Đạt đến, giữ được và không ngừng tử tế

Đạt đến, giữ được và không ngừng tử tế

Thứ Bảy, 13/02/2021 - 06:00

Không sợ thất bại, dám dân thân, dám chấp nhận sống khác, dám dỡ ra làm lại, không ngừng sáng tạo ngày ngày… là những phẩm chất hàng đầu thuộc về bản lĩnh mà một doanh nhân nhất định phải có. Nhưng đạt đến sự tử tế, giữ được sự tử tế, không ngừng tạo ra sự tử tế, mới thực sự là bản lĩnh lớn nhất.

Khi chàng trai chưa đầy 20 tuổi Bill Gates bỏ dở đại học, mơ làm doanh nhân, thản nhiên tuyên bố năm 30 tuổi sẽ là triệu phú, một tuyên bố mà rồi chúng ta được biết hóa ra vô cùng khiêm tốn và cẩn trọng, không biết trong đầu ông khi ấy nghĩ gì? Đó là cả một sự tò mò đáng giá và chắc chắn là câu chuyện hấp dẫn thuộc loại hàng đầu.

Khi ông già “Gà rán” KFC quyết định khởi nghiệp vào lúc ông đã sang tuổi nghỉ hưu và với hầu hết chúng ta thì ý tưởng hay nhất là về vui thú điền viên, không biết ông có cảm thấy mình bị điên rồ không, bởi đa số chúng ta sẽ nghĩ thế về ông?

Vào năm Nguyễn Trần Bạt từ bỏ con đường công chức, quan chức ở Bộ Giao thông Vận tải, để nuôi giấc mơ thành doanh nhân, chắc chắn không ít người thấy tiếc cho ông, thấy hành động của ông là dại dột, không thức thời. Thậm chí quá mạo hiểm, so với thời cuộc lúc bấy giờ. Sự thất bại rập rình ngay từ trong ý tưởng. Nhưng ông ngoan cố hơn mọi người nghĩ khi quyết định chọn con đường may ít rủi nhiều mà ông tin là nó cần thiết và đúng đắn. Thế là mặc cho mọi người cắm mặt với các lý thuyết kinh tế đã quá bị phá sản trên thực tế, ông nhìn thấy một sự thay đổi tất yếu nhờ nghiên cứu con đường phát triển của các quốc gia, nên âm thầm tìm đến những lý thuyết còn bị dị nghị. Kết quả, chỉ vài năm sau, từ hai bàn tay trắng, ông thành triệu phú đô la, trở thành người dẫn đầu trong dịch vụ tư vấn đầu tư, kinh doanh và chuyển giao công nghệ, một nghề hoàn toàn xa lạ với phần đông ở nước ta lúc ấy. 

Tỷ phú Bill Gates (Ảnh sưu tầm)

Nhìn khối tài sản khổng lồ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, một người sinh năm 1968 ở vùng quê nghèo thuộc loại nhất nước và những dự án khổng lồ ông đang hướng tới, nói thật, trí tưởng tượng của tôi bỗng thành ra vớ vẩn. Câu hỏi làm thế nào mà ông ta có được điều đó, sẽ còn cứ mãi là câu hỏi không bao giờ có câu trả lời với riêng tôi, giống như câu hỏi làm thế nào để trèo lên được trời! Chắc chắn trí tưởng tượng của tôi, rõ ràng là không đến nỗi nào, cũng mãi mãi không thể vươn xa hơn thứ mà Phạm Nhật Vượng đạt tới.

Bạn có suy nghĩ gì không, chứ tôi thì không chỉ suy nghĩ, mà còn ngày ngày ngạc nhiên!

Đơn giản bởi bạn hay tôi, chắc chắn chúng ta đều có chút máu làm ông chủ, đều muốn giàu có, đều khát khao thành công về tiền bạc (trừ khi chúng ta vờ vịt quay mặt đi hoặc không còn muốn sống trên thế gian tươi đẹp này), vì thế chúng ta làm sao lại không ngạc nhiên cho được?

Ngay cả bố tôi, một nông dân chính hiệu, lại sinh ra và sống ở một nơi khá hẻo lánh về mặt văn minh, nhưng từ khi còn là thanh niên, ông đã nuôi chí hướng ra Hà Nội làm doanh nhân. Ông dự định ban đầu sẽ mở một cửa hiệu giặt là nhỏ, rồi tùy cơ tùy duyên, tùy thời thế mà mở rộng ra. Hà Nội trong quan sát của bố tôi đang thay đổi, đang Âu hóa từng ngày, nhất định nhu cầu dịch vụ giặt là sẽ rất lớn. Ông đã nhận định chính xác, như thực tế sau này cho thấy. Tiếc thay thời thế không ủng hộ bố tôi, khiến cuối cùng ông lại nguyên xi là nông dân. Nhưng giấc mơ làm doanh nhân thì bám theo ông dai dẳng cho đến tận lúc xuống mồ.

Bảy mươi năm trước còn thế, nữa là bây giờ? 

Xét cho cùng, ham muốn giàu có, ham muốn làm ông chủ là bản năng sinh tồn lành mạnh, thuận tự nhiên, thúc đẩy sự phát triển và quy định nên đặc trưng dễ nhận ra nhất phân biệt con người với những động vật cao cấp. Nhưng sở dĩ cả tôi và bạn (nằm trong số đông hàng triệu người), dù biết rất rõ điều đó, ý thức đầy đủ về cái quyền đó, lại không đến nỗi nào về trí tuệ, vì sao rốt cuộc vẫn đành chấp nhận đi làm thuê cho nó lành.

Chỉ đơn giản bởi phần nhiều chúng ta SỢ THẤT BẠI. 

Nó, chứ chẳng phải cái gì khác, thường được tùy ý bịa ra khi cần bao biện cho hành động thoái lui, là căn nguyên chính khiến doanh nhân thời nào và ở đâu cũng thuộc về số ít, luôn quan trọng với mọi quốc gia, luôn xứng đáng được cả xã hội ngưỡng mộ. 

Sợ thất bại là một ngáng trở tâm lý kinh hoàng nhất, phổ biến nhất, con người nhất mà mỗi chúng ta đều rất khó vượt qua để từ một người bình thường, trở thành một doanh nhân (lĩnh vực khác như chính trị, nghệ thuật… không bàn ở đây), chứ chưa vội nói đến doanh nhân thành đạt, doanh nhân lớn.

Về mặt triết học, sợ thất bại phản ánh sự yếm thế mang tính nguyên thủy và tông truyền: Con người ý thức được sự nhỏ bé, yếu ớt của mình trước tự nhiên, trước những điều chưa và không thể đoán định. Riêng trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, sợ thất bại thể hiện rõ nhất ở việc cầu an, bằng lòng một cách dễ dãi với bản thân, thích đi con đường quen thuộc và sẵn sàng bỏ cuộc. Đã sợ thất bại thì cũng sợ luôn trách nhiệm với người khác (chẳng hạn việc phải lo cơm áo, đảm bảo đời sống, an sinh ngày một tốt hơn cho hàng trăm, hàng ngàn người), sợ sự phá cách nhiều khi cũng chính là sợ sáng tạo, sợ những ý tưởng lạ, sợ sự độc đáo, sợ bị dè bỉu bởi thiên hạ.

Ông Phạm Nhật Vượng - Tỷ phú Việt Nam được Forbes xướng tên là nhà từ thiện hào phóng nhất châu Á

Có cả ngàn nỗi sợ, khiến mơ ước làm doanh nhân thì bất cứ ai cũng có thể, cũng ngầm nuôi dưỡng, nhưng làm được doanh nhân thì, như thực tế cho thấy, đa số là không thể. 

Làm được doanh nhân, không những phải vượt qua nỗi sợ thất bại, mà còn phải ngày ngày đối mặt với vô vàn yếu tố dẫn đến thất bại. Chẳng hạn, không thể phát triển, thậm chí không thể tồn tại nếu thiếu sáng tạo. Nhưng sự sáng tạo nào cũng có nguy cơ san bằng mọi thành quả mà bạn phải mất nhiều công sức để gây dựng, nếu bạn thiếu kiên nhẫn. Cũng như vậy, sự thay đổi là biện chứng của tự nhiên. Nhưng trong kinh doanh, sự thay đổi nhiều phen khiến phải trả giá đắt ngoài khả năng chịu đựng tức thời của bạn.

Chính vì điều đó mà khi đã là doanh nhân, khi đã thuộc số ít (thực ra là rất ít) vượt qua muôn trùng gian khó để thành công, bạn không những rất đáng tự hào với bản thân, mà còn phải luôn ý thức về tầm vóc và vai trò của mình với xã hội, để từ đó đưa ra những hành xử phù hợp.

Thực tế cho thấy (và đây là điều căn cốt nhất tôi muốn nói ở bài viết này): Không sợ thất bại, dám dân thân, dám chấp nhận sống khác, dám dỡ ra làm lại, không ngừng sáng tạo ngày ngày… là những phẩm chất hàng đầu thuộc về bản lĩnh mà một doanh nhân nhất định phải có. Nhưng đạt đến sự tử tế, giữ được sự tử tế, không ngừng tạo ra sự tử tế, mới thực sự là bản lĩnh lớn nhất, đồng thời là chỉ số quyết định thành công (hay thất bại) của một doanh nhân, dù anh ta ở tầm cỡ nào về mặt tiền bạc.

02/13/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top