Aa

Đánh cược tính mạng với "chung cư tử thần"

Thứ Tư, 15/02/2017 - 06:01

Hàng loạt các chung cư cũ ở Hà Nội đang trong tình trạng xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng khiến đô thị trở nên nhếch nhác và nguy hiểm rình rập cuộc sống cư dân. Có những chung cư đã thuộc danh sách phải di dời từ tháng 2 năm ngoái nhưng hiện vẫn "án binh bất động".

Theo thống kê Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 1.500 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954.

Hệ thống kỹ thuật nói chung ở các chung cư đều cũ nát, nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp biểu hiện rõ ở tình trạng lún nghiêng, han rỉ cốt thép, nứt vỡ bê tông ở mức độ lớn, điển hình như các khu: Nhà E6 - E7 Quỳnh Mai; nhà A - B Ngọc Khánh; nhà B7 - C1- E6 - E9 – G6A – G6B – G22 Thành Công; các nhà A - B Ngọc Khánh - đường Nguyễn Chí Thanh; A7 Giáp Lục - Tân Mai, B1 Giảng Võ; A1- A2 Giảng Võ…

Đặc biệt, tháng 2/2016, UBND TP. Hà Nội đã công bố công khai kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của 42 chung cư ở 5 quận, huyện. Trong đó có 39 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ C, 1 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ B và 2 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ D - cần phải di dân trong thời gian tới.

Việc cơi nới, xây dựng lấn chiếm đất trống, sân chung, dựng “chuồng cọp",... đã làm tăng gấp đôi mật độ xây dựng so với thiết kế ban đầu, dân cư tăng khoảng 1,5 lần. Trong khi đó, hệ thống kỹ thuật nói chung ở các chung cư đều cũ nát đang khiến bộ mặt đô thị tại đây trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Hàng loạt các chung cư cũ khu Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. 

Được đưa vào sử dụng vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chung cư G6A Thành Công (đơn nguyên 1,2) được đánh giá thuộc nhà nguy hiểm cấp D, cấp độ nguy hiểm cao nhất theo thang tiêu chuẩn an toàn kết cấu công trình. 

Tháng 2/2016, UBND TP. Hà Nội có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND quận Ba Đình bố trí nhà tạm cư và lập phương án di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực này. Tuy nhiên, tới nay (tháng 2/2017), cư dân tại đây vẫn chưa nhận được thông báo cụ thể nào về việc di dời.

Cũng nằm trong danh sách 42 chung cư cũ nguy hiểm, nhà A1, A2 Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) được đánh giá nguy hiểm ở mức độ C.  

Tình trạng xuống cấp, nhếch nhác thể hiện ở tất cả mọi thứ ở chung cư cũ A1 Giảng Võ này. Đặc biệt, nhiều công trình phụ chung cực kỳ xuống cấp, nhiều nhà tự đua ban công làm công trình phụ thải thẳng xuống đường cống chính gây ô nhiễm môi trường...

 Dây điện, hệ thống đường ống nước chằng chịt khắp mọi nơi. Cuộc sống người đây rơi vào tình trạng cùng cực nhiều năm nay. 

 Cách đó không xa, dãy nhà chung cư cũ A, B Ngọc Khánh cũng được đánh giá nguy hiểm ở mức độ C. Chung cư cũ A và B Ngọc Khánh có 3 đơn nguyên nhà lắp ghép tấm lớn cao 5 tầng.

Hành lang, cầu thang chật chội ẩm thấp, "chuồng cọp" đua ra. 

 Trước tình trạng nguy hiểm của công trình, UBND Phường Ngọc Khánh đã ra thông báo, nghiêm cấm các hành vi tự tháo dỡ, cơi nới trái phép... để đảm bảo an toàn. 

Trên địa bàn quận Đống Đa, nhà E4 khu tập thể Đại Học Y Hà Nội là một điển hình "khu ổ chuột" nhếch nhác, xuống cấp... 

 Nhà E4 gồm 4 tầng, mỗi tầng có 15 phòng, diện tích mỗi phòng là 12m2, chiều cao 3,5m. Mọi sinh hoạt ăn, ngủ, nghỉ, chơi của các gia đình đều diễn ra trong 12m2 ọp ẹp này. 

 Trung bình mỗi hộ gia đình có từ 4 - 5 người, có gia đình tới 3 - 4 thế hệ vẫn phải sống chui rúc trong một không gian bức bí. 

Do nhu cầu sinh hoạt tăng cao, những người dân nhà E4 bắt buộc phải cơi nới thêm phần diện tích sử dụng. 

Thực tế cơi nới "chuồng cọp", hệ thống ống thoát nước thải... xấu xí, ô nhiễm tại chung cư này. 

 Nhiều năm nay người dân tại chung cư A7 (phố Nguyễn Chính, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) luôn sống trong sợ hãi vì lo tòa nhà đổ sập bất cứ lúc nào. Cầu thang "chung cư tử thần" này đang phải gia cố thêm khung giàn giáo ở khu vực cầu thang duy nhất của tòa nhà để chống đỡ. 

 Theo người dân ở đây, mỗi một năm trôi qua là chung cư lại nứt nẻ, bong tróc thêm một ít. Những vết nứt lớn chạy dọc từ tầng 1 lên tầng 5 ngày một rộng, tạo thành khe hở lớn. 

Theo bà Hường, một cư dân sống tại nhà A7 này cho biết, khu nhà còn nghiêng hẳn về phía sau khiến phần móng bật vênh lên tách khỏi lan can tầng một tới gần 10cm. Đi bộ lối hành lang là những khối vữa rơi khắp nền nhà, chứng tỏ khu nhà vẫn hàng giờ, hàng ngày bị rạn nứt, xuống cấp.  

 Hiện nay chỉ còn 22 hộ dân cơ bản và một số người thuê trọ với tổng khoảng hơn 200 nhân khẩu sinh sống ở tòa nhà. "Chúng tôi ở đây quanh năm ngày tháng luôn phải sống trong lo sợ, mỗi đêm mưa to là lại thấp thỏm ngủ không yên. Đơn kêu cứu cũng đã gửi đi nhiều nơi, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi và hơn 200 nhân khẩu vẫn đang từng ngày đánh cược với tử thần", ông Nguyễn Quang Gắng,Tổ Trưởng tổ dân phố 15, phường Tân Mai buồn bã nói. 

 Sau hơn 10 năm khởi động, chủ trương cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội vẫn chưa được quá 2%. Điều này đồng nghĩa với việc hàng chục ngàn hộ dân vẫn phải "sống trong sợ hãi" tại những chung cư cũ nát, chờ sập. 

 Tình trạng xuống cấp và nhu cầu nhà ở của người dân sống tại chung cư cũ đang khiến cho bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác. Bức tranh về chung cư ngày càng xấu xí. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top