Hiện nay, trung bình mỗi năm, nước ta phát sinh khoảng 28 triệu tấn chất thải rắn, bao gồm khoảng 19 triệu tấn rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, các địa điểm xử lý rác thải chưa được quy hoạch một cách bài bản, đồng bộ, cộng thêm đó là công nghệ xử lý rác thải chưa ưu việt, dẫn đến tình trạng các bãi rác luôn ở tình trạng quá tải, trong khi rác mỗi ngày vẫn bị thải ra đều đặn không ngừng. Hậu quả là người dân “lãnh đủ”. Ở các địa phương trên cả nước, đâu đâu cũng thấy dân “khóc ròng” vì mùi rác hôi thối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thường ngày.
Không dám đi tập thể dục vì sợ hít phải… mùi rác
Từ năm 2016 đến nay, người dân khu Nam Sài Gòn, gồm cả khu đô thị nhà giàu Phú Mỹ Hưng, liên tục phản ánh tình trạng mùi hôi thối phát tán gây khó chịu trong khu vực. Qua một thời gian xác minh, cơ quan quản lý cho biết bãi rác Đa Phước (quận Bình Chánh, TP.HCM) chính là “thủ phạm” gây ra mùi hôi thối khó chịu nói trên.
Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước hiện là khu chôn lấp rác lớn nhất TP.HCM do Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) làm chủ đầu tư, có diện tích 128ha, được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2007. Mỗi ngày, bãi rác này nhận xử lý 5.000 tấn rác trong tổng số 8.900 tấn mà toàn TP.HCM thải ra. Sau 11 năm hoạt động, bãi rác đã tiếp nhận tới 13 triệu tấn và núi rác đã cao tới 27m. Bên cạnh đó là những hố nước thải đen nghịt.
Hồi tháng 10/2016, một đoạn bờ bao tại góc Đông Nam bãi rác nghi bị sạt lở, gây mùi hôi đặc quánh. Suốt từ đó đến nay, tình trạng mùi hôi thối vẫn tiếp diễn, chưa có dấu hiệu được xử lý triệt để.
Người dân Nam Sài Gòn liên tục phải kêu cứu vì không khí ô nhiễm quá khó chịu. Nhiều người không dám đi tập thể dục buổi sáng bởi thay vì hít khí trời trong lành, rất có thể họ lại hít phải mùi thối. Các gia đình cũng thường xuyên phải đóng chặt cửa để mùi rác khỏi bay vào nhà.
Hơn 2 năm trời bị mùi rác “tấn công” làm đảo lộn cuộc sống mà chưa biết sự khổ sở này bao giờ mới dừng lại, người dân Nam Sài Gòn đã liên tục phản ánh, gửi hàng chồng đơn thư kêu cứu tới các cơ quan chức năng. Thậm chí, họ còn lập cả nhóm “Sự thật mùi hôi thối ở Phú Mỹ Hưng” và fanpage “Sự thật về mùi hôi thối ở Nam Sài Gòn” để… ghi nhật ký mùi rác hôi hám.
Tại Hà Nội, người dân 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (thuộc huyện Sóc Sơn) cũng đang gặp tình cảnh tương tự như ở Nam Sài Gòn. Đây là địa bàn đặt Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, một trong 2 khu xử lý rác thải lớn nhất ở toàn miền Bắc. Khu còn lại là khu xử lý Sơn Dương ở huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh.
Bãi rác Nam Sơn được đưa vào hoạt động từ năm 1999, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 4.000 tấn rác, được đánh giá là bãi tập kết rác lớn nhất Thủ đô.
Gần 20 năm nay, dân cư sống quanh bãi Nam Sơn đã quen cảnh ăn cơm chung với ruồi nhặng. Có người đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang vì mùi hôi thối nồng nặc, nhất là những ngày mà thời tiết lên tới trên 40 độ C thì tình trạng mùi hôi còn kinh khủng hơn. Với những nhà dân sống cách bãi rác chỉ khoảng 100-200m, việc bị ảnh hưởng bởi mùi rác lại càng nghiêm trọng.
Do môi trường sống và nguồn nước đều bị ô nhiễm nặng nề nên nhiều năm nay, đã có không ít người trong khu vực này mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da, ung thư… Việc sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn khi mà nguồn nước tưới không được đảm bảo.
Tương tự như 2 thành phố trên, Đà Nẵng cũng đang “đau đầu” tìm phương án giải quyết vấn đề rác thải trước thực trạng bãi rác lớn nhất của địa phương này là bãi Khánh Sơn (phường Nam Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) sắp quá tải. Bãi rác Khánh Sơn dự kiến hoạt động đến năm 2022, mỗi ngày tiếp nhận xử lý hơn 900 tấn rác thải. Người dân sống ở khu vực xung quanh đã nhiều lần phản đối bãi rác này gây ô nhiễm. Theo phản ánh, xe chở rác lưu thông suốt ngày đêm không chỉ làm ồn mà còn gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, rác lộ thiên ở bãi rác Khánh Sơn gây ra mùi thối không chịu nổi. Gần 30 năm chịu cảnh ô nhiễm rác thải, người dân Nam Hòa Khánh đã rất nhiều lần yêu cầu đối thoại với chính quyền thành phố, nhằm tìm ra câu trả lời là có di dời bãi rác Khánh Sơn hay không.
Đi không được, ở không xong
Trước tình trạng mùi rác thải “hoành hành”, nhiều cư dân sống trong những khu vực bị ảnh hưởng đã tìm cách “tháo thân”.
Chia sẻ với Vietnamnet, bà Nguyễn Lan Ngọc, cư dân chung cư Lacasa (quận 7), cho biết, nhiều hôm bà dậy sớm, ngồi chờ 2 tiếng đồng hồ vẫn chưa hết mùi thối (được cho là xuất phát từ bãi rác Đa Phước) để xuống sân tập thể dục. Có khi bà đang tập thì xộc vào mũi là mùi rác hôi thối nên lại phải nín thở chạy lên nhà. Trước tình trạng này, gia đình bà có kế hoạch mua căn hộ ở chỗ khác để chuyển đi vì không chịu đựng được mùi khó chịu. Tuy nhiên, bà phân vân chưa biết mua ở đâu mới có thể tránh được mùi rác thối này.
Còn chủ đề “Phải rời quận 7, rời Phú Mỹ Hưng vì mùi rác” trên nhóm “Sự thật mùi hôi thối ở Phú Mỹ Hưng” cũng nhận được nhiều quan tâm và phản hồi. Khá nhiều người cho biết họ đã phải dọn nhà đi nơi khác vì không chịu nổi môi trường ô nhiễm. Facebook có tên Huong Nguyen chia sẻ, lí do rời đi là bởi: “Không thể chờ vào chính quyền. Muốn cứu bản thân chắc chỉ có cách đó thôi”. Còn người dùng Ngoc Le viết: “Mình sắp rời đi, chắc sẽ đi trước tháng 3 năm tới! Rất đáng tiếc nhưng buộc phải đi vì cái giá phải trả nếu ở lại là cực nguy hiểm cho sức khỏe. Chờ đến khi thành phố quy hoạch được một bãi rác mới thì chắc nhiễm bệnh rồi”. Hầu như ai sống ở Nam Sài Gòn cũng bày tỏ sự tiếc nuối nếu phải rời đi, vì khi không bị mùi rác, nơi đây có không gian thoáng đãng, dễ thở.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến nhận định, nhà ở Nam Sài Gòn bây giờ không dễ bán vì mùi hôi thối. “Làm sao mà bán đây? Thối quá khách xuống xem cũng hãi”, Facebooker Dung Nguyen chán nản. Một người dùng khác là Dao Thu Phuong chia sẻ: “Hôm bữa có bạn rủ đi làm bất động sản bán dự án mà em cũng nghĩ, ô nhiễm như thế áy náy lắm không bán nổi”.
Trong khi đó, người dân sống quanh khu vực bãi rác Nam Sơn sau nhiều năm yêu cầu chính quyền có phương án di dời dân cư khỏi vùng ô nhiễm mà chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, hiện họ vẫn tiếp tục phải “sống chung với rác”. Ngày mát trời còn đỡ, ngày nắng nóng, dân chỉ biết đóng chặt cửa, bịt các lỗ thông hơi rồi “cố thủ” trong nhà để đỡ mùi rác. Có người cứ đến mùa nóng cao điểm là phải thuê nhà ở nơi khác cho người già, trẻ em “lánh nạn”. Ai còn có công việc ở tại địa phương thì buộc phải đeo khẩu trang cả ngày.
Mặc dù người dân quanh bãi rác Nam Sơn vẫn được nhận trợ cấp dành cho cư dân vùng ô nhiễm, nhưng trước tình trạng quá tải của khu xử lý rác thải này, người dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ đã không ít lần chặn xe rác, yêu cầu đối thoại với lãnh đạo thành phố. Họ yêu cầu chính quyền phải đẩy nhanh tốc độ di dời, tái định cư cho người dân trong bán kính 500m quanh bãi rác Nam Sơn; đồng thời nhanh chóng giải quyết những chính sách về y tế, cơ sở hạ tầng cho cư dân vùng ô nhiễm.
Từ nhiều năm nay, cư dân sống gần khu vực các bãi rác đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu chính quyền địa phương phải có biện pháp xử lý, hoặc là di dời bãi rác, hoặc là di dời, tái định cư cho người dân an tâm sinh sống. Người dân thôn An Hội Nam (xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) mong mỏi các sở, ngành có phương án cho Nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ, trong khi đó, người dân huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế chọn cách chặn xe rác, chặn bãi rác Nam Phước để phản đối. Thậm chí, trong một cuộc đối thoại hồi tháng 10 vừa qua, người dân sống quanh khu vực bãi rác Khánh Sơn còn đề nghị lãnh đạo TP. Đà Nẵng “về ở cùng để thấu hiểu nỗi thống khổ”.
Tôi đồng ý với ý kiến về xử lý rác thải cho rằng, một trong những hướng ưu tiên là sử dụng công nghệ hiện đại, chẳng hạn công nghệ xử lý rác để trở thành điện năng. Hoặc chế biến rác thành vật liệu xây dựng nhưng chúng ta phải đối chiếu chi phí cho những công nghệ này thì với khối lượng lớn như trên địa bàn Hà Nội, chúng ta có nguồn lực hay không. Cho nên phải thực hiện song song với các phương pháp khác, nhưng chúng ta phải chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, chẳng hạn như chôn lấp rác, hay phân loại rác. Để quy hoạch được hiệu quả, cái quan trọng là phải phân loại rác để có xử lý thích hợp. Ngoài ra, cần có ý thức của cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, đòi hỏi sự giám sát của cơ quan quản lý, cái này chúng ta chưa làm được nhiều. Vấn đề xử lý rác thải hiện nay, cần phải có lộ trình đồng bộ như tôi nói ở trên. TS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội |