Aa

Dân chưa được nhận đất dịch vụ - "nút thắt" giải phóng mặt bằng ở Mê Linh

Thứ Sáu, 04/11/2016 - 06:03

Gần 8.100 hộ dân chưa được nhận đất dịch vụ là một trong những nguyên nhân khiến công tác giải phóng mặt bằng ở huyện Mê Linh “giậm chân tại chỗ”. Việc giao đất dịch vụ cho nhân dân - một giải pháp tháo gỡ "nút thắt" trong giải phóng mặt bằng ở Mê Linh - lại đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp, ngành ở địa phương.

Nhà liền kề tại Khu đô thị Minh Giang - Đầm Và (Mê Linh). Ảnh: Minh Ánh

Nhà liền kề tại Khu đô thị Minh Giang - Đầm Và (Mê Linh). Ảnh: Minh Ánh

Ông Trần Đức Hiệp, Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Giang, cho biết, Công ty đã đổ vốn vào dự án xây dựng khu nhà ở trên địa bàn huyện Mê Linh trong 8 năm qua, với hơn 500 tỷ đồng nhưng đến nay địa phương chưa bàn giao được toàn bộ diện tích. Nếu huyện bàn giaomặt bằng đúng tiến độ thì doanh nghiệp đã có sản phẩm để đưa ra thị trường. Sự chậm trễ này khiến doanh nghiệp thiệt hại rất lớn, không chỉ về kinh tế mà còn cả uy tín.

Trao đổi về vấn đề trên, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Trần Văn Trung phân bua: Địa phương đã thực hiện rất nhiều cuộc họp để tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao đất cho các chủ đầu tư nhưng một số hộ dân không hợp tác. Nguyên nhân các hộ dân đưa ra là chưa được cấp đất dịch vụ.

Là một trong 27 hộ chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho dự án xây dựng Khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và và Minh Đức, bà Phạm Thị Vượng đưa ra lý do, năm 2004, gia đình đã bàn giao cho chính quyền địa phương 3 sào đất canh tác để xây dựng Nhà máy Bia Hà Nội nhưng đến nay, gia đình bà vẫn chưa nhận được đất dịch vụ theo quy định.

Để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án, đầu tháng 10 vừa qua, xã Tiền Phong phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức bảo vệ thi công. Tuy nhiên, trong lần tổ chức bảo vệ thi công này xã chỉ thực hiện được với những hộ sử dụng đất quỹ II, còn 20 hộ dân đang sử dụng đất quỹ I thì chưa thực hiện được do liên quan đến việc trả đất dịch vụ…

Ông Phạm Trần Quang, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mê Linh, cho hay trên địa bàn huyện còn 19 dự án với diện tích thu hồi 1.334ha đã được cấp thẩm quyền của tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Mê Linh phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ (trước thời điểm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan ngày 1-8-2008).

Thực tế, huyện vẫn chưa trả đất dịch vụ cho nhân dân theo quy định khoảng 26,8ha, với 8.085 hộ dân; trong đó diện tích đất dịch vụ phải trả theo diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi là 21,4ha và đất dịch vụ hưởng theo khẩu là 9,2ha. Xã Tiền Phong "nợ" nhiều đất dịch vụ nhất với 8,4ha của 2.432 hộ dân. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do chính sách của tỉnh Vĩnh Phúc nhiều lần thay đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, việc thay đổi đơn vị quản lý hành chính cũng dẫn đến thay đổi về chính sách áp dụng. Công tác quản lý đất đai, nhân khẩu, hộ khẩu tại các xã, thị trấn của huyện Mê Linh trước đây thiếu chính xác, rõ ràng đã gây khó khăn cho thống kê, lập phương án để giao đất dịch vụ cho nhân dân bị thu hồi đất theo quy định…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Trần Thanh Hoài, huyện đã đề nghị thành phố cho áp dụng cơ chế đặc thù để giải quyết đất dịch vụ, bảo đảm công bằng cho các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi trước thời điểm huyện Mê Linh sáp nhập vào Hà Nội. Huyện Mê Linh cũng đề nghị UBND thành phố bố trí nguồn vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ đã được quy hoạch để giao cho nhân dân…

Phó Chủ tịch Trần Thanh Hoài cho biết: Trên địa bàn huyện còn 10 dự án có đất thương phẩm đã được thành phố chấp thuận chủ trương giao cho huyện làm quỹ đất dịch vụ và đấu giá. Nhưng chủ đầu tư các dự án này chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, vì vậy, huyện Mê Linh đề nghị thành phố thu hồi và giao cho huyện lập dự án, phê duyệt quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sạch để trả đất dịch vụ cho nhân dân…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top