Năm 2020 trôi qua với diễn biến bất thường của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Chính phủ đã có nhiều giải pháp căn cơ thông qua việc ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan tới xây dựng và bất động sản, góp phần giải quyết những vướng mắc, tạo thuận tiện, thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.
Xung quanh vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) trước thềm năm mới Tân Sửu - 2021.
PV: Ngày 17/6/2020, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng với số phiếu tán thành cao. Những điểm mới của lần sửa đổi, bổ sung này là gì, thưa bà?
Bà Tống Thị Hạnh: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được xây dựng trên cơ sở 03 nhóm chính sách: Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan, với những điểm đổi mới cơ bản.
Theo đó, nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Cụ thể là:
Thứ nhất, tăng cường phân cấp, tạo chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu thông qua việc giảm đối tượng phải thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu tại cơ quan chuyên môn về xây dựng; Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng với chức năng quản lý của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư phù hợp với từng loại nguồn vốn sử dụng; làm rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; trách nhiệm của các nhà thầu đối với chất lượng công việc do mình thực hiện.
Thứ hai, tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng; Tích hợp/ thực hiện đồng thời thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy, thủ tục về môi trường, thẩm định về công nghệ… với thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng để rút ngắn thời gian thẩm định.
Thứ ba, phân cấp toàn diện thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng cho địa phương, bãi bỏ thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Bộ Xây dựng; mở rộng đối tượng miễn giấy phép xây dựng, đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng; rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 30 ngày xuống còn 20 ngày.
Thứ tư, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng.
Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung đang bị tác động lớn bởi đại dịch Covid-19, với mục tiêu sớm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng triển khai các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 đã quy định một số nội dung có hiệu lực sớm hơn (kể từ ngày 15/8/2020), bao gồm: phân cấp thẩm quyền thẩm định toàn bộ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng cho người quyết định đầu tư; miễn giấy phép xây dựng đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện cấp giấy phép xây dựng; bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt.
PV: Các quy định mới liệu đã giải quyết được các vấn đề bất cập từ thực tiễn, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong thời gian qua?
Bà Tống Thị Hạnh: Về cơ bản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trước đây. Như việc sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong khu vực có quy hoạch treo, quy hoạch chậm triển khai; giảm đối tượng công trình, nhà ở riêng lẻ tại nông thôn được miễn giấy phép xây dựng nhằm quản lý chặt chẽ hơn đối với việc xây dựng ở nông thôn.
Bên cạnh đó, giao quyền chủ động cho người quyết định đầu tư xem xét quyết định hình thức quản lý dự án theo quy mô, tính chất, nguồn vốn sử dụng và điều kiện thực hiện; Quản lý chi phí đầu tư xây dựng phù hợp với từng loại nguồn vốn.
Ngoài ra, bổ sung quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng; sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, đô thị sinh thái, đô thị thông minh; quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng; phá dỡ công trình… Đây là những điểm mới góp phần đưa ngành Xây dựng phát triển lành mạnh, bền vững trong thời gian tới.
PV: Về những điểm chồng chéo, mâu thuẫn của Luật Xây dựng với các Luật có liên quan đã được phản ánh trước đây, Luật sửa đổi đã khắc phục như thế nào, thưa bà?
Bà Tống Thị Hạnh: Lần sửa đổi, bổ sung này đã loại bỏ sự chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật giữa Luật Xây dựng với các Luật có liên quan, cụ thể là:
Thứ nhất, thống nhất quy định về trình tự, thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định của Luật Xây dựng;
Thứ hai, làm rõ việc xác định chủ đầu tư, mối quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư bảo đảm thống nhất giữa pháp luật về xây dựng, nhà ở, đầu tư, đầu tư công, quy hoạch đô thị;
Thứ ba, bãi bỏ giải thích từ ngữ “nhà ở riêng lẻ” tại Luật Xây dựng, thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Nhà ở;
Thứ tư, thống nhất quy định về cấp giấy phép xây dựng phù hợp với pháp luật về quảng cáo, tín ngưỡng, tôn giáo, đất đai…
PV: Ngoài Luật Xây dựng, năm 2020 được biết là năm có nhiều chính sách thay đổi liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Bà có thể cho biết những chính sách do Bộ Xây dựng đề xuất liên quan đến lĩnh vực này?
Bà Tống Thị Hạnh: Năm 2020, Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản tại Luật Đầu tư năm 2020 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Đơn cử như, bãi bỏ quy định về thẩm quyền, hồ sơ, trình tự thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư tại Luật Nhà ở năm 2014, thủ tục chấp thuận đầu tư tại Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị; thống nhất thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020.
Bên cạnh đó, bổ sung các loại đất khác đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở là một trong những hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Ngoài ra, phân định, làm rõ đối tượng phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản theo Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh trùng lặp về thủ tục.
Mặt khác, Bộ đã bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề này; bãi bỏ điều kiện về vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
PV: Về việc thực hiện những giải pháp để tháo gỡ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp “vượt bão” Covid-19 thì sao?
Bà Tống Thị Hạnh: Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản.
Trước hết, Bộ đã đề xuất doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất và được Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Thứ hai, đề xuất Chính phủ cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội và được Chính phủ thống nhất, quyết nghị tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.
Thứ ba, Bộ đã đề xuất miễn, giảm mức thu phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở; mức thu phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng; mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động xây dựng và được Bộ Tài chính tổng hợp, ban hành tại Thông tư số 34/2020/TT-BTC ngày 05/5/2020 quy định mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực xây dựng; Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, kể từ ngày 05/5/2020 đến hết ngày 30/6/2021, tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư nộp lệ phí cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng,phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở, phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng bằng 50% mức phí quy định tại Thông tư số 209/2016/TT-BTC, Thông tư số 210/2016/TT-BTC, Thông tư 172/2016/TT-BTC.
Cuối cùng, Bộ Xây dựng đã có Báo cáo số 43/BC-BXD ngày 28/4/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường bất động sản và giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; trong đó, đã đánh giá tình hình thị trường bất động sản, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với thị trường bất động sản và đề xuất giải pháp cấp bách trước mắt và giải pháp lâu dài tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản để khắc phục tác động của đại dịch Covid-19.
PV: Năm 2021 là năm đầu tiên của thập kỷ thứ 3, thế kỷ 21, Vụ Pháp chế đã có những hoạch định như thế nào để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong giai đoạn phát triển mới?
Bà Tống Thị Hạnh: Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 05 năm 2021 - 2025, cũng là năm cần triển khai tích cực các nhiệm vụ nhằm phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đặc biệt là các nhiệm vụ trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, Vụ Pháp chế đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2021 như sau:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, loại bỏ sự chồng chéo, thiếu thống nhất, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp; hoàn thành việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo Chương trình, kế hoạch bảo đảm tiền độ, chất lượng.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Tăng cường kỷ luật trong việc xây dựng và thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác giám sát, đôn đốc thực hiện; tăng cường trách nhiệm của đơn vị chủ trì soạn thảo.
Thứ ba, thực hiện đánh giá chất lượng thực thi pháp luật ngành xây dựng. Trước mắt trong năm 2021, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai việc đánh giá, xếp hạng mức độ cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng tại các địa phương nhằm cải thiện thực chất, tạo động lực, thúc đẩy các địa phương tự nỗ lực trong việc tổ chức thi hành pháp luật về cấp phép xây dựng, cải cách, cải thiện thứ hạng so với các địa phương khác. Đồng thời, nhân rộng các điển hình tốt trong cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng, nâng cao trách nhiệm của từng địa phương trong việc cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng.
- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!