Bộ Tài chính cho rằng, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành không có quy định khống chế khoản chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với trường hợp khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu. Và đây chính là kẽ hở dẫn đến tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp có vốn mỏng, chủ yếu dùng vốn vay để hoạt động, tỷ lệ vốn chủ sở hữu nhỏ, dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của doanh nghiệp.
Chưa kể, tình hình này còn ảnh hưởng đến thu ngân sách do chi phí lãi vay cao đang được coi như một "lá chắn" cho doanh nghiệp. Đương nhiên trở thành lý do chính đáng để doanh nghiệp kê khai, báo lỗ, không đóng thuế nhưng vẫn không ngừng mở rộng.
Phân loại doanh nghiệp theo lĩnh vực hoạt động, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất khống chế lãi vay cụ thể thành từng nhóm.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất khi có phần chi trả lãi vay của khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (tức tỷ lệ 5:1) thì phần chi trả lãi vay này sẽ không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Riêng lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng thì tỉ lệ tối đa là không quá 12 lần vốn chủ sở hữu.
Với các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác, định mức để khoản lãi vay được tính vào chi phí hợp lệ là khoản vay không được vượt quá bốn lần vốn chủ sở hữu (4:1).
Bộ Tài chính đề xuất thời điểm áp dụng quy định này là từ 1/1/2019.
Đề xuất này của Bộ Tài chính khiến không ít doanh nghiệp phải trăn trở. Trong đó có nhóm doanh nghiệp đứng đầu trong danh sách sử dụng "đòn bẩy tài chính" lớn vào đầu tư, sản xuất kinh doanh là xây dựng, BĐS... các doanh nghiệp có đặc thù phát triển dự án dựa vào tín dụng.
Nguyên nhân là bởi, do đặc thù ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư cao, thời gian khấu hao chậm, hầu hết các doanh nghiệp trong nhóm này đều phải sử dụng vốn vay ngân hàng là chủ yếu, đặc biệt là những doanh nghiệp chưa cổ phần hóa. Nếu đề xuất kể trên của Bộ Tài chính có hiệu lực, nhóm doanh nghiệp này sẽ gặp phải không ít khó khăn.
Đơn cử trong lĩnh vực BĐS, để bắt đầu phát triển một dự án, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, chưa kể đến việc xây dựng có thể kéo dài vì nhiều lý do khách quan và chủ quan.
Hiện nay trên thị trường BĐS Việt Nam, có một thực tế không thể phủ nhận là phần vốn tự có để phát triển dự án của doanh nghiệp BĐS chỉ chiếm khoảng 20 - 30%, còn lại hầu hết là vốn vay và từ các nguồn khác.
Trong khi đó, để hoàn thiện thủ tục pháp lý của một dự án, phải mất từ 3 - 5 năm, để có đầy đủ giấy phép xây dựng, san lấp, giải phóng mặt bằng… đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng khó tạo lập quỹ đất như hiện nay. Theo ông Đặng Văn Phú, Phó TGĐ Công ty địa ốc Sài Gòn, các doanh nghiệp đi đền bù giải phóng mặt bằng chẳng khác đi đánh giặc. Doanh nghiệp rất khó khăn để có được quỹ đất sạch, thậm chí phải mất nhiều năm. Đến khi có đất sạch rồi lại phải mất thêm nhiều năm nữa mới có thể xây dự án và bán được hàng.
Như vậy, nếu chỉ dựa vào phần vốn tự có mà không đi vay là rất khó đối với doanh nghiệp. Còn nếu đi vay, doanh nghiệp lại chịu cảnh chi phí nộp thuế tăng khi không được khấu trừ lãi vay trong khoản mục chi phí. Nói cách khác, mất "tấm lá chắn" thuế, doanh nghiệp không còn được giảm thuế nộp cho nhà nước để tận dụng điều đó mà cải thiện kết quả kinh doanh, gia tăng tài sản cho các cổ đông.
Có thể hiểu, đề xuất của Bộ Tài chính đang căn cứ trên hướng có lợi cho thu nhập thuế của Nhà nước và đảm bảo tính lành mạnh tài chính của doanh nghiệp, nền kinh tế. Tuy nhiên, giới nghiên cứu lại bày tỏ mối lo ngại trước những tác động mạnh mẽ, khó lường của đề xuất kể trên đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại - những đơn vị đang hoạt động dựa trên nền tảng chính là tín dụng ngân hàng. Đặc biệt là vấn đề liệu có hay không tình trạng "thuế chồng thuế", khi doanh nghiệp vay vốn ngân hàng và ngân hàng đã có lợi nhuận, đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho khoản vay đó; sau đó doanh nghiệp lại phải tiếp tục nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên khoản vay này nếu vượt tỷ lệ trong quy định.