Aa

Dành không gian biển cho cộng đồng

Thứ Năm, 07/10/2021 - 06:10

Tỉnh Khánh Hòa từng bước thu hồi nhiều diện tích đất, mặt nước biển cho doanh nghiệp thuê để phục vụ công cộng, trả lại không gian ven biển thông thoáng.

Nha Trang là thành phố biển, điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, một thời gian dài đã tồn tại nhiều dự án ở khu vực phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng, che chắn tầm nhìn ra biển của người dân, du khách.

Che chắn tầm nhìn

Tại phía Đông đường ven biển Trần Phú, Khu du lịch Ana Mandara là công trình lớn nhất. Đây là khu resort được xây dựng từ năm 1995, với diện tích 26.000m2, che chắn chiều dài khoảng 400m của bờ biển Nha Trang. Bên cạnh đó là hàng loạt nhà hàng, quán bar như Sailing Club, Louisiane, Four Season… Người dân địa phương cho biết, trước đây phía Đông đường Trần Phú rất thoáng, với dải công viên cây xanh chạy dọc bờ biển. Người dân và du khách đạp xe hay dạo bộ dọc tuyến đường này đều có thể phóng tầm mắt ngắm biển. Qua thời gian, hàng loạt công trình mọc lên đã phá vỡ cảnh quan thiên nhiên ban tặng. Trong một lần trả lời báo chí, nhà thơ Giang Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, chua chát nói: “Đây là những công trình ngăn cách người dân với biển”.

Không chỉ che chắn tầm nhìn ra biển, vào khoảng năm 2014 - 2015, một số nhà hàng, resort còn “cát cứ” bãi biển Nha Trang theo kiểu giăng dây, cắm cờ, thậm chí dựng cả chòi, cọc rào nhằm ngăn cản người dân đi vào một khu vực bãi biển và chỉ muốn phục vụ cho khách của mình. Cách hành xử này khiến người dân và dư luận bức xúc, sau đó chính quyền và cơ quan chức năng vào cuộc xử lý và kiểu “cát cứ” như trên mới được dẹp bỏ.

Khu resort Ana Mandara “bít” hàng trăm mét tầm nhìn của bờ biển Nha Trang

Ở khu vực ven biển, người dân Nha Trang còn biết đến dự án Công viên Phù Đổng. Dự án này có diện tích rộng gần 24.000m2, được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Invest Park Nha Trang thực hiện từ năm 2012. Chủ đầu tư được giao 21.772m2 đất không thu tiền sử dụng đất để xây dựng các công trình trên mặt đất, gồm: Công viên cây xanh, đường sử dụng chung và nhà vệ sinh công cộng... Phần còn lại, tỉnh giao cho doanh nghiệp theo hình thức thuê, trả tiền thuê đất hàng năm, để xây dựng nhà hàng, hồ bơi. Tuy nhiên, một thời gian dài, công ty chưa xây dựng hoàn thiện công viên theo thiết kế được phê duyệt. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, dự án gần như ngừng hoạt động, công viên trở nên nhếch nhác, ô nhiễm…

Không chỉ ở phía Đông đường Trần Phú, năm 2014, dự án “khủng” mang tên Nha Trang Sao được khởi công bên bờ biển đường Phạm Văn Đồng, dấy lên lo ngại về sự xuất hiện thêm những công trình ngăn cách người dân với biển. Dự án này có tổng diện tích 103.568m2 (trong đó có 44.152m2 mặt đất và 59.416m2 mặt nước), vốn đầu tư 33 triệu USD, với nhiều hạng mục như: Công viên, quảng trường, khối nhà nghỉ, các công trình phục vụ vui chơi giải trí... Tuy nhiên, suốt nhiều năm, Nha Trang Sao vẫn là bãi đất trống. Và đến năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi đất dự án này.

Công viên Phù Đổng bên bờ biển Nha Trang nhếch nhác
Công viên Phù Đổng bên bờ biển Nha Trang nhếch nhác. Tỉnh Khánh Hòa thu hồi phần lớn diện tích dự án này, giao UBND TP. Nha Trang quản lý, để phục vụ người dân và du khách

Mở rộng không gian phục vụ cộng đồng

Thời gian gần đây, tỉnh Khánh Hòa quyết tâm trong việc tạo không gian thông thoáng ven bờ biển Nha Trang. Tỉnh đang lần lượt thu hồi nhiều diện tích đất, mặt nước tại các dự án ven bờ biển Nha Trang, qua đó trả lại không gian bên bờ biển cho tất cả người dân thụ hưởng.

Ngày 24/3/2021, lực lượng chức năng TP. Nha Trang đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với dự án Công viên văn hóa giải trí thể thao Nha Trang Sao. Mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát thủ tục thu hồi 21.772m2 đất tại dự án Công viên Phù Đổng để bàn giao cho UBND TP. Nha Trang quản lý, đầu tư hoàn thiện công viên phục vụ cộng đồng dân cư và khách du lịch.

Dự án Nha Trang Sao đã bị cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa tiến hành cưỡng chế thu hồi đất.
Dự án Nha Trang Sao đã bị cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa tiến hành cưỡng chế thu hồi đất. Phần đất thu hồi sẽ được quy hoạch để làm công viên, phục vụ mục đích công cộng, giải trí cho người dân và du khách

Được biết, hiện nay, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đang triển khai lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040. Quá trình thực hiện, Sở đã phối hợp với đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, đánh giá khu vực dự án Nha Trang Sao cùng với các nội dung định hướng liên quan để nghiên cứu, đề xuất khu vực này theo hướng công viên ven biển gắn với đường dạo, quảng trường, sân chơi ven mặt nước và các công trình dịch vụ có không gian mở, khớp nối hài hòa với khu vực xung quanh. Đối với khu vực Công viên Phù Đổng, Sở kiến nghị UBND tỉnh giao cho UBND TP. Nha Trang nghiên cứu hoàn thiện công viên công cộng đúng nghĩa, phát huy giá trị khu đất và góp phần nâng cao vẻ đẹp của đường Trần Phú.

Riêng đối với Khu du lịch Ana Mandara, hồi cuối năm 2020, UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định thu hồi 10.000m2 mặt nước biển vịnh Nha Trang, từng cho Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa thuê phục vụ khách tại khu resort này. Để di dời, giải tỏa khu du lịch trên, hiện nay, UBND tỉnh cũng đã giao đất cho chủ đầu tư tại khu Bãi Dài (Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh) để xây dựng dự án mới. Khi hoàn thành giai đoạn 1 dự án Ana Mandara Cam Ranh (dự kiến cuối năm 2021), khu resort Ana Mandara ở Nha Trang sẽ thực hiện di dời.

Người dân mong muốn giữ được những không gian công cộng bên bờ biển Nha Trang

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa, cho biết: “Bãi biển Nha Trang rất đẹp nhưng có đặc điểm là hẹp, nếu đầu tư các công trình dọc công viên bờ biển thì dễ phá vỡ cảnh quan. Việc tỉnh thu hồi diện tích đất, mặt nước phục vụ công cộng thì người dân đều rất ủng hộ. Tôi đồng tình là cần có các dịch vụ, quầy giải khát dọc bờ biển để phục vụ người dân và du khách vui chơi, tắm biển, nhưng phải nhẹ nhàng, thông thoáng”.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, về mặt nguyên tắc, bờ biển Nha Trang phải thông thoáng, phục vụ tối đa cho cộng đồng. Tuy nhiên, cũng cần các loại hình hình dịch vụ du lịch để phục vụ nhu cầu của nhân dân khi vui chơi, tắm biển và tạo ra những điểm nhấn, để có sự tương tác giữa khách du lịch với cộng đồng dân cư. Các điểm dịch vụ bên bờ biển phục vụ cộng đồng phải theo hướng “mở”, người dân và du khách tự do đi lại, có các lối mở dẫn xuống biển. Đối với resort, nhà hàng hiện hữu, sau khi di dời sẽ điều chỉnh thành quần thể các hội quán dịch vụ phục vụ cho các hoạt động trong công viên theo cấu trúc mở, đan xen trong không gian công viên, không thành cụm công trình đóng kín như hiện nay. Mục đích là nhằm phát huy được giá trị tổng thể của toàn khu vực ven biển, phục vụ cộng đồng được nhiều hơn”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top