“Việt Nam sẽ tăng sản lượng điện sản xuất từ những nguồn tái tạo lên gấp ba lần và tăng tỷ lệ số hộ gia đình có các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời lên khoảng 26% vào năm 2030. Điều quan trọng là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada từ ngày 8/6 - 10/6/2018.
Sáng 8/1/2019, tại Hội nghị của ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thêm lần nữa đã nhấn mạnh kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế.
Thủ tướng và Bộ TN&MT đặt ra mục tiêu trong năm 2019 là phải rà soát để hoàn thiện tất cả các quy chuẩn về môi trường tiệm cận với quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực để thiết lập hàng rào kỹ thuật bảo vệ môi trường.
Trên tinh thần đó, vai trò của cơ quan chức năng cần được tăng cường và đặc biệt trách nhiệm và ý thức lớn thuộc về các doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, những thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp gần đây tác động lớn đến môi trường khiến nhiều người không khỏi suy ngẫm.
Chẳng hạn, Hòa Phát là doanh nghiệp đầu tàu cả nước sản xuất khai thác kinh doanh nhóm thép và bổ sung thêm ngành chăn nuôi. Doanh nghiệp này góp phần không nhỏ vào tăng trưởng GDP cả nước với quy mô nhà máy sản xuất lớn bậc nhất.
Thông tin từ CTCP Tập đoàn Hòa Phát cho biết sau 10 tháng, Hòa Phát đã sản xuất và cung cấp cho thị trường hơn 2,18 triệu tấn thép xây dựng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục giữ vững thị phần số 1 cả nước (trên 25%).
Từ đầu năm đến nay, tổng lượng xuất khẩu thép của Hòa Phát đạt 205.800 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ, chiếm 9,3% tổng sản lượng bán hàng.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2019, doanh thu của Hòa Phát đạt gần 15.350 tỷ đồng, tăng 6,6% cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đạt 46.396 tỷ đồng, tăng 10,5%. Lợi nhuận sau thuế quý III/2019 đạt 1.794 tỷ đồng, giảm 25,5% cùng kỳ năm trước do giá vốn hàng bán và chi phí tài chính tăng mạnh vì các khoản vay để xây dựng Hòa Phát Dung Quất. Lũy kế 9 tháng Hòa Phát đạt 5.655 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 17,2% cùng kỳ năm trước.
Một điểm đáng chú ý là mảng nông nghiệp của Hòa Phát kỳ này đạt 1.817 tỷ đồng doanh thu; trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt hơn 1.174 tỷ đồng (tăng 54,8%). Lợi nhuận sau thuế mảng nông nghiệp lãi gần 84 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 68,5 tỷ (tăng 22%).
Các nhà máy sản xuất của Hòa Phát mở rộng các tỉnh miền Bắc và miền Trung, đem lại công ăn việc làm cho hàng trăm, hàng nghìn công nhân tại địa phương đó.
Không những vậy, nhà máy hay xí nghiệp của Hòa Phát góp phần cho kinh tế các địa phương xa xôi của các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Bình… phát triển hơn. Thế nhưng, theo quan sát, Tập đoàn Hòa Phát góp mặt đầu tư vào các dự án nhà máy thép, chăn nuôi gia xúc, gia cầm, nhà máy điện lạnh… đều gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì đó mà đã có rất nhiều người dân ở các địa phương trên sinh sống gần dự án của Hòa Phát luôn trong cảnh khổ sở, khốn đốn vì ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước.
Ngay mới đây, hồi đầu tháng 11, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 2856/QĐ-XPHC, xử phạt hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát Phú Thọ (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) số tiền 442,5 triệu đồng.
Quyết định xử phạt của hành chính của UBND Phú Thọ nêu rõ: “Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, phân gà được thu gom về khu xử lý để chế biến thành phân hữu cơ. Tuy nhiên, Công ty đã chứa phân tại các hồ chứa trong khuân viên, không đúng theo quy trình được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường”.
Không chỉ vậy, Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát còn có hành vi thải chất thải rắn công nghiệp thông thường (phân gà) trái quy định về bảo vệ môi trường từ 60.000kg đến dưới 80.000kg (công ty đã thải ra khối lượng 68.670kg).
Tháng 11 năm ngoái, Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định xử phạt doanh nghiệp này với số tiền 70 triệu đồng về hành vi vi phạm hành chính vì “thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường”.
Đồng thời, UBND huyện Cẩm Khê cũng yêu cầu doanh nghiệp xử lý môi trường theo đúng Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của tỉnh Phú Thọ. Theo tiếp cận của phóng viên, dù bị phạt và các cấp đã có yêu cầu xử lý thực trạng nhưng đến nay, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục vi phạm.
Đáng nói hơn cả, tại tỉnh Hải Dương, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát tại địa bàn xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn hoạt động đêm ngày khiến cho người dân sinh sống xung quanh nhà máy ăn ngủ không ngon bởi khói bụi và tiếng ồn.
Có những thời điểm nhà máy này xả thải khói bụi ra môi trường nhiều khiến cho sân vườn, nhà cửa, vật dụng sinh hoạt của người dân đều bị phủ một lớp bụi màu đen xì.
Người dân đã nhiều lần gửi đơn lên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa khắc phục triệt để.
Tại tỉnh Bắc Giang, Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang, thuộc Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát nằm tại xã Long Sơn, huyện Sơn Động cũng đã có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100m3/ngày (24h) đến dưới 200m3/ngày (24h); xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải đối với thông số COD vượt 2,44 lần.
Tháng 8/2018, công ty này đã bị UBND tỉnh Bắc Giang ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tổng số tiền phạt 312 triệu đồng.
Tiếp đó, ngày 25/4/2019, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp này, số tiền 540 triệu đồng, do hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải và tình tiết tăng nặng là tái phạm hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với doanh nghiệp này; buộc chấm dứt ngay hành vi vi phạm.
Tại tỉnh Quảng Bình, Dự án chăn nuôi bò thịt áp dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình (thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch), đi vào hoạt động từ cuối năm 2016 cũng gây nhiều vấn đề.
Nguồn phân của trang trại mang đi trồng ngô làm thức ăn cho bò, các ruộng ngô lớn nằm xen trong khu dân cư nên trứng và ấu trùng ruồi sản sinh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Cuối tháng 3/2019, UBND huyện Bố Trạch đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với công ty này số tiền 80 triệu đồng vì “tập kết ủ phân không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường”. Quyết định cũng yêu cầu công ty Hòa Phát phải nhanh chóng di dời, thu dọn toàn bộ lượng phân tập kết không đúng nơi quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Tháng 7/2019, UBND tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Điện lạnh Hoà Phát, do doanh nghiệp này đã xả nước thải có thông số môi trường vượt 66% tiêu chuẩn quy định tiếp nhận nước thải của Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp.
Với một đến hai trường hợp nhà máy bị người dân phản hồi do chậm khắc phục sự cố với môi trường thì có thể phần nào thông cảm để doanh nghiệp có điều kiện khắc phục dần. Nhưng với hàng loạt trường hợp kể trên, có lẽ cần đặt dấu hỏi lớn cho Hòa Phát.
Đáng lẽ ra, Hòa Phát cần đi đầu trong công cuộc làm kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường. Bởi phát triển kinh tế đi liền với bảo vệ môi trường thì quốc gia, cũng như doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Nhưng không hiểu lý do vì sao, vì lợi nhuận lớn, do hình phạt quá nhẹ, do sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng hay do ý thức bất chấp pháp luật, mà Hòa Phát lại không thể vì môi trường và người dân?