Đất nước mạnh khi doanh nghiệp mạnh

Đất nước mạnh khi doanh nghiệp mạnh

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 03/06/2024 - 06:00

Để hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam hùng cường, “sánh vai với các cường quốc năm châu”, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt và có vai trò quyết định bởi khát khao làm giàu, tinh thần tiên phong, phụng sự, cống hiến, sáng tạo và hội nhập.

TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện những nhiệm vụ rất vẻ vang, vì vậy, thái độ đối với doanh nghiệp là vấn đề quan trọng. Doanh nghiệp chính là hình ảnh kinh tế của đất nước; doanh nghiệp nghèo, quốc gia nghèo; doanh nghiệp yếu, quốc gia yếu… Cần lắng nghe, gỡ khó và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vươn lên để quốc gia giàu mạnh.

===============

Đến thời điểm này, khát vọng 2045 được khơi dậy tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với các mục tiêu về một đất nước thu nhập cao, phồn vinh và hạnh phúc, còn hơn 20 năm để hiện thực hóa. Quan hệ đối ngoại quốc tế và khả năng hội nhập sâu, rộng của Việt Nam chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay. Cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra động lực thúc đẩy để nền kinh tế Việt Nam có thể sớm “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Tuy nhiên, các thách thức và yếu tố bất lợi cản trở mục tiêu phát triển vẫn còn bủa vây trong dài hạn; nếu không hóa giải kịp thời, Việt Nam khó có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình để vươn mình, bứt phá, tạo đà phát triển mới.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trước tác động từ những bất ổn của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu, kinh tế Việt Nam cũng bước vào giai đoạn rất khó khăn. Điều này không chỉ làm suy yếu sức khỏe của doanh nghiệp trong nước mà còn bộc lộ nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế. Đó là sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và FDI, trong khi doanh nghiệp sản xuất nội địa còn gặp nhiều bất lợi về điều kiện, môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến sức chống chịu và khả năng cạnh tranh.

Nuôi dưỡng niềm tin và khát vọng, nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, trong cung ứng hàng hoá, dịch vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu là yêu cầu cấp bách để tăng cường nội lực của nền kinh tế, tạo nền móng vững chắc để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không kịp thời vun đắp và tạo cơ chế hỗ trợ hiệu quả, tiềm lực của doanh nghiệp sẽ suy giảm, nền kinh tế cũng khó chớp thời cơ để phục hồi và tăng trưởng như kỳ vọng.

Vai trò của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp tư nhân “đầu tàu”, những thương hiệu quốc gia bền vững là vấn đề cần được nhận diện rõ ràng hơn lúc này để xây dựng chính sách đột phá, hun đúc ý chí và khát vọng thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong nước đóng góp nhiều hơn vào mục tiêu hưng thịnh của dân tộc.

Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS kinh tế Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, về câu chuyện này.

Đất nước mạnh khi doanh nghiệp mạnh- Ảnh 1.

PV: Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, khẳng định vai trò "đầu tàu" dẫn dắt nền kinh tế quốc gia của doanh nghiệp. Theo đó, một trong những nhiệm vụ được đặt ra là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Ông có thể đưa ra một vài đúc kết về những đóng góp chính của doanh nghiệp?

TS. Lê Doãn Hợp: Doanh nghiệp gánh vác 5 nhiệm vụ rất nặng nề và vẻ vang, vì vậy rất cần được tôn vinh.

Trước hết, doanh nghiệp và hộ gia đình là 2 lực lượng quan trọng nhất tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Thứ hai, doanh nghiệp là lực lượng chủ công nộp ngân sách để nuôi bộ máy quản trị quốc gia. Nhà nước chỉ làm khung lương, bảng lương, thang lương còn chính các doanh nghiệp là người nộp thuế để Nhà nước trả lương. Muốn nâng lương cho bộ máy thì phải lo nguồn thu, mà muốn lo nguồn thu thì phải chăm lo cho doanh nghiệp.

Đất nước mạnh khi doanh nghiệp mạnh- Ảnh 2.

Thứ ba, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt trong công tác từ thiện, nhân đạo. Nhìn lại tác động của đại dịch Covid-19, thử hỏi nếu không có sự đóng góp, chung sức của doanh nghiệp thì còn khó khăn đến như thế nào…

Thứ tư, doanh nghiệp là lực lượng chủ công trong hợp tác quốc tế. Nếu không có doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp yếu thì không thể hợp tác có hiệu quả cao.

Thứ năm, doanh nghiệp là nơi đào luyện cán bộ làm kinh tế giỏi cho đất nước.

Chính vì thế, chúng ta phải bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân kiến thức quản lý, kiến thức chính trị để cùng dựng xây đất nước. Không có doanh nghiệp thì không có tiền mà không có tiền thì làm việc gì cũng khó.

PV: Ông có suy nghĩ như thế nào về khát vọng của doanh nghiệp Việt?

TS. Lê Doãn Hợp: Đó là khát vọng vươn lên, khát vọng làm giàu. Làm giàu chân chính là khó nhất nhưng lại cần nhất. Phải có khát vọng thì mới nghĩ ra được hướng đi, cách làm và có động lực để phát triển. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần có khát vọng mà còn rất cần bản lĩnh. Trong thời đại hiện nay, làm doanh nghiệp, nếu không có bản lĩnh thì không làm được. Có bản lĩnh thì mới dám nghĩ, dám làm, dám đi tiên phong, tạo đột phá; và dám nói với Đảng, Nhà nước để nhận được sự ủng hộ đúng đắn và cần thiết.

Việt Nam đã có những ngành vươn lên và có vị thế quốc tế như viễn thông, công nghệ thông tin, sữa, hàng không, thép, xe điện… Đó đều là nhờ khát vọng và bản lĩnh của những doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò dẫn dắt. Đất nước cần tự hào vì có những doanh nghiệp, doanh nhân giàu có, nhưng cần nhân lên những tấm gương thành công trên mặt trận kinh tế, góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đất nước mạnh khi doanh nghiệp mạnh- Ảnh 3.

PV: Đóng góp của doanh nghiệp trong nước vào GDP hiện nay vẫn còn thấp. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, doanh nghiệp vừa và lớn còn ít và hành trình phát triển thường rất vất vả, gian nan. Theo ông, điều gì đang cản trở khát vọng phát triển của các doanh nghiệp Việt và chỉ có doanh nghiệp thực sự bản lĩnh thì mới có thể làm giàu?

TS. Lê Doãn Hợp: Cái khó nhất là cơ chế. Cách thức quản lý hiện tại chưa tháo gỡ cho doanh nghiệp. “Cơ chế xin - cho” khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và làm chậm trễ, làm mất cơ hội kinh doanh, phát triển; đồng thời còn khiến doanh nghiệp mất thêm chi phí không đáng có, thậm chí trở nên nản chí mệt lòng. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ với tôi, cứ “xin đi xin lại” vài lần là “hết cả tuổi thanh xuân”.

Tình trạng giấy phép con, phô trương quyền lực đang rất phổ biến. Chỉ khi quyền lực thực sự được mang ra để phục vụ cho phát triển, đó mới là quyền lực trong sáng. Từ Trung ương đến địa phương phải thống nhất cách làm, tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh, trên chỉ đạo quyết liệt nhưng dưới lại chần chừ, không dám làm, dẫn tới chậm trễ và khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh.

Đã đến lúc chúng ta cần hoạch định rõ ràng cho tương lai, để sống cho hiện tại và bền vững về sau. Để làm được điều này, cần tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách nhằm thôi thúc làm giàu nhanh hơn. Không thể để tồn tại kiểu “cơ chế” không làm sai thì không làm được, không làm sai thì không sống được, còn muốn làm đúng thì rất khó làm và không làm được bao nhiêu.

Đất nước mạnh khi doanh nghiệp mạnh- Ảnh 4.

PV: Như vậy, cần cơ chế tốt để doanh nghiệp có thể thực hiện những khát vọng lớn, và hình thành đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh. Theo ông, đối với việc hoàn thiện cơ chế, đâu là các giải pháp cốt lõi?

TS. Lê Doãn Hợp: Thứ nhất, phải chuyển từ cơ chế dễ quản lý sang cơ chế dễ làm giàu. Hiện nay, hầu hết các ngành đưa ra cơ chế để dễ quản lý. Một khi dễ quản lý thì rất khó làm giàu.

Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để mọi thứ trở nên minh bạch, rõ ràng, trong sáng trong quản lý. Con người chỉ tự giác đến mức hoàn hảo khi có công cụ kỹ thuật giám sát và hỗ trợ trong quản lý. Từ hơn 15 năm trước, khi sang Đức, tôi đã thấy rằng, một cảnh sát Đức ra đường nói gì với dân, làm gì với dân - cả nước biết; do đó họ phải nói chuẩn, làm chuẩn. Không cần hô hào khẩu hiệu, chỉ cần ứng dụng thông tin là mọi người tức khắc sẽ tự giác tuân thủ.

Thứ hai, chuyển từ cơ chế quản lý doanh nghiệp sang phục vụ doanh nghiệp. Nếu xác định doanh nghiệp là trụ cột kinh tế, là lực lượng nộp ngân sách để trả lương cho mình thì thái độ sẽ khác. Ngày xưa, ta nói quản lý doanh nghiệp, quản lý dân cư thì bây giờ phải là phục vụ doanh nghiệp, phục vụ dân cư. Quản lý là quyền lực, phục vụ là trách nhiệm.

Khi lắng nghe chia sẻ của doanh nghiệp, có 2 vấn đề quan trọng nhất, đó là thành phần tham gia phải hẹp và cần đi vào từng chuyên đề sâu. Gặp gỡ 400 - 500 doanh nghiệp trong một buổi theo hình thức mít tinh để nghe chia sẻ, kiến nghị thì sẽ khó giải quyết được vấn đề. Bên cạnh đó, thái độ người nghe quyết định nội dung người nói. Cách giải quyết của người nghe sẽ khuyến khích người nói nói ra nhiều hơn tiếng lòng mình. Cốt lõi là phải nghe thật, nói thật và làm thật. Từ Nhà nước đến doanh nghiệp phải là một đường thẳng. Phải tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp khó một kiểu nên cấp trên phải nghe rất kỹ để có thể “gãi đúng chỗ ngứa”. Với cách quản lý hiện tại, nhiều doanh nghiệp dường như đang quá sức khi chống chọi với các khó khăn, thách thức.

Thứ ba, cần học tập các nước tiên tiến, cái gì nhà nước không cấm thì “mở toang cánh cửa” cho doanh nghiệp làm; không bắt doanh nghiệp và nhân dân xin những điều pháp luật không cấm, để rồi phải chờ đợi và mất thêm chi phí không cần thiết. Cái gì đang phát triển mà chưa rõ hình hài thì khoan vội quản lý, chỉ quản lý khi rõ nội dung quản lý; trao quyền lựa chọn, quyết định cho doanh nghiệp. Khi phát sinh doanh thu thì nộp thuế, làm sai thì xử theo luật. Công cụ quản lý tốt nhất là thuế. Lĩnh vực nào cần ưu tiên phát triển thì đánh thuế thấp, còn không cần phát triển nữa thì đánh thuế cao hơn chứ không cấm. Thuế vừa giúp quản lý tốt vừa định hướng phát triển. Xã hội bùng dậy, sản xuất kinh doanh thuận lợi thì khi đó, khát vọng phồn vinh mới thực hiện được.

Làm giàu rất khó, do đó, phải động viên, khích lệ, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để người dân, doanh nghiệp tự tin hơn, mạnh dạn làm giàu và đưa đất nước phát triển. Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng của thế kỷ XXI, thế giới cũng rất tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam. Do đó, chúng ta vừa thu hút ngoại lực nhưng đồng thời phải huy động nội lực, nâng cao sức mạnh nội sinh của nền kinh tế, cốt lõi là phát triển đội ngũ doanh nghiệp mạnh, doanh nhân giỏi.

Cần dồn sức lo cho doanh nghiệp, tạo cơ chế để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững hơn để có thể đạt được mục tiêu “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Phải hiểu rằng, doanh nghiệp phát triển là quốc gia phát triển; doanh nghiệp thành công là quốc gia thành công; doanh nghiệp giàu thì quốc gia giàu, doanh nghiệp mạnh thì quốc gia mạnh. Ngược lại, doanh nghiệp nghèo, quốc gia nghèo; doanh nghiệp yếu, quốc gia yếu… Vậy nên, mọi người, mọi thành phần xã hội phải quan tâm, chăm sóc doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể làm giàu trong điều kiện thuận lợi nhất.

Đất nước mạnh khi doanh nghiệp mạnh- Ảnh 5.

PV: Ông từng chia sẻ trên rất nhiều diễn đàn rằng, văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của kinh tế. Phải chăng, với đội ngũ doanh nghiệp, không chỉ cần tạo điều kiện thuận lợi, thôi thúc khát vọng làm giàu mà còn cần chú trọng tới câu chuyện văn hóa?

TS. Lê Doãn Hợp: Phải là doanh nghiệp có văn hóa thì mới có thể làm giàu chân chính, không làm giàu bằng cách chộp giật, lừa đảo hay gây ô nhiễm môi trường. Phát triển kinh tế mà ảnh hưởng xấu đến môi trường là kinh tế “tự sát”. Con người quý nhất là sức khoẻ, thiên nhiên quý nhất là màu xanh, quốc gia quý nhất là văn hoá. Kinh tế - văn hóa - môi trường phải đi liền với nhau thì mới có thể phát triển nhanh và bền vững.

Doanh nghiệp có thể thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi các sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp với thương trường, nhưng cần nắm chắc cái gốc, đó là văn hóa. Một doanh nghiệp có văn hóa là doanh nghiệp phải có trách nhiệm với nhà nước, xã hội và người tiêu dùng.

Văn hóa doanh nghiệp lệ thuộc vào 3 yếu tố.

Thứ nhất là văn hóa của người đứng đầu doanh nghiệp. Người lãnh đạo mà chuẩn thì cấp dưới không thể sai lệch được. Không có doanh nghiệp nào được xem là có văn hóa mà người đứng đầu lại không có văn hóa. Muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa cho người đứng đầu.

Thứ hai, lệ thuộc vào quy chế quản lý nội bộ, trong đó có quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý tài sản và cơ chế phân phối lợi ích. Trong doanh nghiệp, phân chia lợi ích không thể cào bằng. Một khi cào bằng thì sẽ triệt tiêu động lực, mà không có động lực thì sẽ không phát triển, không phát triển thì dễ đổ vỡ. Nguyên tắc chung là, sức khỏe, tài đức, cống hiến khác nhau thì phải hưởng thụ khác nhau.

Thứ ba, lệ thuộc vào văn hóa ứng xử của doanh nghiệp đối với nhà nước (nộp ngân sách), đối với xã hội (công tác từ thiện, nhân đạo, bảo vệ môi trường…), đối với người tiêu dùng (thể hiện qua chất lượng và giá thành sản phẩm).

PV: Xin ông chia sẻ thêm về mức độ ảnh hưởng của doanh nhân - người đứng đầu đối với văn hóa doanh nghiệp?

TS. Lê Doãn Hợp: Doanh nhân là tấm gương không chỉ với riêng doanh nghiệp mình mà còn truyền cảm hứng cho những người khởi nghiệp kinh doanh chân chính. Khi người đứng đầu có văn hóa sẽ gắn kết sức mạnh của người lao động. Hiếm có trường hợp nhân viên đi ngược lại với ông chủ nếu họ cảm nhận được đó là ông chủ tốt nhất của họ. Nhưng văn hóa doanh nhân phụ thuộc vào 3 yếu tố, đó là Đức, Tài và Bản lĩnh.

Người lãnh đạo cần có Đức, đây là “mảnh đất” để gieo hạt giống Tài năng và Bản lĩnh trên thương trường. Biểu hiện của Đức là sự gương mẫu và chuẩn mực trong hành động. Chữ Đức quan trọng ở chỗ, một hành động thiếu chuẩn mực của người đứng đầu sẽ tác động tiêu cực đến cả hệ thống.

Bên cạnh chữ Đức, một lãnh đạo cần có Tài. Người có tài là người biết tập hợp cái tài của người khác. Tập hợp và tạo niềm tin cho những người có tài, đó là tài năng của người lãnh đạo.

Cùng với Đức và Tài, Bản lĩnh là yếu tố không thể thiếu ở các doanh nhân. Đã lãnh đạo doanh nghiệp là phải có bản lĩnh. Bản lĩnh để ủng hộ cái tốt, ngăn chặn cái xấu, thiết lập và giữ vững kỷ cương của tổ chức. Dám làm những việc chưa ai làm để khám phá sức mạnh của chính mình và tận dụng cơ hội của Cuộc cách mạng 4.0. Và cuối cùng là dám nói. Làm thế nào người ta tin mình và gắn kết lại để tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Đất nước mạnh khi doanh nghiệp mạnh- Ảnh 6.

PV: Dựa trên những đúc kết từ thực tiễn, ông có thể chia sẻ thêm một vài thông điệp tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc phát huy vai trò “đầu tàu” trong lĩnh vực kinh tế?

TS. Lê Doãn Hợp: Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng đưa đất nước Singapore có sự phát triển thần kỳ từ một tầm tư duy bất hủ: "Chúng tôi biết rằng, nếu chúng tôi chỉ giống như những người hàng xóm của mình thì chúng tôi sẽ chết. Bởi vì chúng tôi không có gì để đưa ra trước những gì họ có. Vì vậy, chúng tôi phải tạo ra thứ gì đó khác biệt và tốt hơn của họ. Đó là không tham nhũng. Đó là tính hiệu quả. Đó là chế độ nhân tài. Và nó thực sự phát huy tác dụng". Nhờ vậy, từ quốc gia có GDP bình quân đầu người 420 USD/người vào năm 1960, Singapore không ngừng phát triển, trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới (GDP bình quân đầu người tính đến tháng 5/2024 là khoảng 88.000 USD/người).

Doanh nghiệp cũng như một nền kinh tế, sự phát triển cần xuất phát từ khát vọng, tầm nhìn, đạo đức, tài năng, bản lĩnh của người dẫn đầu. Chỉ có tự tin, tự chủ mới có tự hào. Còn tự ti là mất. Các doanh nghiệp hãy tin vào chính mình và tìm con đường sáng để vươn lên. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng nói: “Nếu không biết làm giàu thì trí tuệ con người cũng chỉ là trí nhớ mà thôi”.

Đất nước mạnh khi doanh nghiệp mạnh- Ảnh 7.

Có một tư duy truyền thống rất tốt nhưng kéo dài lại không ổn, đó là so mình với chính mình, so ngày hôm nay với ngày hôm qua, thấy khá lên một chút là vui. Nhưng so với sự vận động của loài người thì chúng ta đang tự tụt hậu. Khi qua Israel, một Bộ trưởng của nước này nói với tôi rằng, Việt Nam và Israel đều là những nước đi sau. Nếu đặt ra mục tiêu phấn đấu như Việt Nam là tiến cùng thời đại thì sẽ mãi mãi đi sau. Tư duy của Israel là tiến vượt thời đại. Câu thứ hai ông ấy nói là, Việt Nam luôn luôn nói phấn đấu năm sau cao hơn năm trước. Với Israel là không đủ, năm sau đương nhiên phải cao hơn năm trước và điều quan trọng là năm sau phải khác biệt năm trước. Chính vì thế, năng suất lao động của họ gấp 10 - 15 lần của Việt Nam. Một đất nước lập quốc vào năm 1948, chỉ có sa mạc, mỗi năm chỉ có 21 ngày mưa, có nơi phải lấy nước biển lọc làm nước ngọt dùng cho nông nghiệp, vậy mà Israel trở thành nước giàu, nông nghiệp đứng top đầu thế giới. Sự khác biệt nằm ở tư duy, ý chí và quyết tâm.

Đất nước mạnh khi doanh nghiệp mạnh- Ảnh 8.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu không kịp thời vun đắp và tạo cơ chế hỗ trợ hiệu quả, tiềm lực của doanh nghiệp sẽ suy giảm, nền kinh tế cũng khó chớp thời cơ để phục hồi và tăng trưởng như kỳ vọng. (Ảnh minh họa).

Trước đây, trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước khi vừa mới giành được độc lập, Bác Hồ đã khởi xướng khát vọng “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Hơn hai mươi năm sau, khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khốc liệt, Bác Hồ một lần nữa lại khơi dậy khát vọng đến ngày thắng lợi, chúng ta sẽ xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Hiện nay, bối cảnh thuận lợi hơn rất nhiều, thế và lực của ta đã tốt hơn, quan hệ đối ngoại quốc tế chưa bao giờ tốt như hiện nay và đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo động lực thúc đẩy toàn diện, buộc chúng ta phải vận động, không thể đứng yên. Công nghệ thông tin cho cả loài người một mặt bằng như nhau. Chỉ cần một chiếc điện thoại kết nối, dù chúng ta ngồi ở đâu, đều như nhau về khả năng tiếp cận thông tin, kiến thức. Vấn đề là làm như thế nào để có thể bứt phá nhanh hơn.

Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cần dũng cảm so mình với thế giới, để biết mình là ai, mình ở đâu, mình phải làm gì? Doanh nhân cần nhìn ra được tương quan cung cầu trên mặt bằng quốc gia, thậm chí quốc tế để vươn mình trở thành doanh nghiệp toàn cầu. Nếu không có doanh nghiệp toàn cầu thì Việt Nam không thể giàu được. Muốn vậy phải nhảy vào nước xem nước nông sâu như thế nào, còn ngồi trên bờ để dự đoán thì không bao giờ chính xác. Phải nhảy vào thì mới vỡ ra bài học, kinh nghiệm, sản phẩm và ngộ ra cả chính bản thân mình. Tất nhiên, trước khi nhảy thì chúng ta phải tập bơi, nếu không rất dễ chết chìm.

Đến nay, Việt Nam đã có rất nhiều ngành ngang tầm quốc tế. Tại sao các ngành khác lại không? Trong bối cảnh hiện nay, ngành nào không cạnh tranh toàn diện thì ngành đó không bứt phá nhanh được. Thế kỷ 20 trở về trước, chúng ta học từ những thành công của người đi trước để làm theo. Trong thời đại công nghiệp 4.0 thì học trong sách, học trong đời để làm những điều trong sách, trong đời chưa có, mới thành công. Thế giới làm được thì Việt Nam cũng sẽ làm được. Và thực tế, đã có những doanh nghiệp Việt đưa thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế, song khát vọng của họ vẫn chưa dừng lại mà tiếp tục đặt ra những mục tiêu cao hơn để chinh phục. Nhưng đó mới chỉ là những đốm lửa. Cần thổi bùng đốm lửa thành những “ngọn đuốc” thì mới tạo nên sức mạnh dân tộc và vươn tới khát vọng hùng cường.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị với nhiều đúc kết có ý nghĩa về hình ảnh doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trên hành trình làm rạng danh nền kinh tế đất nước!

Đất nước mạnh khi doanh nghiệp mạnh- Ảnh 9.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top