Mới đây, Ngân hàng thế giới (World Bank) đã công bố kết quả nghiên cứu về những địa điểm thuận lợi nhất cho công việc kinh doanh, đầu tư. Theo đó, vị trí dẫn đầu không còn thuộc về Singapore nữa mà gọi tên một đất nước nằm ở khu vực Tây Nam Thái Bình Dương, đảo quốc New Zealand.
Để bắt đầu hay thành lập một công ty mới ở xứ sở kiwi, người dân chỉ cần mất nửa ngày duy nhất để hoàn tất các thủ tục cần thiết, khoảng thời gian này là rất ngắn so với con số trung bình 21 ngày trên toàn thế giới. Ngoài ra, khi đánh giá dựa trên các chỉ tiêu: giải quyết giấy phép xây dựng, đăng kí tài sản, tín dụng và các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, quốc đảo này cũng chiếm thế thượng phong.
Theo World Bank, New Zealand đã vươn mình leo lên vị trí dẫn đầu nhờ những sự nới lỏng, cởi mở hơn trong các thủ tục về thuế, giúp doanh nghiệp tại đây có thể nộp thuế một cách dễ dàng và nhanh chóng.
“Có một quy tắc đơn giản mà chính phủ các nước cần phải biết đó là họ nên đối xử với những công dân của họ bằng sự tôn trọng. Điều này sẽ giúp mang lại những lợi ích trực tiếp đối với nền kinh tế trong nước: nhiều doanh nghiệp được thành lập hơn, nhiều cơ hội việc làm mở ra hơn cho phụ nữ, việc tuân thủ các quy định của pháp luật sẽ hiệu quả hơn”, ông Paul Romer, nhà kinh tế trưởng đồng thời là Phó chủ tịch Ngân hàng thế giới, cho biết.
Báo cáo thường niên năm nay của World Bank đã khảo sát và nghiên cứu tại 190 quốc gia trên toàn thế giới và đưa ra kết quả cuối cùng dựa trên việc đánh giá các quy định liên quan đến việc thành lập, hoạt động và mở rộng các doanh nghiệp trong khối tư nhân chẳng hạn như tiếp cận hệ thống điện tử, thực thi hợp đồng, giải quyết phá sản và điều tiết thị trường lao động. Các yếu tố về giới tính lần đầu tiên đã được World Bank đưa vào danh sách các tiêu chí xếp hạng, đó là khả năng người phụ nữ có thể sở hữu, sử dụng và chuyển giao tài sản.
Top 10 nước dẫn đầu trong danh sách mà WB đưa ra lần lượt theo mức độ giảm dần: New Zealand, Singapore, Đan Mạch, Hồng Kông, Hàn Quốc, Na Uy, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Thụy Điển và Macedonia – quốc gia lần đầu tiên góp mặt trong top 10.
Theo đánh giá của World Bank, nhìn chung các nền kinh tế mới nổi đang cho thấy những bước tiến đáng kể trong các cải cách. Có tới 137 trong số 190 quốc gia khảo sát đã thực hiện hoặc thành công trong thực hiện ít nhất một cải cách, đây được xem là con số ấn tượng nhất từ trước tới nay.
Các quốc gia như Brunei (xếp thứ 72), Kazakhstan (35), Kenya (92), Belarus (37), và Indonesia (91) là những quốc gia có những bước cải cách đáng chú ý nhất.
"Xét về mặt khu vực thì các quốc gia tại Châu Âu và Trung Á đang gặt hái được nhiều thành tựu nhất trong việc cải cách thủ tục và quy định pháp lý", World Bank cho biết.