Aa

Đan Phượng, Hà Nội: Dân đổi “kế sinh nhai” lấy “đại dự án” nước sạch… trên giấy?

Chủ Nhật, 14/04/2019 - 20:01

Hơn ba năm giao đất để xây dựng dự án nhà máy nước mặt sông Hồng, người dân Liên Hồng, Đan Phượng (Hà Nội) vẫn phải sống trong cảnh “khát” nước sạch. Còn dự án vẫn chỉ là bãi đất trống.

“Đại dự án” nước sạch, sau 3 năm… chỉ dừng lại ở khâu giải phóng mặt bằng

Đến thời điểm hiện tại, hơn 50% trên dân số của huyện Đan Phượng vẫn phải sử dụng nước giếng khoan hoặc giếng đào. Các hộ dân cho biết, nguồn nước giếng chứa nhiều sắt, bơm lên có màu vàng ố, do vậy để có thể sử dụng, họ phải lọc qua nhiều lần. Tuy vậy, chất lượng nguồn nước không được đảm bảo này khiến các hộ dân không khỏi lo lắng.

“Nhà tôi vẫn phải dùng nước giếng khoan, nước bơm lên bể vàng khè, phải đợi cho bẩn lắng xuống sau đó mới lọc nước để sử dụng. Bao năm nay, chúng tôi vẫn mong mỏi dự án nước sạch đi vào hoạt động để người dân đỡ khổ”, ông Doãn Văn Tuấn, người dân xã Liên Hồng, bày tỏ.

f

Nguồn nước giếng chứa nhiều sắt, bơm lên có màu vàng ố, do vậy để có thể sử dụng phải lọc qua nhiều lần.

Tháng 8 năm 2015, mặt bằng dự án được UBND TP. Hà Nội phê duyệt trên 20,5ha đất nông nghiệp của xã Liên Hồng, do Công ty CP nước mặt sông Hồng làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 3.700 tỷ đồng.

Đây là một trong ba đại dự án về Quy hoạch cấp nước cho Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050 của Thủ tướng. Sau ba năm, phần duy nhất được hoàn thành là giải phóng mặt bằng.

Trên bản đồ vệ tinh, nhà máy nước giờ vẫn là một khoảng đất trống màu vàng vuông vắn nằm ngay mặt đường liên xã, bao quanh bởi xanh ngắt những cánh đồng hoa màu và cây ăn quả. Hơn một trăm nghìn người, chiếm khoảng 64% dân số Đan Phượng, vẫn chưa có nước sạch.

Dự án nhà máy nước sạch sau 3 năm mới chỉ xong khâu giải phóng mặt bằng.

Dự án nhà máy nước sạch sau 3 năm mới chỉ xong khâu giải phóng mặt bằng.

Ngày có quyết định phê duyệt tổng mặt bằng công trình nước sạch, hàng chục hộ dân xã Liên Hồng đã không ngần ngại từ bỏ “kế sinh nhai” của mình, giao đất cho chủ đầu tư với hy vọng công trình nước sạch sớm được hoàn thiện.

Những “bờ xôi ruộng mật” nay đã trở thành đất dự án. Dẫu vậy, khi số tiền đền bù từ việc giải phóng mặt bằng đã hết, thay vào đó là những căn nhà ống mọc lên thì dự án nước sạch vẫn chỉ là bãi đất trống được rào kín.

Sống trong những ngôi nhà có vẻ khang trang ấy, lại là những người nông dân không còn sinh kế và cũng không có… nước sạch để dùng. Nhiều hộ dân phải mua nước đóng bình về để uống và nấu.

“Khi thành phố có quyết định xây nhà máy nước sạch, chúng tôi rất mừng. Dù biết đất nông nghiệp là sinh kế của chính mình nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm giao đất và tất cả đều đồng thuận.

Tuy nhiên đến nay, cả cách đồng vẫn chưa có dấu hiệu thi công khiến chúng tôi không khỏi lo lắng. Hơn nữa, khi giao đất chính quyền cũng nói là năm 2019 có nước thì chúng tôi mới giao nhưng 2019 rồi mà vẫn còn là bãi đất trống thì chúng tôi còn phải chờ đến bao giờ?, một người dân bức xúc nói.

Chờ nước đến bao giờ?

Nói về việc chậm thi công nhà máy nước huyện Đan Phượng tại địa bàn xã Liên Hồng, ông Nguyễn Quý Mạnh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng cho biết: “Ngày 2/12/2016, chúng tôi đã bàn giao xong 203.987m2 của 502 hộ dân.

Về vấn đề giải phóng mặt bằng, được sự đồng thuận rất lớn từ phía người dân nên giải quyết rất nhanh. Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là do chủ đầu tư. Trong tất cả các cuộc giao ban với thành phố thì Chủ tịch UBND thành phố cũng đã có những yêu cầu cụ thể về tiến độ xây dựng nhà máy nước của đơn vị thi công và tuyệt đối không được ngừng thi công”.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch HĐND xã Liên Hồng cũng nhận định: “Không chỉ người dân mà tất cả các lãnh đạo cũng đều mong chờ dự án này sớm triển khai vì đây là một trong những tiêu chí nâng cao trong xây dựng nông thông mới, đồng thời đảm bảo yếu tố chất lượng dân sinh.

Về ý kiến phản hồi của người dân, chúng tôi đều nắm bắt. Mong mỏi của người dân là chính đáng. Dù rất quyết liệt, nhưng hiện nay, Đan Phượng cũng chỉ có thể đảm bảo nước sạch cho 50% hộ dân. Tuy nhiên, về trách nhiệm của huyện, chúng tôi cũng đã làm đến cùng, nhưng vướng mắc chủ yếu nằm tại chủ đầu tư. Hiện nay, chủ yếu đến từ vấn đề thiếu vốn”.

Theo tìm hiểu, 79% vốn của Công ty cổ phần nước mặt sông Hồng thuộc về Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Long, đóng trên địa bàn của tỉnh Hưng Yên, nằm trong nhóm doanh nghiệp đang “có số nợ tăng cao”.

Thành Long cũng là tập đoàn sản xuất và cung cấp toàn bộ phần kết cấu thép 7.000 tấn cho dự án cầu Vàm Cống tại Cần Thơ và Đồng Tháp. Công trình được biết đến với sự cố nứt dầm cầu từ giữa năm 2018. Doanh nghiệp này cũng có tên trong danh sách bị UBND TP. Hà Nội phê bình trong dự án cầu vượt An Dương vì "thiếu nỗ lực, thiếu phối hợp" trong thực hiện.

f

Người dân Đan Phượng vẫn đang mòn mỏi chờ dự án nước sạch được thi công, hoàn thiện.

Tại buổi giám sát của HĐND TP. Hà Nội vào tháng 8/2018, đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án sẽ chậm tiến độ một năm so với tiến độ mà thành phố đưa ra, tức là khoảng giữa năm 2020 mới có thể cấp nước.

Nguyên nhân chậm trễ mà chủ đầu tư đưa ra là do kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của tuyến ống truyền dẫn nước sạch chưa được phê duyệt. Lúc này, theo chủ đầu tư, dự án sẽ phấn đấu khởi công vào tháng 10/2018 nhưng đến nay đã hơn nửa năm “sự phấn đấu” của dự án vẫn đang trong tình trạng “trơ gan cùng tuế nguyệt” mà không có bất kỳ động tĩnh của sự thi công nào. 

Đất bị thu hồi đang trong tình trạng bỏ hoang chờ những tín hiệu thi công nhà máy nước sạch. Không chỉ mất kế sinh nhai, người dân Đan Phượng còn phải sống trong tình cảnh khắc khoải chờ nước, nhưng không biết sẽ phải chờ đến bao giờ?!

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top