Aa

Danh tính 2 nhà đầu tư đạt đánh giá sơ bộ thực hiện khu dân cư trăm tỷ tại Bắc Giang

Thứ Bảy, 17/08/2024 - 11:37

CTCP Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh (HCMCC) và CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên (Hưng Yên Group) là hai nhà đầu tư cùng đạt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm khi đăng ký thực hiện dự án Dự án Khu dân cư phía Tây Nam thị trấn Nếnh với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.

Vào hồi tháng 3 đầu năm nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang đã thông báo mời các nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án Khu dân cư phía Tây Nam thị trấn Nếnh (thuộc quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên), tỉnh Bắc Giang với tổng chi phí thực hiện 244,382 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 6 tỷ đồng.

Đến nay, dự án này đã có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện, gồm CTCP Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh (HCMCC) và CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên (Hưng Yên Group). Theo kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án Khu dân cư phía Tây Nam thị trấn Nếnh, 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện đều đạt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm.

Với việc có 2 nhà đầu tư đạt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, Dự án được UBND tỉnh Bắc Giang quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện. 

Được biết, dự án khu dân cư Tây Nam thị trấn Nếnh có tổng chi phí thực hiện 244,382 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 6 tỷ đồng. Thời gian sử dụng dự án là 50 năm kể từ ngày chấp thuận nhà đầu tư.

Theo quy hoạch, dự án khu dân cư Tây Nam thị trấn Nếnh có diện tích khoảng gần 3ha. Dự án sẽ đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật trên phần diện tích gần 2ha. Diện tích hơn 1ha còn lại dành cho khu nhà ở, dân cư; xây thô khoảng 108 căn nhà, cao 5 tầng, với mật độ xây dựng 80 – 100%. Gồm tại các ô đất LK.1 (47 căn trên diện tích 0,43ha), LK.2 (35 căn trên 0.34 ha), LK.3 (26 căn trên 0 28ha). Dự án được thực hiện trong vòng 36 tháng, kể từ ngày nhà đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận để hoàn thành các thủ tục về đất đai, xây dựng công trình, hoàn công và nghiệm thu.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án phải có khoản vốn chủ sở hữu tối thiểu 50 tỷ đồng, cùng kinh nghiệm thực hiện 1 dự án trong lĩnh vực khu đô thị, nhà ở thương mại dưới vai trò góp vốn hoặc nhà thầu chính. Nếu dự án trước nhà đầu tư tham gia với vai trò góp vốn, thì yêu cầu tổng mức đầu tư tối thiểu 150 tỷ đồng và đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vòng 7 năm trở lại. Trong đó, nhà đầu tư phải góp tối thiểu 30 tỷ đồng. Còn trường hợp nhà đầu tư từng tham gia làm nhà thầu chính xây lắp, thì dự án chỉ yêu cầu giá trị tối thiểu 94,8 tỷ đồng và được hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vòng 5 năm trở lại.

Tiềm lực hai nhà đầu tư "so găng" tại dự án khu dân cư trăm tỷ đồng ở Bắc Giang

Được biết, CTCP Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh (HCMCC) tiền thân là Công trường xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tên gọi ban đầu là Công trường xây dựng 75808. Năm 1977, Công ty được đổi tên thành Công ty xây dựng số 3 trực thuộc Bộ Xây dựng. Năm 1985, Công ty được Nhà Nước và Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ thi công công trình Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, được đổi tên thành Công ty xây dựng Viện bảo tàng Hồ Chí Minh trực thuộc Tổng Công ty xây dựng Hà Nội. Năm 1993, đổi tên thành Công ty xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Năm 2005, đổi tên thành Công ty cổ phần xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh (cho đến nay). Năm 2018, Công ty này đã thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu Nhà nước.

Về cơ cấu cổ đông, tính đến cuối năm 2023, Công ty có có 3 cổ đông lớn là Phạm Minh Đức (21,15%), Nguyễn Văn Hiền (7,23%) và Nguyễn Minh Hải (4,81%).

Doanh nghiệp có địa chỉ tại 381 Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, thay đổi lần thứ 14 vào ngày 13/3/2024 vừa qua, vốn điều lệ của công ty là 109,19 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Phạm Minh Đức (SN 1976) kiêm Chủ tịch HĐQT.

CTCP Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh là chủ đầu tư mạnh về hoạt động xây lắp, đóng góp 86% doanh thu trong năm 2022. Một số công trình, dự án được HMS thực hiện trước đây có thể kể đến Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viện bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội trường Ba Đình, Nhà Quốc hội (Hội trường Ba Đình mới), trụ sở EVN tại phố Cửa Bắc, khu công nghiệp của Samsung tại Thái Nguyên,…

Hồi đầu năm 2023, HMS cũng xác nhận là chủ đầu tư, thực hiện xây lắp dự án khu nhà ở xã hội số 1 tại khu đô thị và nhà ở xã hội Vân Trung, huyện Việt Yên. Dự kiến từ tháng 6/2024, Khu nhà ở xã hội quy mô hơn 3.000 tỷ đồng, trên diện tích đát 5,6ha sẽ triển khai xây dựng. Cũng tại huyện Kim Động và Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, HMS đang triển khai thực hiện dự án cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão – Nghĩa Dân trên diện tích 75ha, vốn 915 tỷ đồng.

Về phía nhà thầu còn lại, CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên là thành viên của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT. Thành lập đầu năm 2021, CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng. Trong đó, KBC góp vốn 60% vốn, còn 30% vốn đến từ CTCP Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn (SaigonTel, HoSE: SGT), cũng là công ty liên kết do KBC nắm 21,48% cổ phần), 10% còn lại của CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (cũng là công ty con, do KBC nắm 89,26%). 

Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 2/2021, có trụ sở đặt tại 537 đường Nguyễn Văn Linh, phường Lê Lợi, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Vốn điều lệ của công ty là 1.800 tỷ đồng. Trong đó, Kinh Bắc góp 1.080 tỷ đồng, tương ứng góp 60% vốn, công ty con của Kinh Bắc là CTCP khu công nghiệp Sài Gòn Hải Phòng góp 10% vốn, tương ứng với 180 tỷ đồng.

Đến tháng 5/2021, HĐQT KBC đã thông qua việc vay vốn CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên số tiền 1.080 tỷ đồng, được đảm bảo bằng tín chấp. Khoản vay giải ngân nhiều lần tương ứng với từng hợp đồng vay vốn cụ thể.

Thời hạn khoản vay tối đa hai năm, có thể được tất toán trước hạn, đúng hạn hoặc gia hạn bằng văn bản. Lãi suất cho vay theo thoả thuận từng hợp đồng vay, tiền lãi thanh toán một lần khi hoàn tất các khoản vay.

Kinh Bắc cho biết số tiền vay vốn được sử dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Số tiền 1.080 tỷ đồng vay vốn lần này bằng vốn góp của Kinh Bắc tại CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên.

Ngoài Bắc Giang, Đô thị Kinh Bắc chính là đơn vị có nhiều dấu ấn tại Hưng Yên. Cuối năm 2023, Hưng Yên Group - nơi ông Đặng Thành Tâm làm Giám đốc - đã nhận quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa cho 2 cụm công nghiệp Đặng Lễ và Kim Động, với tổng diện tích 134ha. Hai dự án cụm công nghiệp này nằm trong tổng thể quy hoạch tổ hợp khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Kim Động – Ân Thi quy mô 825ha. Tổ hợp gồm có 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích 375ha liền kề nhau, 1 khu công nghiệp 400ha và 1 khu đô thị 50 ha nằm tại hai huyện Kim Động và Ân Thi.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top