Giá bắt đầu tăng trở lại
Để thực hiện mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020, từ năm 2013, chính quyền tỉnh Bình Dương đã từng bước quy hoạch, xây dựng các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Gắn với quy hoạch này là những tiêu chí cụ thể và phát triển cơ sở hạ tầng, tiện ích xã hội, phát triển kinh tế…
Cụ thể, bên cạnh Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, Đại lộ Mỹ Phước - Tân Vạn - Nhơn Trạch, đường vành đai 4…, tỉnh Bình Dương cũng đang triển khai đầu tư nhiều tuyến đường khác với quy mô lớn, như phát triển các trục giao thông đường tỉnh theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây; mở rộng hệ thống cảng, bến xe, kéo dài đường Mỹ Phước - Tân Vạn đến Bàu Bàng; xây dựng các tuyến đường sắt đô thị gồm Thủ Dầu Một - TP.HCM…
Đặc biệt, gần đây, tỉnh Bình Dương còn xúc tiến việc kéo dài tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên đến thị xã Dĩ An và đã công bố quy hoạch phát triển những khu vực trọng điểm như Thành phố mới Bình Dương, thị xã Bến Cát…
Nhờ cú huých từ hạ tầng này, thị trường BĐS Bình Dương, cụ thể là phân khúc đất nền được nhiều nhà đầu tư để ý, nhất là ở các khu vực giáp ranh với TP.HCM. Trong đó, Dĩ An là khu vực được các nhà đầu tư săn đón nhiều nhất. Tại đây ghi nhận sự đà tăng cả về giá và sức mua, nhưng chủ yếu là nhà đầu tư thứ cấp bán lại với giá chênh 20 - 30% so với thời điểm mua, rất ít có dự án mới.
Tương tự, đất nền tại huyện Thuận An cũng ghi nhận mức tăng từ 15 - 20% (từ 50 - 100 triệu đồng) so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng giống như Dĩ An, khu vực này chủ yếu là các dự án cũ mở bán giai đoạn tiếp theo. Đối với các dự án nằm ở mặt tiền Quốc lộ 13 ghi nhận giá bán và mức tăng rõ rệt nhất. Một số dự án khu dân cư như An Phú Thịnh, Việt Sing, VSIP I…, giá chênh giai đoạn sau so với giai đoạn trước từ 2 - 4 triệu đồng/m2.
Thị xã Tân Uyên và khu vực thị xã Bến Cát cũng có mức giá khá mạnh. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư BĐS, ở một số dự án đã có sổ hồng như VSIP II mở rộng, The Mall City 2, Khu dân cư chợ Bến Cát…, giá tăng từ 20 - 50 % so với giai đoạn đầu mở bán.
Nhưng vẫn còn nhiều mối lo
Đến thời điểm này, Bình Dương hầu như không thiếu bất kỳ dịch vụ, tiện ích nào, từ các trung tâm thương mại Aeon, Lotte, Metro, cho đến bệnh viện quốc tế, trường đại học quốc tế các cấp, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các doanh nhân, chuyên gia nước ngoài đến Bình Dương sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, tại thành phố mới Bình Dương hiện nay vẫn vắng bóng người.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS từng tham gia thị trường Bình Dương, giá nhà đất ở thành phố mới hiện còn rất cao, nên không thu hút được các nhà đầu tư. Một căn nhà liền kề tại đây có diện tích hơn 100 m2, có giá từ 7 - 10 tỷ đồng, đối với biệt thự có mức giá trên 10 tỷ đồng/căn.
“Mức giá này chỉ phù hợp với các chuyên gia nước ngoài, Việt kiều…, nhưng phần lớn những đối tượng này lại thuê nhà tại TP.HCM. Trong khi đó, dân số tại Bình Dương đa phần là công nhân, người lao động nhập cư đang làm việc tại các khu công nghiệp. Với mức giá đó chắc chắn là ngoài tầm với của họ”, vị này chia sẻ.
Tương tự, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM chia sẻ, dân số tại Bình Dương chủ yếu là công nhân, người lao động có thu nhập thấp, họ cần một khu chợ bình dân để mua bán, trao đổi hàng hóa chứ không phải một siêu thị hay trung tâm thương mại sang trọng.
Trong khi đó, anh Nam, một nhân viên môi giới tại Bình Dương cho biết thêm, các dự án nhà liền kề ở Bình Dương đều đã có chủ nhưng hầu như không ai dọn đến ở. Nguyên nhân bởi họ lo sợ tình trạng an ninh không đảm bảo.
Ngoài ra, một số khách hàng cũng cho rằng, các tuyến đường chính nối giữa TP.HCM với Bình Dương luôn dày đặc xe tải hạng nặng, nên nhiều người lo ngại sự an toàn khi di chuyển trên tuyến đường này.
Nhìn nhận chung về thị trường BĐS Bình Dương, nhiều chuyên gia nhận định, mặc dù không sôi động như BĐS Đồng Nai, nhưng thị trường đất nền Bình Dương với vai trò là “sân sau” củaTP.HCM vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai gần.