Aa

Đất sỏi sinh… “mạch vàng” năng lượng tái tạo

Thứ Sáu, 04/02/2022 - 06:00

Hàng trăm dự án điện tái tạo có quy mô lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng như một “cú hích” thiết thực đưa Đắk Lắk và cả vùng Tây Nguyên cất cánh, ghi dấu vào bản đồ năng lượng tái tạo vùng Đông Nam Á.

Là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, trước đây, Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng chỉ được nhớ đến là vùng đất gặp nhiều bất lợi và khó khăn trong phát triển. Nhưng giờ đây, nắng và gió của mảnh đất này đã được chuyển hóa thành những dự án năng lượng tái tạo vươn mình lên từ vùng đất đỏ.

Hàng loạt những nhà đầu tư lớn đã hội tụ về đây để “đón gió, hứng nắng trời” với hàng trăm dự án điện tái tạo có quy mô lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng như một “cú hích” thiết thực đưa Đắk Lắk và cả vùng Tây Nguyên cất cánh, ghi dấu vào bản đồ năng lượng tái tạo vùng Đông Nam Á.

Rất nhiều nhà đầu tư về điện năng lượng mặt trời, điện gió tìm đến Tây Nguyên để khai thác nguồn năng lượng vô tận này. Trong ảnh: Dự án điện gió Ea Nam.

Biến khó khăn thành lợi thế

Theo báo cáo từ Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), Việt Nam hiện đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về việc phát triển năng lượng tái tạo nhờ quyết tâm chuyển đổi năng lượng hướng tới sự phát triển bền vững của Chính phủ với những chính sách hỗ trợ phù hợp và điều kiện tự nhiên thuận lợi. Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, khi chứng tỏ sự nghiêm túc trong việc theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.

Xét đến tiềm năng điện mặt trời và các mục tiêu năng lượng xanh đến năm 2050, Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về năng lượng tái tạo. Theo hãng tư vấn chiến lược Bloomberg NEF (Hoa Kỳ), xét riêng về lĩnh vực năng lượng mặt trời, Việt Nam hiện đứng thứ 7 trên thế giới về công suất. Năm 2020, số lượng tấm pin mặt trời được lắp đặt tại Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu, chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Về các dự án điện gió, Việt Nam có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở Đông Nam Á, với tiềm năng ước tính là 311GW.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có tiềm năng về điện gió ngoài khơi rất lớn với hơn 3.200km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, vận tốc gió trung bình năm ở độ cao 100m có thể đạt 9 -10m/s tại nhiều vùng biển của Việt Nam, chỉ tính riêng các vùng biển quanh đảo Phú Quý hay Bạch Long Vĩ thì tiềm năng công suất lắp đặt lên đến 38GW mỗi vùng.

Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tiến tới giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt. Trong ảnh: Dự án Nhà máy điện gió Ia Bang 1, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.

Tây Nguyên đặc biệt ghi dấu vào bản đồ năng lượng tái tạo Việt Nam với 2 dự án lớn nhất cả nước nằm ngay tại tỉnh Đắk Lắk: Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam và dự án Điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp.

Là khu vực có địa hình cao nguyên với những triền đất đỏ bazan bao gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, Tây Nguyên từ lâu được biết đến là vùng đất khô cằn, đất đai tại nhiều vùng đa số cằn cỗi và sỏi đá, khó canh tác nông nghiệp, chủ yếu là trồng cây công nghiệp lâu năm. Đặc biệt, số giờ nắng lên đến hơn 2.600 giờ/năm, tốc độ gió nhiều vùng đạt 6 - 7m/s và nền nhiệt độ ở quanh vùng khá cao.

Một góc dự án điện gió Ea Nam (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) - là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Với những điều kiện này, vùng đất đầy nắng và gió Tây Nguyên được đánh giá có nhiều thế mạnh để phát triển điện mặt trời, điện gió. Theo dữ liệu của PVGIS-CMSAF (Ủy ban châu Âu), khu vực Tây Nguyên có cường độ năng lượng bức xạ tốt, từ 5,1 - 5,3 kWh/m2/ngày và từ 2.000 - 2.600 giờ nắng trong năm. Đây là con số đáng mong ước đối với bất kỳ chủ sở hữu hệ thống năng lượng tái tạo nào.

Bên cạnh đó, khu vực Tây Nguyên có mật độ dân số thấp nhất cả nước, khi chiếm 16,1% diện tích nhưng tổng dân số chỉ chiếm 6,1% dân số cả nước. Vì vậy, với ưu thế đất rộng người thưa, người dân thường xây những ngôi nhà có ít tầng và trải dài trên nền đất rộng nên diện tích mái nhà tương đối lớn. Do đó, khi lắp đặt các tấm pin mặt trời mái nhà, công suất sẽ được hoạt động tối đa. Việc đón gió cũng khá thuận lợi khi đây là khu vực nằm trên cao, có khoảng không gian rộng lớn và không bị chắn ngang bởi những tòa nhà cao tầng.

Theo thông tin từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương, sản lượng điện thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ kWh, đến năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỷ kWh, năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kWh, tương ứng 5% nhu cầu. Trong khi nguồn năng lượng sơ cấp như điện than, điện khí triển khai xây dựng và vận hành chậm. Vì vậy, chủ trương và chính sách phát triển điện mặt trời, điện gió của Chính phủ là đúng đắn và phù hợp với đặc thù khu vực Tây Nguyên.

Giá thành cao, công nghệ mới… là những thách thức để phát triển năng lượng tái tạo. Nhưng mặt khác, tiềm năng dồi dào, nhu cầu lớn lại là cơ hội cho các nhà đầu tư. (Trong ảnh: Một nhà máy điện mặt trời tại Gia Lai)

Theo ông Bùi Văn Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Năng lượng VATEC: “Tây Nguyên có những vùng đất cằn cỗi đầy nắng và gió, nắng nóng quanh năm. Đây là khó khăn đối với sản xuất nông lâm nghiệp nhưng lại là thuận lợi vô giá để phát triển năng lượng tái tạo, chúng ta cần phải tận dụng đầu tư, khai thác nguồn năng lượng quý giá này… Việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời, điện gió đã giải quyết bài toán kinh tế cho những vùng đất khô cằn nhưng giàu tiềm năng về nắng, gió như Tây Nguyên. Khi ấy, mỗi đơn vị diện tích tại đây sẽ được gia tăng giá trị từ 30 - 40 lần so với trồng các loại cây, bên cạnh đó còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều người dân địa phương”. 

Còn ông Hà Văn Chương, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk, nhìn nhận rằng tiềm năng về năng lượng mặt trời tại tỉnh Đắk Lắk tập trung ở phía Tây bao gồm các huyện: Ea Súp, Buôn Đôn và một số khu vực huyện Cư M’Gar, huyện Ea H’leo… với bức xạ nhiệt trung bình từ 4,7 - 5 kWh/m2/ngày, quy mô có thể đạt đến 16.000MWp.

Riêng nguồn điện mặt trời, trong thời gian qua đã giúp giảm tổn thất điện năng trên đường dây trung áp, hạ áp; hạn chế quá tải trong giờ cao điểm ban ngày, san bằng biểu đồ phụ tải của hệ thống điện, giảm sử dụng các nguồn năng lượng không thân thiện với môi trường như nhiệt điện...

Đắk Lắk - trung tâm vùng Tây Nguyên nổi bật với 2 dự án năng lượng tái tạo đứng top khu vực Đông Nam Á.

Trong chuyến công tác tại Đắk Lắk dự hội nghị xúc tiến đầu tư và khánh thành Cụm công trình Nhà máy điện mặt trời Srêpôk 1 và Quang Minh, ông Trương Hòa Bình - nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, khẳng định: “Việc phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng của thế giới, của Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng của khu vực Tây Nguyên, nơi có tiềm năng phát triển nguồn năng lượng mặt trời với tổng bức xạ năng lượng mặt trời trung bình khoảng 1.900 kW/km2/năm. Vì vậy, ngoài cụm nhà máy điện mặt trời được khánh thành ngày hôm nay và còn nhiều dự án năng lượng mặt trời khác của tỉnh Đắk Lắk đang được triển khai, nếu đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.

Với tiềm năng to lớn về phát triển điện năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời, Tây Nguyên đang biến tiềm năng thành lợi thế khi là tâm điểm thu hút rất nhiều nhà đầu tư về điện năng lượng mặt trời, điện gió tìm đến đây để khai thác nguồn năng lượng vô tận này.  

Người dân vùng Tây Nguyên lắp điện năng lượng mặt trời.

Hút vốn từ "đón gió, hứng nắng trời"!

Nhiều chuyên gia dự đoán, với đà duy trì tốc độ mở rộng năng lượng tái tạo nhanh như 2 năm qua, Việt Nam sẽ vươn lên trong bảng xếp hạng phát triển và các giải pháp về năng lượng tái tạo, có khả năng vượt qua các quốc gia như Australia, Italy… về phát triển năng lượng tái tạo.

Hiện nay, dòng vốn đầu tư liên tục đổ vào lĩnh vực này ở trong nước từ các tập đoàn như Xuân Thiện, Trung Nam Group, Hoàng Sơn, T&T Group, Bamboo Capital, MCD Việt Nam, Trường Thành Group, Licogi 16… cho tới dòng vốn ngoại của những doanh nghiệp đến từ Bỉ, Đức, Đan Mạch… 

Tại Tây Nguyên, Trung Nam Group, Xuân Thiện Group, Quang Minh… cũng đã xây dựng nhiều dự án năng lượng tái tạo “khủng” với mức kinh phí lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Đầu tiên, có thể kể đến là Trang trại phong điện Tây Nguyên là dự án điện gió đầu tiên ở Đắk Lắk cũng như khu vực Tây Nguyên do Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE làm chủ đầu tư. Dự án nằm tại thôn 4, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, chính thức thi công từ tháng 10/2017, với công suất 28,8MW, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng, đưa vào vận hành phát điện vào tháng 6/2019 (giai đoạn 1). Đây là bước ngoặt đánh dấu lộ trình phát triển ngành điện gió cũng như khả năng làm chủ công nghệ phong năng vào bức tranh chung để phát triển kinh tế xã hội khu vực Tây Nguyên. 

Tiếp theo là Cụm Điện mặt trời Srêpôk 1 và Quang Minh được xây dựng trên vùng đất xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, có công suất lắp máy 100MWP, xây dựng trên diện tích 120ha, hoàn thành năm 2019 do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Đại Hải và Công ty Cổ phần Điện mặt trời Srêpôk làm chủ đầu tư.

Theo thông tin từ UBND huyện Buôn Đôn, dự án Nhà máy điện mặt trời tấm nổi KN Srêpôk 3 cũng đã được UBND tỉnh đề xuất Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến 2030. Đây là dự án điện mặt trời tấm nổi đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk, nằm tại xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn với công suất 380MWp, bằng công nghệ pin quang điện silic đa tinh thể, sản lượng điện dự kiến 621 kWh/năm với tổng mức đầu tư 6.226 tỷ đồng.

Một góc Tây nguyên nhìn từ trên cao
Một góc Tây nguyên nhìn từ trên cao.

Cũng tại tỉnh Đắk Lắk, tính đến thời điểm hiện tại, đang có 2 dự án dẫn đầu về năng lượng tái tạo trên cả nước. Đầu tiên là cụm dự án Điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp với tổng công suất 2.000MW trên diện tích 4.180ha. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước cụm 5 dự án với tổng công suất 600MW; còn 1.400MW sẽ đề cập trong quy hoạch quốc gia (quy hoạch điện VIII), với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng. Theo đánh giá, đây là một trong những dự án điện mặt trời có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á, bao gồm 22,2km đường dây 500kV và trạm biến áp 500kV/1.200MVA.

Tiếp theo, là dự án Nhà máy điện gió Ea Nam, do Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (Trungnam Dak Lak 1 Wind Power) - thành viên của Trung Nam Group làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 16.500 tỷ đồng, nằm trên phạm vi diện tích khoảng 6.000ha, quy mô công suất 400MW, dự kiến bổ sung khoảng 1.173,6GWh vào nguồn điện quốc gia, bao gồm 84 trụ gió, sản xuất ra sản lượng điện ước tính vào khoảng 1,1 tỷ kWh/năm. Dự án vừa được đưa vào vận hành thương mại đúng hạn FIT vào cuối tháng 10/2021 và là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Nhớ về những ngày tháng đầu tiên đặt chân đến mảnh đất Tây Nguyên khảo sát làm dự án Nhà máy điện gió Ea Nam, ông Vũ Đình Tân, Giám đốc Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, tâm sự: “Đến với Tây Nguyên, hơi nắng nóng phả vào mặt, những làn gió gắt thổi mạnh qua từng đợt làm những chủ đầu tư cảm thấy thích thú. Đúng thật như vậy! Nhìn vào kết quả quan trắc, điển hình như huyện Ea H’leo có tiềm năng điện gió rất lớn với tốc độ gió trung bình năm từ 6 - 7m/s, lượng gió mạnh và không chênh lệch nhiều”. 

Cũng theo ông Vũ Đình Tân, khu vực đạt vận tốc gió này chỉ cần ở độ cao 80m và phân bố đều ở tất cả các xã, thị trấn, tốc độ gió trung bình năm ở độ cao 140m là 7,2m/s; tần suất gió phục vụ phát điện chiếm khoảng 93% thời gian trong năm, kết hợp với địa hình nhiều đồi núi và lượng gió lớn, được xem là địa bàn lý tưởng để xây dựng các nhà máy điện gió theo kiểu trang trại trên các quả đồi.

Trao đổi với PV Reatimes, đại diện Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Về điện gió, toàn tỉnh hiện có 10 dự án đã vận hành và bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, 42 dự án đang trình bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Đối với điện mặt trời, có 10 dự án với công suất 960MWp và 5.367 công trình điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 648,9MWp. Đến nay, có thêm 03 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 480MWp và 22 dự án điện mặt trời với tổng công suất 8.768MWp được UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Với sự phát triển nhanh, quy mô lớn của các dự án năng lượng tái tạo, tính đến cuối năm 2021, tổng sản lượng điện sản xuất của tỉnh Đắk Lắk ước thực hiện hơn 4.681 triệu kWh, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 80,7% kế hoạch đề ra; trong đó riêng sản lượng điện của các dự án năng lượng tái tạo chiếm khoảng 45% tổng sản lượng. 

Nhiều vùng tại Tây Nguyên với ưu thế đất rộng người thưa, trong quá trình xây dựng những ngôi nhà thường có ít tầng và trải dài trên nền đất rộng rất thích hợp cho việc "đón gió, hứng nắng trời". (Trong ảnh: Một góc tỉnh Gia Lai)

Tại Gia Lai, hiện có 17 dự án điện gió với tổng công suất 1.242,4MW được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, đã trình 56 dự án điện gió đề nghị bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực, với tổng quy mô công suất là 8.053MW. Về điện mặt trời, hiện nay có 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 138MWp đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, có 10 dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã và đang trình các cấp thẩm định, phê duyệt với tổng công suất 632MWp. Theo ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, các dự án điện gió được đầu tư trên địa bàn tỉnh khi đưa vào vận hành sẽ góp phần tăng sản lượng điện hằng năm cho lưới điện quốc gia; đồng thời đóng góp một phần trong giá trị sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa của địa phương.

Với những thế mạnh sẵn có như đất rộng, nền nhiệt và độ gió cao, Gia Lai rất có tiềm năng về phát triển nguồn năng lượng sạch và sẽ trở thành địa phương đi đầu trong chiến lược phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, không chỉ góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ nhu cầu điện cho khu vực mà còn có thể kết nối với nước bạn Lào để bán điện.

Trong khi đó, Sở Công Thương Đắk Nông cho hay, tại tỉnh Đắk Nông hiện đã có 2 nhà máy điện mặt trời nối lưới với tổng công suất hơn 106MWp và hơn 1.500 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất gần 380MWp. Các hệ thống điện mặt trời góp phần rất lớn trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Từ đó, góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế, giảm bớt áp lực về đầu tư nguồn điện của ngành điện.

Tại Kon Tum, Lâm Đồng cũng có nhiều dự án điện mặt trời phát triển với tốc độ nhanh. Như tại Kon Tum, dự án Nhà máy điện mặt trời KN Ialy Kon Tum ở huyện Sa Thầy với công suất thiết kế 200MWp cùng hàng trăm dự án điện mặt trời khác. Mới đây, Kon Tum còn nổi bật trên bản đồ năng lượng tái tạo Việt Nam với Dự án Nhà máy điện gió ở huyện Đắk Glei với công suất 50MW. Đến tháng 3/2023 sẽ có thêm 2 dự án điện gió mới tại huyện Kon Plông với công suất 1.300MW. Với hàng loạt dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Tây Nguyên, GS. TSKH. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đánh giá rằng khu vực miền Trung, Tây Nguyên nước ta có tiềm năng về năng lượng gió, mặt trời. Nhiều công trình đã được đầu tư cho thấy hiệu quả và việc tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các dự án này là hướng đi đúng đắn.

Sự phát triển của nhiều dự án năng lượng tái tạo tại Tây Nguyên sẽ kéo theo tiềm năng phát triển du lịch, nghỉ dưỡng cùng sự phát triển của các đô thị.

Với sự mạnh dạn đầu tư vào khai phá những tiềm năng của các dự án năng lượng tái tạo tại Tây Nguyên, thực tiễn cũng đã chứng minh nhiều lợi ích to lớn của nguồn năng lượng tái tạo này cho sự phát triển của kinh tế - xã hội, tạo nên sự đổi thay từ những vùng đất đầy nắng và gió, khẳng định việc đầu tư vào vùng đất nghèo nắng cháy này đang là hướng đi đúng và đã gặt hái được nhiều “trái ngọt” khi giải quyết bài toán phát triển kinh tế cho những vùng đất canh tác kém hiệu quả. Đặc biệt là những vùng đất cằn ở các huyện biên giới đem lại doanh thu cho nhiều tỉnh vùng giáp ranh và góp phần đảm bảo an ninh vùng biên giới. Từ đó, tăng thêm giá trị sản xuất công nghiệp và tăng phần thuế VAT đóng góp vào ngân sách của địa phương. 

Có thể thấy, vùng “đất sỏi” Tây Nguyên giờ đây được ví như sinh được… “mạch vàng” là năng lượng tái tạo, khi trở thành một “thỏi nam châm” liên tục thu hút nhiều dòng vốn đầu tư, kéo theo đó là tiềm năng phát triển du lịch, nghỉ dưỡng cùng sự phát triển của các đô thị khiến cho vùng đất này thay da đổi thịt từng ngày nhờ vào việc tận dụng cái nắng, cái gió để chuyển hóa thành nguồn năng lượng xanh góp phần tạo đổi thay trên những miền đất đỏ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top