Aa

Đằng sau những vụ thưởng Tết chấn động giới địa ốc

Thứ Ba, 23/01/2018 - 21:32

Thưởng Tết giá trị bạc tỷ bằng xế hộp, căn hộ cao cấp… là điều đặc biệt gần như chỉ xảy ra ở một số doanh nghiệp địa ốc. Tuy nhiên, đằng sau những câu chuyện thu hút dư luận này là nhiều bí mật chỉ người trong cuộc mới biết rõ.

Thưởng từ ô tô đến căn hộ 8 tỷ

Dẫn đầu trong danh sách các doanh nghiệp thưởng khủng phải kể đến Tập đoàn C.T Group. Tết năm 2012, khi thị trường bất động sản vẫn ở giai đoạn khó khăn, Tập đoàn này trở thành tâm điểm chú ý trên thị trường khi công bố mức thưởng khủng bằng căn hộ 8 tỷ đồng và 200 triệu tiền mặt cho 2 quản lý cấp cao. Cùng với đó, 3 nhân viên xuất sắc cũng được tặng căn hộ Beehome trị giá 500 triệu đồng và 50 triệu đồng tiền mặt.

Tiếp đó, năm 2016, C.T Group công bố thưởng Tết hơn 800 triệu đồng/người cho 3 nhân viên xuất sắc, bao gồm 3 chiếc Honda City, tiền mặt và nhiều quà tặng khác. Năm nay, dù chưa đưa ra dự án mới nào nổi bật trên thị trường Tập đoàn này vẫn công bố thưởng Tết cho nhân viên bằng ôtô phiên bản mới, thuộc dòng xe 7 chỗ đa năng.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc chạy đua thưởng Tết bằng căn hộ, ô tô

Nhiều doanh nghiệp địa ốc chạy đua thưởng Tết bằng căn hộ, ô tô

Sau vụ thưởng căn hộ 8 tỷ đình đám của C.T Group năm 2012, phải kể đến Đất Xanh với vụ thưởng Tết bằng căn hộ trị giá 3,13 tỷ đồng, vào năm 2014. Theo công bố, căn hộ này thuộc dự án Morning Star Plaza, được thưởng cho ông Nguyễn Khánh Hưng, Phó Tổng Giám đốc Đất Xanh, thời điểm đó.

Gần đây, cuộc đua thưởng Tết xuất hiện thêm cái tên mới là Cen Group. Được biết đến là nhà đầu tư và cũng là đơn vị môi giới, cuối năm 2016, Cen Group cho biết, công ty thưởng bằng ôtô trị giá trên dưới 1 tỷ đồng cho 11 nhân viên xuất sắc nhất năm. Trả lời báo chí, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng Giám đốc Cen Group cho biết, nếu như năm 2015 chỉ khoảng 4 - 5 trường hợp được thưởng thì năm 2016 có trên 10 người được thưởng nhà, thưởng ôtô.

Coi chừng “thùng rỗng kêu to”

Nhìn lại những vụ thưởng Tết đình đám nhất lịch sử bất động sản, những doanh nghiệp hàng đầu như: Vingroup, Phú Mỹ Hưng, Hưng Thịnh, Sungroup, Him Lam… hầu như không xuất hiện. Điều này khiến thị trường cảnh giác, doanh nghiệp công bố thưởng khủng không đồng nghĩa đó là doanh nghiệp uy tín hay có năng lực tài chính mạnh. Mặt khác, giới bất động sản bắt đầu nghi ngờ về dấu hiệu đánh bóng tên tuổi bằng chiêu trò.

“Đối với khối kinh doanh bất động sản, các công ty thường xét thưởng theo từng quý, để khích lệ tinh thần. Nếu dồn hết vào thưởng cuối năm thì không kịp thời tăng động lực cho nhân viên suốt năm dài. Do vậy, thưởng Tết sẽ không lớn vì đã có các đợt thưởng quý. Những doanh nghiệp uy tín thực sự họ không cần tạo ra thông tin ảo về thưởng Tết để đánh bóng tên tuổi. Nên nếu dựa vào những vụ thưởng Tết chẳng nói lên điều gì về doanh nghiệp đó. Chiêu trò có thể dễ tạo ra, nhưng phải nhìn vào những dự án đã và đang triển khai của doanh nghiệp thì mới đánh giá chính xác”, một chuyên gia địa ốc chia sẻ.

Thực tế, C.T Group nổi tiếng với những vụ thưởng Tết khủng và cũng tai tiếng không kém với những dự án do Tập đoàn này triển khai. Trong đó, Beehome từng một thời là điểm nóng tranh chấp, khách hàng căng băng rôn đòi tiền. Dự án Leman Luxury Apartment cũng chậm tiến độ và dính tranh chấp với nữ ca sĩ Thu Minh.

Theo luật sư Nguyễn Văn Trương, Đoàn luật sư TP.HCM, việc công bố thưởng Tết chỉ là bề ngoài. Thực tế, doanh nghiệp có thể có nhiều ràng buộc đằng sau với người được thưởng mà người ngoài không thể biết. Đơn cử, công bố thưởng ô tô nhưng người được thưởng chỉ được sử dụng và cam kết làm việc 5 năm cho công ty, ô tô do công ty đứng tên chủ sở hữu. Hoặc, thưởng căn hộ nhưng người được nhận phải cam kết làm việc cho công ty 20 năm… Để tạo ra chuyện thưởng bao nhiêu không phải là khó, nên đừng vội tin những doanh nghiệp công bố thưởng khủng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top