguyên, với địa thế cao nguyên, môi trường thanh sạch, không xa TP.HCM, là điểm đến đáng chú ý. Do đó, không ít nguồn đầu tư bất động sản từ nhu cầu người dân đô thị khác, đang đổ dần về Tây Nguyên, trong đó Đắk Lắk - cửa ngõ kinh tế được lựa chọn trước hết.
Thị trường bất động sản địa phương trở nên sôi động từ đó. Gần như ở mọi khu vực, thôn xóm, người dân cũng thấy cảnh môi giới dẫn người đi coi đất, chọn rẫy... Các điểm cafe, quán ăn đều sôi nổi người bàn hồ sơ đất đai. Đặc biệt mạng xã hội Facebook bùng nổ lượng lớn thông tin rao bán, mời chào giao dịch đất đai, từ nền đất phân lô đến ruộng rẫy hoa màu...
Ông Huỳnh Kiều, Chủ tịch lâm thời Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk chia sẻ rằng, cũng cần chú ý thêm nguy cơ các nhóm lợi ích, đầu cơ từ TP.HCM, Hà Nội... sẽ nhân bối cảnh phức tạp đổ lên Tây Nguyên, gây xáo trộn nhằm trục lợi. Thậm chí, những ngày qua, diễn biến thị trường sôi động hơn, dấu hiệu “cò môi giới” tự phát tăng mạnh, có khu vực đất đã bị “lũng đoạn giá” do nhiều nhóm môi giới xuất hiện, thật sự rất đáng cảnh báo.
Cần kiên định quy hoạch
Chính quyền tỉnh Đắk Lắk cho hay, trước diễn biến phức tạp về đất đai, địa phương đã ban hành các công văn, chỉ đạo cơ sở nghiêm cấm những hành vi tự ý phân lô bán nền, chuyển đổi đất nông nghiệp, vườn rẫy... trong dân thành đất ở đô thị. Chủ trương này được tỉnh triển khai từ giữa năm 2020, song đến nay chưa đạt hiệu quả rõ rệt, bởi khi người dân tự nguyện đăng ký chuyển đổi vì nhu cầu đất ở thực sự, các cơ quan chức năng phải xem xét. Đây chính là lỗ hổng nhiều nhóm môi giới tận dụng, cùng người dân lập hồ sơ đăng ký lại quyền sử dụng đất vượt ngoài định mức cho phép. Nếu chấp nhận điều này, công tác quy hoạch đất tại các địa phương sẽ bị phá vỡ.
Theo ông Huỳnh Kiều, thật sự đây là thời điểm các cơ quan chức năng địa phương cần kiên định chủ trương quy hoạch giám sát đất đai tại các địa bàn. Có hai hướng tuyên truyền, hướng dẫn chính để người dân và các nhà đầu tư bất động sản nên chú ý, để dòng chảy thị trường được đúng hướng và từ đó, giảm được áp lực lên bộ máy hành chính địa phương.
Thứ nhất, địa phương phải nhanh chóng hơn trong việc công bố các bản đồ quy hoạch, định hướng quy hoạch đất đai tại các địa bàn, nhất là thông tin về các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo giao thông, đầu tư các khu dân cư, đô thị mới. Đây là những điểm nóng then chốt, thu hút người dân quan tâm. Một khi biết các khu vực quy hoạch ra sao, người dân sẽ tránh được những thông tin lệch lạc, thất thiệt. Đặc biệt, cần thu hút nhu cầu mua nhà và đất ở vào các khu dân cư, đô thị đã được địa phương quy hoạch, như các cụm đô thị phía Bắc TP. Buôn Ma Thuột... Những khu vực này, đã đầy đủ về pháp lý, hạ tầng, mang lại nhiều tiện ích và cơ hội hơn hẳn nhà đất tự phân lô bán nền hay chuyển nhượng không được phép trong dân.
Thứ hai, việc tiếp cận các thông tin thị trường, người dân cần chọn các địa chỉ, sàn môi giới chính thức, có đội ngũ nhân viên được đào tạo, có tín chỉ năng lực hành nghề môi giới, để có đủ cơ sở, thông tin pháp lý và các ràng buộc cần thiết trong giao dịch đất đai. Thực tế tại Đắk Lắk, số lượng các cơ sở tư vấn, môi giới bất động sản có đủ điều kiện hoạt động theo quy định vẫn còn chưa nhiều, nhưng theo ông Kiều, đây phải là lựa chọn tất yếu đảm bảo quyền lợi cho người dân, cho các nhà đầu tư trước hiện trạng thị trường đang tiếp tục diễn biến phức tạp hiện nay./.