Vậy, PNJ - loại cổ phiếu “vàng bạc đá quý” đang lên có gì đáng lo? Reatimes cùng các chuyên gia tài chính thử phác họa góc nhìn éo le tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) khi những người có liên quan đến đại án Ngân hàng Đông Á vẫn tiếp tục bị điều tra, chưa hoàn toán trắng án; cam kết lâu dài của CEO kế nhiệm vẫn là dấu hỏi. Trong khi nhiều chỉ tiêu tài chính tại PNJ chưa hẳn đã hấp dẫn nhà đầu tư,…
Rủi ro tài chính PNJ nhà đầu tư cần lưu tâm
Gần đây nhất, PNJ có dấu hiệu suy yếu trong doanh thu quý II/2019, một phần do hệ thống ERP trục trặc, phần còn lại do sức mua người tiêu dùng bắt đầu có dấu hiệu yếu đi theo chia sẻ của lãnh đạo.
PNJ khởi động Dự án Hoạch định nguồn nhân lực doanh nghiệp – ERP, cấu phần quan trọng nhất của chiến lược chuyển đổi số vào ngày 5/4/2018. Sau một năm nghiên cứu và hoàn thiện, hệ thống ERP mới được đưa vào vận hành từ cuối tháng 3/2019. Sau đó các sự cố trong quá trình chuyển giao giữa 2 hệ thống cũ và mới đã dẫn đến tình trạng thiếu hàng để bán ở các cửa hàng và ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh quý II/2019 của PNJ.
Dù gần đây nhiều cá nhân kỳ vọng PNJ sẽ được hưởng lợi lớn từ việc vàng tồn kho 5.000 tỷ đồng mà công ty thu mua được suốt quý vừa qua trong dân tăng theo xu hướng giá vàng hiện tại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khó có thể lượng hóa rõ ràng lợi ích đem lại khi ngành này còn chịu trước tác động nhiều yếu tố ngoại cảnh.
Chẳng hạn giá vàng tăng nhưng vàng miếng 99,99% của SJC không phải là vàng nguyên liệu trong kho của PNJ. Do sức mua của người tiêu dùng yếu, liệu PNJ có thể chuyển giao toàn bộ mức tăng của nguyên liệu qua người tiêu dùng mà vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt hay không?
Phải thừa nhận rằng, PNJ là công ty đã xây dựng được uy tín dài hạn. Dư địa ngành vàng trang sức của PNJ vẫn còn rất lớn trước bộ phận giới trẻ theo tháp dân số Việt Nam sắp đến tuổi lập gia đình. Ngoài ra, với tư cách là một nhà sản xuất chế tác chiếm trọn chuỗi giá trị, cộng với nhiều dự án số hóa, thì lợi thế của PNJ khó mà phai nhạt ngay cả khi xu hướng e – commerce thay thế bán lẻ truyền thống trong thập niên tới.
Ngoài ra, PNJ như một công ty bán lẻ tiêu biểu, tuy nhiên có thể thấy PNJ là một nhà sản xuất bền vững đặc biệt trong lĩnh vực ngách ngành trang sức. Khác với hầu hết các hãng bán lẻ khác trên thế giới, mô hình kinh doanh của PNJ khá đặc biệt khi công ty có xưởng kim hoàn tự sản xuất vàng trang sức. Sau đó mở chuỗi bán lẻ để phát triển chuỗi giá trị theo chiều dọc. Khoảng 90% lợi nhuận gộp của PNJ đến từ vàng trang sức bao gồm đá quý, kim cương đính kèm. Còn lại 6 - 7% đến từ bạc và vàng miếng.
Dù sao ở góc độ 3 năm sau, tiềm năng tăng trưởng cho PNJ vẫn còn. Xét đến lợi thế cạnh tranh có từ thương hiệu 30 năm lịch sử uy tín, đội ngũ chế tác kim hoàn hàng đầu Việt Nam, PNJ đủ sức mạnh để áp bức một mức thặng dư cho sản phẩm của họ, duy trì ROE cao . Trong đó, do thị phần của công ty trong mảng trang sức chỉ mới chiếm khoảng 20%, dư địa để chiếm lĩnh thị phần từ các cửa hàng vàng địa phương, nhỏ lẻ, thiếu uy tín còn rất lớn.
Mức ROE đều đặn 20 - 34% của PNJ là khá tốt xong mấy năm gần đây vòng quay hàng tồn kho của công ty giảm dần, từ mức trên 6 lần xuống còn xấp xỉ 3 lần, chiếm 75% tài sản.
Song do hàng tồn kho của ông ty hầu hết là vàng, đá quý, kim cương nên rủi ro mất giá và mất thanh khoản là thấp. Nhìn ra thế giới, các hãng thời trang đều có vòng quay tồn kho kém, chiếm tỷ trọng cao nên mức này của PNJ tuy không hoàn hảo nhưng khá ổn định. Thế nhưng dòng tiền tự do của công ty âm mạnh do đầu tư vào hệ thống ERP, nợ vay ngắn hạn tăng gấp đôi, tương đối không tích cực.
Tuy nhiên, một trong những rủi ro bản chất của PNJ chính là nằm trong những ngành mang tính xa xỉ như trang sức, ô tô , thời trang, du lịch thường sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ chu kỳ kinh tế , không ổn định.
Mặc dù ban lãnh đạo PNJ cho rằng chu kỳ kinh tế không ảnh hưởng đến doanh nghiệp này do văn hóa tích trữ trang sức như một cách chống lạm phát. Nhưng thực tế là nhìn lại những năm khó khăn 2011 - 2012, cả doanh thu và lợi nhuận của PNJ tuy không giảm nhưng đều đi ngang và mất ít nhất vài năm sau để phục hồi tăng trưởng. Ngoài ra, việc trích quỹ khen thưởng phúc lợi 10%, ESOP 3% khiến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 20% của PNJ không thực sự hấp dẫn cổ đông.
Về tầm nhìn dài hạn, nếu lãnh đạo PNJ thật sự không liên quan đến đại án tại Ngân hàng Đông Á, thì tốc độ tăng trường của doanh nghiệp này vẫn còn, nhưng khó đột biến và phải phụ thuộc và các yếu tố khách quan khác. Tuy nhiên, với trường hợp ngược lại, chưa ai dám khẳng định nhà đầu tư của PNJ có an toàn!
Lãnh đạo PNJ còn đậm dấu ấn Đông Á Bank?
Ban lãnh đạo của PNJ nổi tiếng có năng lực và tầm nhìn nhưng lại tiềm tàng rủi ro. Các nhà đầu tư lo ngại người có liên quan đến Ngân hàng Đông Á vẫn tiếp tục bị điều tra nên lãnh đạo PNJ hiện chưa thể nói hoàn toàn vô can. Cam kết lâu dài của CEO kế nhiệm vẫn là dấu hỏi với số cổ phiếu ít ỏi người này nắm giữ.
Được biết, trong vụ án DongABank, Cơ quan CSĐT Bộ Công an hồi đầu tháng 9/2018 đề nghị truy tố Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) cùng 25 bị can trong vụ án xảy ra tại ngân hàng này. Đến nay, vẫn tiếp tục điều tra người có liên quan.
Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á - DongABank (DAB). Bị can bị truy tố là ông Trần Phương Bình (59 tuổi), nguyên là tổng giám đốc, nguyên phó chủ tịch HĐQT DongABank… Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) là người có liên quan và bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Trong khi, bà Cao Thị Ngọc Dung, chủ tịch HĐQT PNJ và là vợ bị cáo Trần Phương Bình là một trong những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã từng phải có mặt tại tòa án xử ông Phương Bình.
Trước đây, PNJ có đầu tư vào DongABank và thua lỗ nặng do cổ phiếu ngân hàng này tụt giảm. PNJ đã phải trích lập dự phòng rất lớn đối với khoản đầu tư này
Hồi đầu 2018, bà Cao Thị Ngọc Dung đã từ nhiệm chức TGĐ PNJ để tập trung vào vai trò chủ tịch HĐQT. PNJ bổ nhiệm ông Lê Trí Thông, làm CEO PNJ thay bà Cao Thị Ngọc Dung.
Ông Lê Trí Thông (1979) cũng từng gia nhập DongABank từ năm 2008 và được bổ nhiệm phó TGĐ DongABank và chủ tịch HĐQT Công ty Kiều hối Đông Á…
Trong đợt cổ phiếu PNJ giảm giá vài tháng gần đây, bà Cao Thị Ngọc Dung khẳng định không bị ảnh hưởng từ DongABank. PNJ không có liên quan và bị ảnh hưởng gì từ những vấn đề của Ngân hàng Đông Á.
Chủ tịch PNJ khuyến cáo các cổ đông tiếp nhận thông tin thị trường một cách có chọn lọc, không để các thông tin sai lệch, không có cơ sở tác động và làm ảnh hưởng tới quyền lợi.
Nhưng, thật sự có như lời bà Dung nói khi mà “cuộc đời” PNJ đã gắn liền với bao thăng trầm của DongABank?
Là cổ đông đầu tiên tham gia thành lập DongABank
Khi những tin tức tiêu cực đầu tiên về DongABank được phát đi hồi năm 2015, cổ phiếu PNJ có xu hướng đi xuống từ hơn 40.000 đồng về sát 30.000 đồng.
Cổ phiếu PNJ chào sàn ngày 23/3/2009 giữa lúc thị trường chứng khoán lao dốc từ mức đỉnh hơn 1.167 điểm hồi tháng 2/2007 về còn 260 điểm tháng 3/2009. PNJ đã gây bất ngờ cho giới đầu tư thời điểm bấy giờ với giá tham chiếu ngày đầu tiên giao dịch là 38.000 đồng, làm lu mờ hàng loạt các mã blue-chips trên sàn HOSE lúc đó. Kết thúc phiên này, cổ phiếu tăng hết biên độ 20%, tương đương tăng 7.600 đồng lên mức 45.600 đồng.
Với vị thế là doanh nghiệp kinh doanh trang sức duy nhất niêm yết trên sàn, giá của PNJ không bị trồi sụt quá mạnh. Kể cả trong giai đoạn 2012 - 2013, thị trường vàng chứng kiến nhiều "sóng gió" nhưng cổ phiếu này vẫn giữ phong độ, một phần do không còn nhiều room.
Có lẽ điểm hạn chế duy nhất của PNJ thời đó là đầu tư ngoài ngành, ảnh hưởng đến chi phí dự phòng rủi ro. Cuối năm 2012, công ty có 781 tỷ đồng đầu tư tài chính vào các công ty, lớn nhất là Ngân hàng Đông Á, Công ty Cổ phần Địa ốc Đông Á, Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn M&C hay các khoản đã thoái vốn gồm Công ty Cổ phần Quê hương Liberty, Dự án Hoàng Minh Giám, Công ty Cổ phần Địa ốc Kinh Đô, Công ty Cổ phần Năng lượng Đại Việt, Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC)…
Trong đó, khoản đầu tư lớn nhất là vào DongABank với hơn 395 tỷ đồng, tương đương gần 38,5 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 7,7% vốn (tại thời điểm năm 1992, PNJ là một trong những cổ đông sáng lập của DongABank với tỷ lệ sở hữu 40% vốn). Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT PNJ, cũng từng là Chủ tịch HĐQT DongABank từ năm 1992 - 1997.
Mối quan hệ của DongABank và PNJ còn thể hiện ở các khoản vay và dùng khoản đầu tư cổ phiếu vào DongABank làm tài sản thế chấp cho nhiều khoản vay của PNJ. Vì có mối quan hệ là vợ chồng, nên sự thất bại của ông Trần Phương Bình từ việc tìm người kế nhiệm cho đến việc DongABank bị kiểm soát đặc biệt như một cái bóng ám ảnh PNJ.
Sau nhiều năm song hành mật thiết cùng nhau, bất ngờ đến năm 2015, DongABank trở thành cú sốc ảnh hưởng lớn vào chính kết quả kinh doanh của PNJ khi Ngân hàng Nhà nước công bố kiểm soát đặc biệt. Trước đó PNJ công bố báo cáo quý II/2015 tự lập với khoản trích lập dự phòng 55 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào DongABank và lãi sau thuế hợp nhất 6 tháng thu về hơn 175 tỷ đồng.
Tuy nhiên sau soát xét, PNJ đã tăng trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào DongABank, nâng số dư khoản trích lập dự phòng rủi ro đầu tư dài hạn tại PNJ từ 55 tỷ lên 141 tỷ đồng, làm tăng chi phí tài chính trong kỳ và kéo giảm lợi nhuận sau thuế hợp nhất tụt xuống còn 107 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước đó.
Báo cáo tài chính riêng quý III/2017 cho thấy, khoản đầu tư này đã được PNJ trích lập dự phòng 100%. Con số này cao gấp 3 lần lợi nhuận sau thuế quý III/2017 của PNJ.
Do bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt nên cổ phiếu DAF của DongABank không còn sinh lời, cổ đông cũng không thể mua bán, chuyển nhượng được. Khi DongA Bank ra đời, PNJ đã hoạt động được 4 năm. DongABank ra đời và hoạt động trên nền tảng của các công ty trực thuộc ban tài chính của UBND TP. HCM và quận Phú Nhuận. Tại thời điểm cuối năm 2012, Văn phòng Thành ủy TP. HCM và 2 công ty liên quan sở hữu 12,47% cổ phần DongABank, trong đó Văn phòng Thành ủy TP. HCM là cổ đông lớn nhất sở hữu 6,87% cổ phần ngân hàng này.
Khi vụ đại án xảy ra, theo công bố thông tin sở hữu, với tỷ lệ sở hữu tổng cộng 12,73%, ông Phan Văn Anh Vũ (được biết đến với tên gọi Vũ ''nhôm'') và Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 (ông Vũ là người đại diện phần vốn góp này) là nhóm cổ đông lớn nhất của DongA Bank, xếp trên Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (7,7%) và Văn phòng Thành uỷ TP. HCM (6,87%).
Ngoài 7,7% vốn do PNJ nắm giữ, ông Trần Phương Bình, bà Cao Thị Ngọc Dung cùng 3 con gái Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Hà sở hữu tổng cộng 9,62% cổ phần tại nhà băng này.
Ban lãnh đạo PNJ và DongA Bank là một?
Vào năm 2011, lần đầu tiên ông Bình nhắc đến người kế nhiệm ở DongABank. Ở thời điểm đó, sau gần 20 năm hình thành và phát triển, DongABank đã không có nhiều sự bứt phá, thậm chí còn phát triển chậm hơn so với nhiều ngân hàng khác.
Lúc đó, động lực cho DongABank đó là cần một người thay thế ông Bình ngồi vào ghế tổng giám đốc. Thời điểm đó, ông Lê Trí Thông, 1 trong 6 phó tổng giám đốc DongABank đã được ông Bình nhắm đến và đào tạo, mà theo cách nói của ông Bình là “đào tạo một cách bài bản”.
Sau 4 năm kể từ thời điểm được giới thiệu là người kế nhiệm, ông Lê Trí Thông bất ngờ nói lời chia tay DongABank (năm 2014) với lý do tìm con đường riêng và có thể gắn bó với ngành tư vấn. Vào năm 2015, DongABank bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Đến năm 2016, ông Trần Phương Bình bị bắt.
Thế nhưng bất ngờ, đầu năm 2018, ông Lê Trí Thông cũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc PNJ thay bà Cao Thị Ngọc Dung - vợ ông Trần Phương Bình. Như vậy có thể nói, ông Lê Trí Thông vẫn là người được vợ chồng ông Bình, bà Dung tin tưởng.
*Mập mờ dòng tiền giữa hai bên:
Ngày 28/11/2018, Tòa án Nhân dân TP HCM tiếp tục xét xử vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại DongA Bank – DAB với phần xét hỏi: 20 tỷ đồng kinh doanh vàng tại PNJ đã đi đâu?
Theo cáo trạng vụ án Ngân hàng Đông Á, ông Trần Phương Bình, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc DAB, đã sử dụng 20 tỷ đồng để mở tài khoản kinh doanh vàng cho PNJ nơi mà vợ ông là bà Cao Thị Ngọc Dung làm Chủ tịch và Công ty TNHH Tân Vạn Hưng.
Số tiền này được lấy ra từ tổng các khoản chiếm đoạt sau khi thanh toán cho Công ty quỹ Lộc Việt tổng số gần 327,8 tỷ đồng tiền mua cổ phần DAB. Ông Bình cho biết đã chỉ đạo thu khống 30,25 tỷ đồng của bà Nguyễn Hồng Ánh, sử dụng 121 tỷ đồng tiền bán chung cư cao cấp Dự án Richland Hill và nguồn tiền 197 tỷ đồng cho vay hai công ty Ninh Thịnh và Sao Việt Nam.
Tại phiên toà, ông Bình khai thời điểm đó bị cáo cùng với chồng của bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, nguyên phó Tổng Giám đốc DAB, cùng chung nhau kinh doanh vàng tài khoản. PNJ và Tân Vạn Hưng được cấp phép kinh doanh vàng tài khoản, có kêu gọi khách hàng cùng tham gia để hưởng phí. Sau đó, ông đã thực hiện kinh doanh bằng cách ký quỹ.
Khi Viện Kiểm Sát (VKS) hỏi hiện số tiền 20 tỷ đồng đang ở đâu thì bị cáo Bình khai do kinh doanh thua lỗ nên khoản này bị mất hết. Khi thua lỗ ông đã xin chịu một mình, không chia đôi với chồng bà Xuyến.
Khi nói về việc bán cổ phần thuộc sở hữu của vợ con mình, ông Bình trình bày do việc bán cổ phần ngân hàng có hạn chế thành viên trong gia đình nên đã nhờ đứng tên. Khi nhận cổ tức, DAB trả qua tài khoản của những người đứng tên mua cổ phần sau đó chuyển sang tài khoản của ông. Vợ con ông không sử dụng số cổ tức này.
Về hành vi chuyển khoản tài khoản thẻ Ngân hàng Đông Á thì ông thực hiện qua ATM chuyển từ tài khoản này sang người khác. Cũng có một số trường hợp ông Bình nhờ bộ phận IT chuyển khoản trên hệ thống từ tài khoản của người thân sang tài khoản của mình.
Ông Bình khai không nhớ rõ số cổ tức nhận nhưng nhớ có lần, cán bộ điều tra có tính toán, thì số cổ tức từ đó đến giờ của gia đình ông nhận hơn 100 tỷ đồng.
Khi VKS hỏi ông Cao Ngọc Liên, bố vợ bị cáo đứng tên mua hơn 500.000 cp nhưng sau đó lại chuyển nhượng hơn 3 triệu cp, ông Bình trả lời không nhớ rõ. Trong quá trình mua bán cổ phiếu, bị cáo có nhờ bố vợ đứng tên để mua cổ phần do việc này không cần công bố thông tin. Năm 2007, bị cáo có mua đi bán lại cổ phần đứng tên Cao Ngọc Liên nên xuất hiện 3 triệu cổ phiếu.
Ông Bình cũng khẳng định tỷ lệ phần trăm cổ phần của ông và người thân đứng tên chưa bao giờ đạt đến con số 20% nên không thể gọi là thâu tóm như VKS hỏi được.
Ông không xác định phần trăm bao nhiêu thì mới nắm quyền cao nhất, tuy nhiên, khi bỏ phiếu biểu quyết tại hội đồng cổ đông, người nào sở hữu trên 30% cổ phần thì có quyền ban hành nghị quyết.
Nhiều hành vi ông Bình thực hiện liên quan đến người thân – người PNJ:
Do không tìm được người có thể mua cổ phần với giá cao gấp 13 lần thị trường và nhằm tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng, ông Trần Phương Bình, Nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa các khoản vay để mua cổ phần.
Ông Trần Phương Bình xác nhận những số liệu cũng như hành vi, nội dung truy tố trong cáo trạng là phù hợp.
Ông Bình khai làm Ngân hàng Đông Á từ tháng 7/1992. Trước đó ông tham gia thành lập ngân hàng với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. DAB trải qua rất nhiều lần nâng vốn điều lệ, ông Bình cho biết không nhớ rõ bao nhiêu lần tăng vốn, và ước khoảng 39 lần
Cổ đông sáng lập có PNJ góp 8 tỷ đồng, Công ty Nhà Phú Nhuận 8 tỷ đồng. Trong đó bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ - là vợ bị cáo. Việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng dựa vào quyết định của Đại hội đồng cổ đông, sau đó giao cho Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng giám đốc thực hiện.
Các cổ đông hiện hữu căn cứ cổ phần phát hành, đăng ký mua thêm cổ phần. Ông Bình cho biết, có một số trường hợp cổ phần bán cho người không phải cổ đông hiện hữu.
Ông Bình khai có nhớ rõ quy định của NHNN về tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng nhưng không nhớ năm nào.
Nói về hoàn cảnh của hành vi, ông Bình cho biết, vào đầu năm 2007, DongA Bank có nghị quyết tăng 200 tỷ đồng vốn điều lệ với giá cao gấp 13 lần thị trường nhưng khi thực hiện, Thành ủy TP.HCM đã quyết định không mua số cổ phần đó. HĐQT Ngân hàng giao cho ông Bình tìm kiếm người có thể mua cổ phần để tăng vốn điều lệ.
Ông Bình cho biết đã làm việc với nhiều người nhưng không thể tìm được người mua với giá cao như vây. Bị cáo phải làm việc với hai thành viên HĐQT khác nhờ mua giúp cổ phần. Nguyên Chủ tịch DongA Bank cho biết, số tiền tăng vốn nằm hết ở lượng cổ phần ông và người thân đứng tên tại Ngân hàng.
Liên quan đến chia cổ tức tại DongA Bank, theo ông Bình, tùy thời gian và tùy vào quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số tiền chia cổ tức cho cổ đông cũng thay đổi, có năm lên tới 40%, năm thấp nhất 8% (năm 2014).
Số tiền chia cổ tức sẽ được chuyển cho cổ đông thông qua tài khoản thẻ ATM của họ. Ngoại trừ rất ít cổ đông thấy không cần chuyển vào thẻ thì nhận tiền mặt. Ông Bình khai đã nhờ người thân mua cổ phần và nhận cổ tức đều thông qua cách thức như trên.
Vậy, tất cả những giao dịch liên quan đến tài chính ông Bình thực hiện gây sai phạm tại DongABank đều liên quan đến PNJ và người thân, cụ thể là lãnh đạo PNJ. Vậy trách nhiệm của người liên quan trong từng vụ việc cụ thể sẽ được tính như thế nào? Sâu chuỗi lại những yếu tố trên khó có thể chấp nhận được việc PNJ “không liên quan” với đại án tại Ngân hàng Đông Á.