Aa

Đất vàng "bạc phận", giới đầu tư TPHCM săn lùng đất "chết"

Thứ Năm, 15/09/2016 - 22:20

Nếu như trước đây, các đại gia tìm cách ganh đua để có trong tay quyền sở hữu các khu đất vàng giá trị thì những năm gần đây lại thường xuyên xảy ra tình trạng đất vàng bị trả lại, đấu thầu không có người mua thậm chí các nhà đầu tư “giành giật” xong rồi để đó.

Đấu giá nhiều lần không có người mua

Từ năm 2007, UBND TP HCM đã quy hoạch 20 ô phố (khoảng 50 ha) thuộc những vị trí "đất vàng" trong nội đô để kêu gọi nhà đầu tư phát triển dự án ở quy mô lớn. Tuy nhiên sau gần 10 năm quy hoạch, mới chỉ 4 dự án nằm trên những khu đất này được đầu tư, khai thác, số còn lại liên tục đổi chủ và bị "để đó". 

Tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở TN&MT TP HCM cho biết, năm ngoái đơn vị này tổ chức bán đấu giá 28 khu đất vàng trên địa bàn thành phố với tổng diện tích gần 855.000m2. Tuy nhiên, chỉ có 4/28 khu đất với tổng diện tích hơn 9.500m2 được đấu giá thành công, 3 khu đất khác dù được tổ chức đấu giá nhưng không có khách hàng đăng ký tham gia.

Có những khu đất vàng bán đấu giá nhiều lần không có người mua hoặc có nhà đầu tư đã trúng thầu nhưng sau đó trả lại. Đơn cử như khu đất 23 Lê Duẩn với tổng diện tích 3.300 m2 nằm trong lõi trung tâm thành phố với hai mặt tiền đường Lê Duẩn và Nguyễn Du. Trong phiên đấu giá ngày 23/6/2015, khu đất này được Công ty Tân Hoàng Minh đấu giá thành công với 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần giá khởi điểm. Đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong lịch sử các cuộc đấu giá đất đai ở địa bàn thành phố. Tuy nhiên, mới đây Tân Hoàng Minh đã làm đơn trả lại cho thành phố khu đất vàng này.

Một trường hợp tương tự phải kể đến là khu đất gần 9.800m2 ở 164 Đồng Khởi. Tọa lạc trên vị trí đắc địa, đối diện Nhà thờ Đức Bà, giáp với các tuyến đường trung tâm như Nguyễn Du, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng và Trường THPT Trần Đại Nghĩa... nhưng liên danh trúng thầu là Hongkong Land và Sumitomo & Development đã trả lại khu đất này cho thành phố. 

 

Khu đất 164 Đồng Khởi được ví như “hồng nhan bạc phận” bởi dù đã qua 3 lần đổi chủ nhưng đến nay vẫn còn dở dang.

Khu đất 164 Đồng Khởi được ví như “hồng nhan bạc phận” bởi dù đã qua 3 lần đổi chủ nhưng đến nay vẫn còn dở dang.

Cùng chung cảnh "hồng nhan bạc phận", ô đất ở "tam giác vàng" Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão, quận 1 dù được đánh giá là khu đất đẹp nhất trong 20 khu đất vàng được quy hoạch nhưng cũng đã qua 3 lần đổi chủ. Cụ thể, từ năm 2007, TP HCM đã tổ chức đấu thầu khu đất này. Doanh nghiệp trúng thầu là liên doanh Thái Sơn gồm nhiều công ty. Nhưng sau đó, Chính phủ xác định quá trình đấu thầu có nhiều sai sót nên hủy kết quả đấu thầu và liên doanh Thái Sơn cũng rút khỏi dự án. Đơn vị thứ 2 xin nhận đầu tư dự án này là liên doanh KSDP. Tuy nhiên đến năm 2011, đơn vị này cũng không thực hiện đầy đủ các yêu cầu nên bị UBND TP HCM buộc chấm dứt việc thực hiện dự án.

4 năm sau, UBND TP HCM tiếp tục “kén rể” cho khu đất rộng hơn 13.000m2 này. Kết quả là liên danh công ty xây dựng Jimiro (Hàn Quốc) - công ty Đại Tân Phú sẽ làm chủ đầu tư khu “tam giác vàng”.

Vì đâu nên nỗi?

Theo ông Lê Chí Hiếu (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức - Thuduc House), lý do xảy ra hiện tượng chủ đầu tư “ghẻ lạnh” với các khu đất vàng chính là thủ tục rối ren, phức tạp, điều kiện đấu giá khó khăn, giá thành bị đẩy lên cao, thời gian sở hữu không đủ để tính toán kinh doanh dài hạn... 

Ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch HoREA) cho biết, các tổ chức hay công ty nước ngoài rất muốn tham gia đấu thầu những khu đất vàng. Đáng tiếc là việc họ có được tham gia đấu giá hay không đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức trong khi đây mới là những công ty có nguồn lực tài chính mạnh.

Ngoài ra, quá trình đấu giá tài sản thuộc sở hữu nhà nước thiếu tính công khai, minh bạch cũng là một trong những lý do khiến cho kết quả đấu giá "đất vàng" những năm gần đây không mấy tích cực.

Nhiều ý kiến trong giới bất động sản cũng cho rằng, hiện nay không phải chủ đầu tư nào cũng thấy đất vàng là sẵn sang nhảy vào giành giật như trước đây. Bởi giá của những khu đất này thường rất đắt, khi bị cạnh tranh đương nhiên sẽ bị đẩy giá lên cao hơn khiến nhiều nhà đầu tư với không tới. Hơn nữa, thời gian chủ đầu tư sở hữu những lô đất này chỉ 50 năm, không đủ thời gian để họ tính toán kinh doanh dài hạn.

Bên cạnh đó, khoản tiền trước khi tham gia đấu giá cũng khá lớn. Theo quy định tại Điều 29 Nghị định 17/2010, người tham gia đấu giá tài sản phải nộp phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận quy định. Tức là, nếu 1 khu đất có giá khởi điểm là 588 tỷ đồng thì người đấu giá phải đặt 15% giá khởi điểm, tương đương khoảng 83 tỷ đồng.

Chán đất vàng, săn đất chết

Được biết, hiện nay, thay vì săn đất vàng, các chủ đầu tư lại đi tìm những khu đất có sẵn bằng cách liên kết, liên danh. Những khu đất “chết lâm sàng” cũng được các chủ đầu tư cho vào “tầm ngắm” bởi lợi thế không phải đền bù giải tỏa, tính pháp lý rõ ràng, vị trí đẹp... Điều này giúp quá trình thực hiện dự án nhanh và không phải trải qua các thủ tục phức tạp, cũng không phải đóng một số tiền lớn ngay từ đầu cho dự án trúng thầu.

HoREA cho hay đầu năm 2016 toàn thành phố còn 137 dự án trong tình trạng đắp chiếu, chết lâm sàng chờ chuyển nhượng. Nhưng tới thời điểm hiện tại đã có nhiều dự án được bán, chuyển nhượng thành công.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top