Đằng sau "cơn sốt" giá chung cư Hà Nội - Bài 1: Những người “ở trọ trần gian”

Đằng sau "cơn sốt" giá chung cư Hà Nội - Bài 1: Những người “ở trọ trần gian”

Thứ Tư, 29/05/2024 - 06:00

Rời quê hương lên thành phố học tập và lập nghiệp, ai cũng mang trong mình một giấc mơ an cư. Thế nhưng, với thu nhập ở mức trung bình cùng tình trạng giá chung cư ngày một tăng cao đến khó hiểu khiến giấc mơ đó đang ngày càng xa tầm với. Họ đành phải tiếp tục sống tạm bợ, giao phó tính mạng vào những căn chung cư mini, nhà trọ tiềm ẩn đầy rủi ro...

Lời tòa soạn:

Những tháng đầu năm 2024, chung cư Hà Nội trở thành điểm nóng trên thị trường, thậm chí còn lọt vào một trong những từ khóa đứng đầu danh sách tìm kiếm thịnh hành bởi mức giá của phân khúc này liên tục "lập đỉnh".

Theo dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giá căn hộ tại Hà Nội đã tăng hàng chục quý liên tiếp. Chỉ số giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tại thời điểm quý I/2024 đã tăng 48% so với quý I/2019 và tăng 8 điểm phần trăm so với quý IV/2023 - mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Mặc dù hiện tại đã qua giai đoạn "sốt nóng", phân khúc chung cư trở lại trạng thái "điềm tĩnh" hơn, tuy nhiên các chuyên gia đánh giá rằng mức giá chung cư sẽ khó có thể thể giảm về mức ban đầu.

Theo Quyết định số 2161/QĐ-TTg về chiến lược "Phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045" được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/12/2021, một trong những mục tiêu tổng quát được nêu ra là phát triển nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của các đối tượng thụ hưởng chính sách; đồng thời, phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững.

Tuy nhiên, trước diễn biến giá chung cư không ngừng tăng như hiện nay, dường như đường đến mục tiêu này ngày càng xa vời, thị trường nhà ở đang chứng kiến những bước đi lùi.

Cơn sốt giá chung cư qua đi, nhưng hệ quả để lại đằng sau đó là gì? Đâu là giải pháp căn cơ cho câu chuyện bình ổn giá nhà và đưa người dân chạm đến gần hơn với giấc mơ an cư? Cần có nghiên cứu và thống nhất phát triển những mô hình sản phẩm nhà ở như thế nào để gỡ thế bế tắc cho thị trường?

Trên tinh thần nghiên cứu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài: "Đằng sau 'cơn sốt' giá chung cư Hà Nội".

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

"Làm gì có ai muốn sống ở đây?!"

6 giờ tối, trong con ngõ hẹp đến mức hai người đi xe máy phải tránh nhau, tất cả các ô cửa sổ tại khu trọ thuộc ngõ Văn Hội, phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) giờ này đang sáng đèn, đây là thời điểm các gia đình thuê trọ trở về nhà sau giờ tan tầm. Giày dép xếp ngoài hành lang, cùng với tiếng chổi quét loẹt xoẹt, tiếng xe chở rác, tiếng tivi lẫn trong tiếng trẻ con khóc, mùi thức ăn xào nấu bay khắp nơi. Đứng trước con ngõ Văn Hội, chúng tôi không khỏi giật mình vì nơi đây quá giống con ngõ nơi dẫn vào ngôi nhà vừa xảy ra hỏa hoạn khiến 14 người tử vong tại Trung Kính vừa rồi.

"Không biết bao giờ mới mua được nhà ở. Làm gì có ai muốn sống ở đây đâu em" là lời chia sẻ của vợ chồng anh Trần Minh Nghĩa (30 tuổi) và chị Hoàng Ngọc Anh (28 tuổi) khi chúng tôi về hỏi chuyện an cư tại Hà Nội. Đôi vợ chồng trẻ quê ở Cao Bằng, sinh sống và làm việc tại Hà Nội tính đến nay đã được 7 năm. Giống như bao cặp vợ chồng làm công việc văn phòng tại Hà Nội, trung bình thu nhập của hai vợ chồng anh Nghĩa, chị Ngọc Anh rơi vào khoảng 20 - 23 triệu/tháng để nuôi 2 vợ chồng và 1 con nhỏ đang gửi ở quê cho ông bà chăm. Với mức tài chính đó, vợ chồng anh chị lựa chọn ở một căn phòng trọ nhỏ, cái nơi mà người ta vẫn nhắc đi nhắc lại về mức độ chen chúc lẫn an toàn phòng cháy chữa cháy. Nhưng bù lại, những căn hộ như thế, nó vừa vặn với đồng lương của 2 vợ chồng, vừa vặn với những nhu cầu cần thiết cho một cuộc sống "đất chật người đông" chốn thị thành.

Căn phòng trọ chung chủ của của gia đình anh Nghĩa, chị Ngọc Anh nằm sâu trong ngõ Văn Hội. Từ đường Đức Thắng, qua Khu tập thể Bộ Công An và nhà văn hóa, ngõ đi sâu tầm 50 - 60m mới tới được chỗ trọ của anh chị. Con đường vào giống như rất nhiều căn phòng trọ khác tại đây với đặc điểm: Ngõ hẹp, sâu, ngoằn ngoèo. Từ mặt đất nhìn lên, con ngõ càng lộn nhộn hơn bao giờ hết bởi những mái che, lan can, cục nóng điều hòa và đôi khi có cả quần áo trên trên dây phơi. Trước mặt khu nhà là những cột điện loằng ngoằng chi chít dây điện, con ngõ vốn dĩ chật chội nay càng thêm rối mắt. Khu nhà trọ này được xây 3 tầng, mỗi mặt sàn gồm 4 phòng nối liền nhau, tổng 12 phòng, diện tích từ 20 - 30 - 40m2, đều kín người ở. Căn phòng vợ chồng anh Nghĩa đang ở rộng khoảng chừng 20m2, được hai vợ chồng khéo léo sắp xếp bố trí ngăn nắp gọn gàng để tiện cho sinh hoạt.

Đằng sau

Căn phòng trọ chung chủ của của gia đình anh Nghĩa, chị Ngọc Anh nằm sâu trong ngõ Văn Hội (Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Reatimes.

"Ở thì hơi chật chội, nhưng khu này cái gì cũng tiện, vì chủ yếu là người lao động và sinh viên, nên giá cả mua bán tương đối rẻ", chị Ngọc Anh kể. Từ phòng trọ, họ chỉ mất 15 phút để đi tới chỗ làm, chợ cũng cách chưa đầy 500m. Với tổng chi phí khoảng 3 triệu đồng/tháng bao gồm cả: Nhà trọ, điện nước và phí sinh hoạt chung, đây là sự lựa chọn tối ưu với họ trong nhiều năm qua để tiết kiệm tiền mua chung cư.

Thu nhập ổn định theo từng tháng và không có khoản đột biến nên để tiết kiệm, vợ chồng anh chị thắt chặt chi tiêu hết mức có thể, nhờ bố mẹ mua thực phẩm ở quê gửi xuống, hạn chế đi ăn ngoài, mua sắm quần áo ở chợ đồ cũ…

Đằng sau

Căn phòng vợ chồng anh Nghĩa đang ở rộng 30m2, được hai vợ chồng khéo léo sắp xếp ngăn nắp gọn gàng. Bếp được bố trí bên ngoài hành lang để tiện cho việc đun nấu. Ảnh: Reatimes.

Cách đây 2 năm, vợ chồng anh Nghĩa dành ra được một khoản tiền là 700 triệu đồng, số tiền này một phần là tiền tích cóp gần chục năm bôn ba của 2 vợ chồng, còn lại là tiền mừng cưới và của hồi môn của bố mẹ 2 bên. Họ quyết tâm đi tìm mua nhà với hy vọng gia đình không phải ở nhà thuê mà tiền thuê nhà mỗi năm tăng một giá như hiện tại. Khi đó, vợ chồng anh Nghĩa dự định sẽ dùng số tiền này và kết hợp vay ngân hàng để mua 1 căn hộ chung cư đã qua sử dụng, rộng khoảng hơn 50m2 ở khu vực phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Nhưng sau khi xem xét một hồi, thấy để mua được căn hộ này thì anh chị còn cần phải vay một khoản khá lớn nữa mới đủ, lo sợ không có khả năng chi trả nên định bụng sẽ cố ở trọ 2 năm nữa, đi làm tích cóp được thêm thì sẽ mua. Ai ngờ đến thời điểm hiện tại, tuy số tiền tiết kiệm cũng "dày" lên nhưng giá nhà chung cư theo đó đội lên cao gấp nhiều lần. Cũng theo anh Nghĩa, cách đây 2 năm giá căn hộ khu vực này rơi vào khoảng 20 - 35 triệu đồng/m2. Còn ở thời điểm hiện tại, giá đã đội lên là khoảng 32 - 43 triệu đồng/m2.

"Bây giờ 2 vợ chồng tôi có gần 900 triệu đồng, nhưng không thể đi vay cả tỷ bạc để mua nhà chung cư được. Chúng tôi muốn mua nhà ở khu Phú Diễn cho tiện 2 vợ chồng đi làm, nhưng không hiểu sao thời gian gần đây giá nhà cứ tăng "chóng mặt". Định bụng đợi thêm vài tháng nữa xem tình tình thế nào, nhưng càng chờ thì giá nhà càng lên cao, cứ đà này không biết bao giờ chúng tôi mới mua được nhà nữa. Giờ chỉ mong Nhà nước có thật nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở giá rẻ thì mình may ra mới có cơ hội mua nhà, ổn định cuộc sống", anh Nghĩa thở dài.

Giữa cơn lốc giá chung cư tăng đến khó hiểu, những người như vợ chồng anh Nghĩa đành phải tạm gác lại giấc mơ an cư của mình...

Hụt hơi trong giấc mơ an cư

Rời Văn Hội, chúng tôi đến với "thủ phủ" nhà trọ dành cho sinh viên - khu phố Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Cuối buổi chiều, sau giờ tan tầm, nơi đây trở nên trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Dọc con đường dẫn vào khu trọ, hai bên hàng quán mọc lên san sát, không khí mua bán sôi động, tấp nập.

Đi sâu vào ngõ nhỏ, không gian như trầm lắng hơn, thay vào đó là sự yên tĩnh đến bởi các dãy phòng trọ san sát nhau, đó là nơi các sinh viên từ nhiều tỉnh thành tới đây thuê trọ. Nhà trọ tại đây được xây dựng khá nhiều dành cho sinh viên với mức giá từ 1.5 – 3 triệu đồng/tháng. Chúng tôi dò dẫm trong những con ngõ nhỏ dài hun hút để tìm đến phòng trọ của anh Nguyễn Thanh Tuấn (29 tuổi, Hà Nam) mà có cảm giác như lạc vào một "ma trận" không thấy đường ra. Những con ngõ dẫn vào rộng chưa đầy một sải tay người, dài như một sợi dây đan chéo nhau, hai bên chi chít những cột dây điện loằng ngoằng. Dò dẫm thêm vài ngõ ngách chúng tôi mới đến được căn phòng trọ của anh Tuấn.

Đằng sau

Những con ngõ dẫn vào phòng trọ của anh Tuấn ngoằn ngoèo, rộng chưa đầy một sải tay người, kéo dài như một sợi dây đan chéo nhau. Ảnh: Reatimes.

Theo dõi tin tức vụ cháy nhà trọ tại ngách 43/98/31 Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đêm 24/5 vừa qua, anh Tuấn không khỏi cảm thấy xót xa cho những nạn nhân xấu số. Nhìn lại căn phòng trọ của mình, anh bất giác rùng mình. Căn phòng hiện tại anh đang ở là một phòng tại tầng 4 của khu trọ chung chủ, may mắn là có bếp và vệ sinh riêng trong phòng. Chỗ nấu ăn ngay trước phòng vệ sinh, trên tường kê tấm gạch đựng bếp gas và nồi cơm điện. Phía trên đặt kệ bếp chèn chật chén đĩa, nồi niêu. Tại khoảng sân phía dưới nhà, chủ nhà tận dụng làm chỗ để xe và phơi quần áo. Từ tầng 1 đến tầng 4 là cho hộ gia đình và sinh viên thuê.

Cách đây 5 năm kể từ khi có ý định an cư tại Hà Nội, anh Tuấn bắt đầu lên kế hoạch chi tiêu cẩn thận để hiện thực hóa ước mơ có nhà Hà Nội trước năm 30 tuổi. Anh Tuấn tâm sự rằng, anh thuê một căn phòng nhỏ trong khu hầu hết là sinh viên ở Phùng Khoang, giá mỗi tháng 2,5 triệu đồng bao gồm điện nước. Mùa nóng, phòng như biến thành lò đốt, cộng thêm mùi rác gần nhà bay vào.

"Có những hôm trời nóng không ngủ được, hoặc mùi đồ ăn ám quanh phòng vì phòng bí, diện tích nhỏ, nhưng để tiết kiệm chi phí thì tôi chấp nhận vậy", anh Tuấn nói. Dẫu biết khi quyết định chấp nhận sống trong khu trọ khép kín, không an toàn về cháy nổ đó, sẽ phải đối mặt với rất nhiều những nguy hiểm tiềm tàng, nhưng anh vẫn chọn gắn bó vì đây là cách duy nhất để tiết kiệm chi phí mua nhà chung cư.

"Những lần phải khổ sở khi ở trọ như vậy, tôi càng nung nấu ý định có nhà của riêng mình, cho dù nhà rất nhỏ. Tôi thực sự rất sợ cảnh đi ở trọ", anh Tuấn trải lòng.

Đằng sau

Căn phòng hiện tại anh Tuấn đang ở là một phòng tại tầng 4 của một khu trọ chung chủ tại Phùng Khoang (Hà Nội), may mắn có bếp và vệ sinh riêng trong phòng. Ảnh: Reatimes.

Nhiều năm trọ ở mảnh đất Thủ đô, anh Tuấn luôn mong mỏi có một nơi ở ổn định để yên tâm sinh hoạt và làm việc. Đặt ra mục tiêu phải mua được một căn chung cư tại Hà Nội, anh Tuấn ngày đêm miệt mài làm mọi cách để tăng thu nhập. Ngoài công việc thiết kế đồ họa trong giờ hành chính, anh Tuấn còn góp vốn làm ăn chung với bạn. Không nói rõ thu nhập cụ thể, song chàng trai 29 tuổi cho biết đã dành dụm hơn 400 triệu đồng và đang lên kế hoạch có cuốn sổ hồng trước năm 30 tuổi.

Giống như nhiều người trẻ mà chúng tôi tiếp xúc, anh Tuấn lựa chọn chung cư vì biết nhà mặt đất quá khó với tới. "Tôi nhắm đến phân khúc giá khoảng 2,5 tỷ đồng trở xuống cho căn 1 hoặc 2 phòng ngủ, ít ồn ào và có tiện ích xung quanh để sau này lấy vợ, có con sẽ có không gian riêng. Tất nhiên là mua nhà cũng vẫn sẽ phải tính đến phương án trả góp", chàng trai quê Hà Nam tâm sự về mái nhà mơ ước sau nhiều năm sống đời trọ ở Thủ đô.

Nghĩ là làm, tháng 3/2024 vừa rồi, anh Tuấn bắt tay vào hành trình tìm kiếm ngôi nhà đầu tiên. Với số tiền sẵn có 1,4 tỷ đồng (sau khi vay mượn thêm được của người thân, bạn bè), anh xác định mua một căn hộ cũ 2 phòng ngủ khoảng 2 tỷ đồng ở khu vực ngoại thành để giảm áp lực vay nợ. Tuy vậy, nhiều tháng trôi qua, anh gần như muốn bỏ cuộc vì không săn lùng ra căn hộ có mức giá đó.

"Thực ra đối với những người dân ngoại tỉnh như tôi, ước mơ sở hữu một bất động sản nhà đất hay chung cư ở thành phố là giấc mơ lớn. Nhưng giá nhà thì tăng đột biến trong khi lương vẫn đứng im, bối cảnh kinh tế khó khăn này, giữ được việc làm và thu nhập ổn định đã là tốt lắm rồi. Thú thật, với tình trạng giá nhà cứ tăng chóng mặt như vậy, không thể mua được một căn nhà ở, bản thân tôi thực sự rất ngại lập gia đình...", anh Tuấn thở dài.

Giống anh Tuấn, để có cơ hội được "nhập cư" ở Hà Nội, cô gái đến từ miền quê tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) - Hà Thanh Trang (31 tuổi) cũng mất tổng cộng 10 năm, từ lúc đi học cho đến lúc ra trường đi làm để tích cóp một khoản tiền tạm gọi là "đủ" để dành cho việc mua nhà. Con đường ở Hà Nội được chị Trang đánh giá là khá thuận lợi: Tiết kiệm được một khoản tiền không phải mất tiền học phí mà còn được hỗ trợ do học ĐH Sư Phạm; có việc ổn định ngay sau khi tốt nghiệp…

Sau khi tốt nghiệp, chị Trang có được công việc ổn định và bắt đầu nghĩ đến việc tìm cách trụ lại Hà Nội. Không có nhiều sự hỗ trợ về kinh tế của gia đình, lựa chọn đầu tiên khi rời ký túc xá trường ĐH Sư Phạm của chị Trang là thuê 1 phòng trọ giá rẻ cách chỗ làm hàng chục cây số, chịu khó ở tầng cao nhất để tiết kiệm hết mức có thể. Có mặt tại nơi đây, chứng kiến cảnh chị Trang và những người ở đây sinh hoạt, chúng tôi không khỏi ái ngại. Căn nhà chị thuê để ở nằm trong ngõ sâu, nhỏ hẹp, không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Các phòng trọ chật hẹp, bí bách rộng chưa đầy 20m2 được dựng san sát nhau, từ lối thoát nạn, ngăn cháy lan, bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa đến trang bị phương tiện chữa cháy… hầu như đều chưa bảo đảm.

Đằng sau

Căn nhà chị Trang thuê để ở nằm trong ngõ sâu, nhỏ hẹp, cách xa nguồn nước, không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Ảnh: Reatimes.

Để tiết kiệm tiền xăng xe đi lại, mỗi sáng chị Trang thường tranh thủ dậy sớm bắt xe bus đi làm, theo chị, việc đi xe bus giúp tiết kiệm 1 khoản lớn chi phí đi lại vì vé tháng xe bus chỉ có khoảng 100 nghìn đồng mà lại được đi lại thoải mái. Đồ ăn cũng được chị Trang chuẩn bị sẵn ở nhà, đóng thành từng hộp để tủ lạnh, ăn mấy ngày liền.

Bên cạnh đó, để có thể chi trả sinh hoạt phí được xem là khá đắt đỏ tại một thành phố lớn như Hà Nội, ngoài việc tiết kiệm chi phí sinh hoạt hết mức có thể, chị Trang nhận thêm nhiều công việc làm ngoài giờ hành chính, kể cả công việc chân tay. Ngoài công việc chính là giảng dạy tại một trường cấp 2 tư thục tại Hà Nội, chị Trang còn đảm nhận thêm việc dạy gia sư và bán hàng online. Hiện tại, chị Trang kiêm thêm công việc bán mỹ phẩm online, mỗi khi có thời gian rảnh, chị đều tự đi ship để tối đa hóa lợi nhuận.

Đằng sau

Chị Trang là thuê 1 phòng trọ giá rẻ cách chỗ làm hàng chục cây số, chịu khó ở tầng cao nhất để tiết kiệm hết mức có thể. Ảnh: Reatimes.

"Cũng biết là không an toàn nhưng ở trọ thì biết làm sao được, đành chấp nhận hên xui. Làm ngày làm đêm mỗi tháng kiếm được khoảng gần 20 triệu. Mua nhà mà không muốn nợ nần thì đành chịu khó sống khổ vậy thôi, chứ thời buổi bây giờ giá cả gì cũng tăng, từ tiền thuê phòng trọ, chi tiêu hằng ngày,... Tốn kém lắm!", chị Trang bộc bạch.

Tháng 1/2024 vừa rồi, sau khi kiểm tra khoản tiết kiệm và ngỏ ý vay mượn thêm từ người thân, bạn bè, chị Trang cầm trong tay số tiền hơn 1,5 tỷ đồng tìm mua căn hộ chung cư tại Hà Nội. Nhưng sau nhiều tháng tìm kiếm, chị vẫn chưa tìm được căn hộ phù hợp với tài chính trong nội thành vì giá chung cư hiện nay đội lên quá cao, kể cả chung cư đã qua sử dụng nhiều năm cũng có giá tới 55 - 60 triệu đồng/m2. Nhận thấy khu vực nội đô giá nhà cao nên chị Trang quyết chuyển hướng qua tìm hiểu một số dự án ven đô để có thể phù hợp với khả năng tài chính. Liên hệ với một nhân viên môi giới, chị Trang cũng khá bất ngờ vì mức giá khởi điểm cũng 40 triệu đồng/m2. Trong khi đó, các dự án này cách trung tâm khá xa, nếu mua nhà ở đây chị sẽ rất vất vả khi di chuyển vào nội đô.

"Tôi không nghĩ rằng giá nhà chung cư hiện nay lại tăng "ác" như vậy. Thôi thì lại đành tiếp tục ở trọ, tiếp tục tích cóp để xem thời gian tới giá nhà có ổn định hơn chút nào không. Lúc đấy sẽ tính chuyện mua nhà tiếp", chị Trang ngán ngẩm.

Tương tự như anh Tuấn, chị Trang hay vợ chồng anh Nghĩa, có nhiều người cũng lựa chọn ở trọ tại những căn phòng nhỏ trong ngõ sâu, tuy không đảm bảo PCCC, tuy còn nhiều hiểm nguy rình rập, nhưng trước tiên nó vừa vặn với kinh tế mà họ có thể chi trả, vừa vặn với những điều kiện sinh hoạt hằng ngày: Thuận tiện đến cơ quan, bệnh viện, trường học,.. cho quỹ thu nhập eo hẹp của mình. Họ là những con người sinh ra từ quê nghèo, lựa chọn lên thành phố học tập, lập nghiệp và họ chiếm phần đa trong thị trường lao động tại Thủ đô phồn hoa này.

Trước tình trạng giá chung cư tăng "chóng mặt" cùng sự thiếu vắng của phân khúc nhà ở vừa túi tiền khiến giấc mơ an cư của những người lao động với mức thu nhập bình dân càng ngày càng xa vời. Rõ ràng, họ không có lựa chọn nào khác ngoài những căn nhà trọ, chung cư mini trong ngõ hẻm, để tiếp tục miệt mài làm việc và tích lũy cho một tương lai an cư nào đó mà chính họ cũng không xác định được như sự biến thiên của giá nhà.

Vụ hỏa hoạn cướp đi 14 sinh mạng ở Trung Kính tuần qua để lại rất nhiều đau xót. Rất nhiều những câu hỏi "tại sao" chưa tìm được lời giải, nhiều những cuộc rà soát, tổng kiểm tra nhà trọ, chung cư mini bắt đầu được tiến hành. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, còn bao nhiêu những người lao động ngoại tỉnh vẫn đang tiếp tục phải tạm bợ trong những ngõ nhỏ, hẻm sâu, trong những căn nhà trọ không lối thoát hiểm để tiếp tục tích lũy cho giấc mơ an cư của mình. Còn giải pháp đảm bảo an toàn cho các ngôi nhà trọ, tăng nguồn cung nhà ở, bình ổn giá nhà và giúp người lao động có thu nhập bình dân tiếp cận dễ dàng hơn với một chốn an cư đúng nghĩa thì vẫn chưa có lời đáp...

Trò chuyện và chứng kiến cuộc sống của những con người "ẩn mình" trong những căn nhà trọ chật hẹp mới cảm nhận hết niềm khát khao của họ về một mái nhà. Đó không chỉ là một ngôi nhà nhỏ kiên cố, an toàn, mà nó còn là nơi để những người lao động đến từ tỉnh lẻ như họ có nơi an cư và bắt đầu "lạc nghiệp". Nhưng trước tình cảnh giá nhà tăng "phi mã" họ buộc lòng phải gác lại giấc mơ, chấp nhận thu mình lại trong những căn trọ "khép kín" tiềm ẩn vô vàn những rủi ro ấy.

Người Việt Nam cần tích lũy bao nhiêu lâu để mua được nhà Hà Nội?

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng từng đưa ra dẫn chứng về sự chênh lệch quá lớn giữa giá nhà và thu nhập của người dân. Cụ thể, một lao động ở độ tuổi 30 trở xuống có mức thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng, trừ khoản sinh hoạt phí ở những đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội thì còn dư khoảng 6 triệu đồng, như vậy cần ít nhất 20 năm mới tích cóp được 1,5 tỷ đồng. Với mức thu nhập 20 - 30 triệu đồng/tháng, muốn mua được một căn hộ 1,5 tỷ đồng cũng phải tích cóp trong 10 - 15 năm.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, riêng về giá cả, hiện nay, giá bất động sản Việt Nam đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân. Người Việt Nam trung bình cần ít nhất 23,5 năm thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia (càng cao, càng đắt) trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc (trong khi thu nhập của chúng ta thấp hơn họ); cao hơn nhiều so với các nước Indonesia (18,5 năm), Singapore (15,5 năm), Ấn Độ (9,2 năm) và Malaysia (8,1 năm).... Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung hạn chế, thiếu trầm trọng nhà ở phù hợp túi tiền và dư thừa ở một số phân khúc khác (đặc biệt là phân khúc cao cấp), chi phí ở các khâu làm dự án đều cao,…

Đón đọc kỳ sau...



Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top