Aa

Đặt mục tiêu có 15 doanh nghiệp tư nhân vốn hóa 1 tỷ USD vào năm 2025

Chủ Nhật, 25/10/2020 - 16:03

Nuôi tham vọng lớn về việc phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân, Việt Nam dự kiến đặt mục tiêu có 15 doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa trên 1 tỷ USD vào năm 2025.

Dù không đạt các mục tiêu phát triển doanh nghiệp vào năm 2020, theo Nghị quyết 35/NQ-CP, cả về số lượng và chất lượng, Việt Nam vẫn đang nuôi tham vọng lớn về việc phát triển khu vực tư nhân Việt Nam.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đặt mục tiêu trung bình giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng số doanh nghiệp hoạt động đạt khoảng 15%/năm; tăng tỷ lệ doanh nghiệp vừa và lớn chiếm khoảng 5 - 6% trong tổng số doanh nghiệp vào năm 2025, phấn đấu đạt 8% vào năm 2030.

Trên thực tế, trong giai đoạn 2016 - 2019, giai đoạn mà tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp thành lập mới bình quân tăng gấp đôi so với giai đoàn 2011 - 2015, tốc độ tăng số doanh nghiệp đang hoạt động chỉ là 14,4%, còn tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới là 10,5%.

Do vậy, để đạt được tốc độ tăng số doanh nghiệp đang hoạt động khoảng 15% trong 5 năm tới, cần một nỗ lực không nhỏ.

Một số mục tiêu khác cũng được đặt ra, đó là mức tăng trưởng bình quân số lao động 2021 - 2030: đạt khoảng 6 - 8%/năm; tăng trưởng bình quân thu nhập của người lao động đạt khoảng 25 - 30%/năm; tăng trưởng bình quân mức đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 23 - 25%/năm.

Đặc biệt, khá tham vọng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đưa ra mục tiêu đến năm 2025, có 15 doanh nghiệp khu vực tư nhân có vốn hóa trên 1 tỷ USD vào năm 2025. Con số vào năm 2030 là 20 doanh nghiệp.

Hiện không nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có số vốn hóa lớn như vậy. Một vài cái tên thường được nhắc đến là Vingroup, Masan…

Mặc dù chưa đạt được các mục tiêu như kỳ vọng, song đánh giá về sự phát triển của khu vực tư nhân Việt Nam, Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV vẫn khẳng định, trong 10 năm qua 2011 - 2020, khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong nước (bao gồm doanh nghiệp tư nhân và kinh tế hộ gia đình) vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 43% GDP, thu hút khoảng 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh du lịch, khu đô thị, sản xuất ô tô, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ.

Cùng với đó, môi trường kinh doanh được cải thiện, ngày càng thuận lợi hơn; cắt giảm trên 50% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; giảm chi phí sản xuất - kinh doanh.

Nhờ vậy, doanh nghiệp tư nhân thành lập mới tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký; tinh thần khởi nghiệp lan toả rộng rãi. Nhiều mô hình kinh doanh mới dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Và đặc biệt, là đã hình thành và phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân tiên phong trong đầu tư và ứng dụng khoa học - công nghệ, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế.

Trong 10 năm tới, Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 cũng đã xác định, không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế, phát triển lực lượng doanh nghiệp của người Việt Nam ngày càng vững mạnh và huy động sức mạnh tổng hợp của đất nước, nâng cao hiệu quả và lợi ích do hội nhập quốc tế mang lại.

Để phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trước mắt, cần tập trung vào một số nhóm giải pháp: hỗ trợ doanh nghiệp sau tác động bởi dịch bệnh Covid-19; phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành, tạo cực tăng trưởng mới cho phát triển kinh tế…

Bên cạnh đó, thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; tăng cường liên kết doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác phát triển doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top