Nhà đầu tư mắc cạn, chết chìm hay vỡ nợ…là những cụm từ xuất hiện dày đặc trên nhiều mặt báo sau mỗi cơn sốt đất. Những cụm từ này phản ánh tình trạng của rất nhiều người lao vào ôm đất đầu cơ trong cơn sốt với hi vọng kiếm lời nhanh chóng. Tuy nhiên, khi cuộc chơi hạ nhiệt, cứ 100 người sẽ có đến 80 người thất bại.
Trước khi có cơn sốt đất ăn theo thông tin xin đề xuất nghiên cứu dự án sân bay Téc Ních ở huyện Hớn Quản, Bình Phước. Đất đai ở đây chủ yếu là đất nông nghiệp được người dân dùng để trồng cao su, tiêu, điều và một số cây hàng năm.
Dù được đánh giá có tiềm năng để phát triển các khu công nghiệp, tuy nhiên Hớn Quản vẫn là nơi có cư dân thưa thớt, hạ tầng giao thông kết nối nhiều khu vực còn chưa được đầu tư. Đặc biệt, địa phương này không có quá nhiều tiện ích hay một thế mạnh cụ thể nào để phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.
Tại khu vực được đề xuất quy hoạch sân bay, giá đất trước khi sốt chỉ từ 70 – 100 triệu đồng mỗi mét ngang. Nhưng người dân cũng chỉ biết có vài giao dịch được thực hiện mỗi năm, chủ yếu phục vụ nhu cầu mua để ở của người địa phương.
Tuy nhiên khi cơn sốt đất ảo diễn ra, giá đất được nhóm đầu cơ tung tin đội lên gấp nhiều lần. Đất mặt tiền đường từ 100 triệu đồng mét ngang đã nhảy lên 400 – 500 triệu đồng chỉ trong vài ngày. Đất ở các tuyến đường phía trong cũng được lùng mua ráo riết.
“Ai cũng biết là sốt ảo. Nhưng sốt đất cũng giống như chơi bài bạc. Người có nhiều tiền, nhiều kỹ năng sẽ bày cuộc chơi để mời gọi những ai máu me, muốn kiếm tiền nhanh chóng rồi sẽ bị lột sạch túi”, anh Tuấn một nhà đầu tư chia sẻ.
Cũng theo nhà đầu tư này, hiện nay ở Hớn Quản có không biết bao nhiêu người đang phải ôm đất “khóc ròng”. Nhiều người bất chấp vay mượn ngân hàng, người thân, bạn bè để đặt cọc. Người ít thì vài trăm, người nhiều lên đến vài tỉ để ôm đất chờ sang tay.
Nhưng sốt đất chóng qua, toan tính của họ bị phá sản nên rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tiếp tục mua đất thì không có đủ tiền, mà mua cũng không bán được, đất đai chỉ để trồng cây chứ chẳng biết làm gì khác. Còn không mua thì chấp nhận mất khoản tiền cọc lớn.
“Dù mới tham gia thị trường nhưng nhiều người cứ nghĩ mình khôn ngoan, chỉ nhảy vào kiếm lời một chút rồi nhảy ra khỏi cơn sóng. Họ không ngờ rằng, lúc mình nghĩ như vậy thì cũng đang nằm trong miệng của những tay cá mập rồi”, anh Tuấn nói.
Anh Tuấn cho biết thêm, sau sốt đất nhiều người thường bàn tán hiện tượng “cắt lỗ”. Tuy nhiên, cắt lỗ được hay không còn tuỳ vào giá trị thật của bất động sản. Nếu miếng đất có giá trị sẵn, còn tiềm năng tăng giá như vị trí, cơ sở hạ tầng tốt nhưng do khó khăn của thị trường, của nhà đầu tư (áp lực vay ngân hàng) mà phải bán thì vẫn có người mua lại. Nhưng có những miếng đất, sau cơn sốt dù có giảm giá cách nào đi chăng nữa thì cũng chẳng có người dám đụng đến bởi giá trị miếng đất đã bị thổi phồng gấp nhiều lần so với thực tế. Tình trạng này phổ biến hầu hết ở các điểm sốt đất từ đầu năm đến nay.
Trong báo cáo quý 1/2021 của Bộ Xây dựng cho biết, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước như: TP. Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất…), TPHCM (TP. Thủ Đức), TP. Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), tỉnh Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), tỉnh Ninh Bình (huyện Gia Viễn), tỉnh Bình Thuận (TP. Phan Thiết và thị xã La Gi), tỉnh Bình Phước (huyện Hớn Quản), tỉnh Quảng Trị (huyện Gio Linh),…
Tuy nhiên, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít. Hình thức giao dịch tại các khu vực này chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam, hiện nay cơn sốt đất ở các địa phương này đã có sự hạ nhiệt nhờ các động thái can thiệp của cơ quan nhà nước.
Ông Đính cho rằng, để hạn chế sốt đất, cơ quan quản lý đã siết tín dụng bất động sản, thanh kiểm tra việc sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sự dụng đất ruộng, đất rừng... Các tỉnh thành cũng có có xu hướng giám sát các biến động giá giao dịch đất đai khi bị đặt vấn đề quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương nếu đất tăng nóng.