Aa

Đạo hiếu và ngày tết

Thứ Bảy, 12/01/2019 - 06:00

Trong tâm thức người Việt, tết không đơn thuần là dịp nghỉ ngơi và tổ chức những lễ hội. Tết cũng không đơn thuần là dịp để ăn mừng và gặp gỡ, để chúc nhau những điều tốt lành và chào đón một năm mới. Tết của người Việt mang ý nghĩa thiêng liêng. Đó chính là dịp để chúng ta được trở về; được nhắc nhớ sống trọn lành với bổn phận của mình.

Tứ thời xuân tại thủ

Bách hạnh hiếu vi tiên

Mùa xuân là mùa của muôn hoa, của chồi non lộc biếc. Mùa xuân là mùa của sự khởi đầu. Nhân gian ta thường có câu: Tứ thời xuân tại thủ (Bốn mùa, mùa xuân đứng đầu) là vì vậy. Người Việt chúng ta chào đón và gửi gắm những tinh hoa trong nét đẹp văn hóa của dân tộc mình cũng chính vào thời khắc ấy, thời khắc mà chúng ta gọi một cách đầy giản dị là “tết”.

Trong tâm thức người Việt, tết không đơn thuần là dịp nghỉ ngơi và tổ chức những lễ hội. Tết cũng không đơn thuần là dịp để ăn mừng và gặp gỡ, để chúc nhau những điều tốt lành và chào đón một năm mới. Tết của người Việt mang ý nghĩa thiêng liêng. Đó chính là dịp để chúng ta được trở về; được nhắc nhớ sống trọn lành với bổn phận của mình. Bởi, “tứ thời xuân tại thủ”, thì “Bách hạnh, hiếu vi tiên” (Trăm hạnh, hiếu là trên hết). Chính vì vậy, khác với các dân tộc khác, chúng ta đón tết bằng lễ.

Có thể hiểu, lễ là một thái độ ứng xử từ nhận thức chân thành và tôn trọng. Thái độ đó được đặt trên nền tảng của lòng biết ơn. Lễ tết là cụm từ đầy đủ nhất để nói lên văn hóa Việt trong ngày tết.

Trong quan niệm người Việt, “nhà” không chỉ là nơi có con cháu (người đang sống) ở, mà còn là nơi Tổ tiên (người đã khuất) ngự (ở). Nên ngày xuân đến, trồng một cụm hoa, làm một món bánh, sắp một đĩa quả, cắm một cành đào hay thắp một nén hương, nếu trong nhà ngoài ngõ được trang hoàng đẹp đẽ thì nơi ban thờ gia tiên càng được chăm chút tỉ mỉ cẩn thận, tất cả là sự giao thoa, quyện chặt giữa hai cõi âm dương, hiên tại với quá khứ. Đó chính là tấm lòng của người con Việt có nếp sống hiếu đạo đã trở thành nguồn mạch tâm thức qua hơn 5000 năm lịch sử.

Tết là biểu tượng của sum vầy, của sự trở về đoàn tụ. Tết của người Việt thiêng liêng là bởi yếu tố nguồn cội tâm linh của tổ tiên hòa quyện với giá trị sum vầy đoàn tụ gia đình.

Ngày tết, người ta nao nức, mừng vui chờ đón sự trở về của những người con xa. Đoàn viên, sum họp là sự trở về với nơi “chôn rau cắt rốn”, với những người thân, với cội nguồn của mình để được hòa trong tình gia đình, họ mạc, tình làng xóm, tình quê hương. Sự trở về và đoàn viên ấy chính là nhu yếu muốn được sống trong yêu thương mà cũng là nhu yếu muốn được thể hiện lòng hiếu của người con Việt. Ly hương – bất ly tổ là tiếng vọng ngàn đời của cha ông nhắc nhớ. Cây có cội, nước có nguồn. Quê hương có thể xa nhưng tổ tiên luôn có mặt trong từng tế bào, trong huyết quản mỗi người con Việt. Mỗi dịp tết đến, tiếng vọng ấy lại được biểu hiện và đáp lại bằng những mong mỏi trở về, bằng sự náo nức đoàn viên và niềm vui hội ngộ sum vầy.

Tết có tục khai bút xin chữ

Tết có tục khai bút xin chữ (ảnh Internet)

Tết, lễ tết hay ăn tết chính là đề cao giá trị của sự sum họp và tri ân. Tết cũng là thời khắc mà đạo hiếu trong quan niệm văn hóa Việt được biểu lộ một cách đầy đủ và chân thực nhất..

“Mùng 1 tết cha – mùng 2 tết mẹ - mùng 3 tết thầy” là câu thành ngữ quen thuộc của cha ông nhắc nhở con cháu giữ trọn hiếu đạo mỗi dịp tết đến, xuân về. Ngày đầu của năm mới, cả nhà đoàn tụ, cùng về trước từ đường họ nội để thắp nén hương cúng gia tiên, thắp lên nén hương để tỏ lòng thương kính, để tạ ơn, để mời tổ tiên về ăn tết và phù hộ, che chở cho con cháu. Nén hương chính là gạch nối mà đồng thời cũng là tấm gương soi vào hiếu tâm của người Việt trước tổ tiên, giống nòi để nguyện sống tốt lành hơn, xứng đáng và không thẹn lòng mỗi dịp trở về.

Sau đó, mọi người cùng viếng thăm từng nhà họ hàng để chúc tụng những lời chúc đẹp lành nhất. Đến ngày mùng 2 tết, cả nhà lại về họ ngoại. Mùng 3 tết là dịp để tri ân thầy cô.

Tết có tục xông đất, hái lộc và đi lễ chùa trẩy hội, thăm hỏi mừng tuổi;

Tết có tục khai bút xin chữ và tục đưa tiễn ông táo, dựng cây nêu trước ngõ;

Bao nhiêu tục lệ là bấy nhiêu nét đẹp văn hóa của đời sống dân tộc và thiên nhiên phô diễn hết trong dịp tết về xoay quanh cái cốt tủy của lễ hướng về nguồn cội, nâng cao giá trị sum họp đầm ấm giao hòa của một đất nước lấy hiếu làm đầu.

Hiếu chính thái độ sống và cách hành xử giữa người với người trong phạm vi gia đình; người với người trong phạm vi họ tộc; người với người trong phạm vi làng xã và trong xã hội.

Trong gia đình, khi hành xử với cha mẹ mà có tình thương và sự kính trọng để biết hết lòng “Thờ cha, kính mẹ” gọi là hiếu thảo.

Với xóm làng người Việt, nhiều gia đình có họ hàng gần hoặc xa sinh sống cùng trong làng ngoài xã. Trong mối tương quan họ mạc người Việt, cùng họ, cùng cụ tổ khai canh lập ấp nhiều đời cũng là trong họ tộc. Cho nên, người Việt xem nhau như anh em trong một gia đình lớn. Và tình hiếu nghĩa với xóm làng cũng được hình thành.

Đau đáu với cội nguồn, với dòng tộc, ảnh hưởng từ nếp sống liên hệ bằng nghĩa tình: “Bán anh em xa mua xóm giềng gần”, từ ngày giỗ, ngày tảo mộ, ngày hội làng, ngày ra chùa, ra đình, v.v.., người Việt trong cộng đồng dân cư luôn vui câu ca tiếng hát.

Tinh thần hiếu trung cũng được thắp sáng từ nếp sống nghĩa tình đó. Bởi vậy, người Việt luôn sẵn sàng hy sinh vì non sông xã tắc.

Và dịp tết, tất cả những người xung quanh, từ thân đến sơ, ai nấy gặp đều mỉm cười chào nhau bằng lời chúc năm mới tốt lành. Người người muốn làm việc thiện, phóng sinh, bố thí, v.v.. Đó chính là vì lòng hiếu với nhân sinh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top