Aa

Đất nền TP.HCM hạ nhiệt, 4 tỉnh giáp ranh "vụt sáng" thành tâm điểm

Chủ Nhật, 20/09/2020 - 09:00

Theo các chuyên gia, làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư đất nền từ TP.HCM sang các tỉnh giáp ranh đã xuất hiện từ 10 năm trước và thực sự bùng nổ trong 3 - 5 năm gần đây.

Lãi 1,2 tỷ đồng sau 3 năm nhờ buôn đất tỉnh

Đầu tháng 9/2020, bà Nguyễn Thái An, một nhà đầu tư bất động sản tại TP.HCM vừa chuyển nhượng thành công 2 lô đất tại thành phố Thuận An (Bình Dương) với giá 3,5 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt 1,2 tỷ đồng sau 3 năm rót vốn đầu tư.

Bà An cho biết: “Đầu năm 2017, biết tin thị xã Thuận An chuẩn bị lên đô thị loại III và được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương. Tôi đã bỏ 2,3 tỷ đồng để đầu tư đất nền tại đây. Ngay trong tháng 4/2017, thời điểm Thuận An được lên thành phố, đất nền tại khu vực này đã tăng 20%, và sau 3 năm tăng 40%”.

Đất nền xung quanh dự án sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đang trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản phía Nam.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm đầu tư bất động sản tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, bà An tiết lộ, không chỉ Bình Dương, 3 tỉnh giáp TP.HCM là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An cũng có mức tăng "chóng mặt".

Cụ thể, trong 3 năm, giá đất nền tại một số khu vực Đức Hòa, Cần Đước (Long An); hay thành phố Biên Hòa, Trảng Bom, Long Khánh (Đồng Nai) đã tăng 20 - 35%, thậm chí khu vực gần dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), giá đất đã tăng hơn 50%.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc nghiên cứu và phát triển DKRA khẳng định, làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư đất nền từ TP.HCM sang các tỉnh giáp ranh đã xuất hiện từ 10 năm trước nhưng thực sự bùng nổ trong 3 - 5 năm gần đây.

Theo ông Hoàng, có nhiều nguyên nhân khiến đất nền các tỉnh giáp ranh TP.HCM trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản phía Nam.

Thứ nhất, giá đất nền tại TP.HCM trong 5 năm qua liên tục tăng cao trong khi giá đất nền các tỉnh giáp ranh còn thấp và tiềm năng.

Thứ hai, quy định phân lô tách thửa tại TP.HCM được siết chặt (Quyết định 60/2017 - UBND TP.HCM), đồng thời pháp lý cũng khó khăn hơn,… làm cho nguồn cung ngày càng khan hiếm.

Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng của các tỉnh giáp ranh ngày một tốt hơn, nhiều công trình trọng điểm đang và sẽ được đầu tư. Đồng thời, các chủ đầu tư uy tín với những dự án lớn đã góp phần thay đổi thị trường khu vực này.

“Những nhà đầu tư luôn muốn tiên phong tìm những điểm đầu tư mới có nhiều tiềm năng phát triển”, ông Hoàng nói.

Vẫn còn nhiều tiềm năng

Thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM không giới hạn trong địa giới hành chính của TP.HCM mà bao gồm cả các tỉnh giáp ranh, đặc biệt về hạ tầng giao thông liên kết vùng (Vùng đô thị TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam).

Do đó, việc phát triển thị trường bất động sản ra các tỉnh giáp ranh có nhiều lợi ích trước mắt như: Giúp thị trường bất động sản các tỉnh sôi động hơn; Thúc đẩy tốc độ đô thị hóa nhanh hơn tại các tỉnh và giảm bớt áp lực cho TP.HCM về thị trường bất động sản, dân số,…

Đất nền TP.HCM hạ nhiệt, 4 tỉnh giáp ranh vụt sáng thành tâm điểm - 2Nhấn để phóng to ảnh

Đất nền Bình Dương đang thu hút nhà đầu tư mới. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Hoàng khẳng định, không chỉ đất nền, trong thời gian tới, nhiều phân khúc bất động sản khác cũng sẽ phát triển mạnh ở các tỉnh giáp ranh với TP.HCM.

Tuy nhiên, ông Hoàng cảnh báo, dạo gần đây, cùng với sự phát triển, đất nền các tỉnh giáp ranh cũng gặp những vấn đề tiêu cực làm ảnh hưởng đến thị trường và xã hội, gây rủi ro thiệt hại cho người mua.

Do đó, dù đầu tư để ở hay bán với tiêu chí an toàn và hiệu quả, người mua cần lưu ý một số điểm chính.

Cụ thể, với nhà đầu tư, khi quyết định rót vốn vào đất nền vùng ven nên cân nhắc khả năng tài chính mà mình có. Không nên “ôm” các sản phẩm vượt tầm với với nguồn vốn sẵn có. Đồng thời, nhà đầu tư phải có chiến lược dài hạn thay vì lướt sóng hoặc ngắn hạn không còn phù hợp với thị trường hiện tại.

Nhà đầu tư nên xem xét kỹ vị trí của các sản phẩm đất nền có tiềm năng phát triển kinh tế hay không, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội hiện tại và tương lai có phát triển thêm hay không.

Ngoài ra, các yếu tố như pháp lý, uy tín của chủ đầu tư và chương trình, chính sách bán hàng cũng cần được xem xét kỹ trước khi rót vốn.

Nguồn cung dồi dào

Đất nền TP.HCM hạ nhiệt, 4 tỉnh giáp ranh vụt sáng thành tâm điểm - 3Nhấn để phóng to ảnh

Đồng Nai là một trong 4 tỉnh vùng ven thu hút nhà đầu tư thoái vốn từ thị trường TP.HCM.

Trước đó, theo số liệu của DKRA Việt Nam, trong tháng 8/2020, thị trường đất nền TP.HCM ghi nhận không có dự án nổi bật mở bán, nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án mở bán trước đó.

Trái ngược với tình cảnh của thị trường đất nền TP.HCM, tại các khu vực giáp ranh như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu lại đang có xu hướng tăng mạnh về nguồn cung. Cụ thể, nguồn cung đất nền ở 4 tỉnh trên trong tháng 8/2020 đạt 2.979 sản phẩm, tăng 91% so với tháng trước.

Trong đó, tổng nguồn cung của Bình Dương là 1.208 nền; Long An là 621 nền; Đồng Nai là 1.025 nền và Bà Rịa - Vũng Tàu là 125 nền. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ trong tháng 8 chỉ đạt khoảng 32% tổng nguồn cung, bằng 72% so với tháng trước.

Theo DKRA, sức cầu chung toàn thị trường ở mức khá thấp, giảm đáng kể so với tháng trước. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nhà đầu tư ưu tiên việc giữ tiền mặt hoặc tâm lý chờ đợi, chưa thực sự mạnh dạn chuyển tiền vào bất động sản. Tuy nhiên, về lâu dài, đất nền vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top