Với một số nhà đầu tư, bất động sản không phải là vàng khối mà là một loại hình tài sản sống với giá trị có thể được gia tăng. Nhiều thị trường ở khu vực châu Á Thái Bình Dương được nhận định là đang ở cuối giai đoạn tăng trưởng. Điều này khiến việc duy trì và gia tăng giá trị bất động sản càng quan trọng.
Quản lý bất động sản thông minh có thể làm gia tăng giá trị bằng cách tăng sức hút của tòa nhà với khách thuê, tiết kiệm chi phí và làm tăng tính thương mại cho tòa nhà.
Các nguyên tắc quản lý giúp tăng giá trị bất động sản bao gồm: Chọn nhân sự quản lý bất động sản chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm và dịch vụ quản lý bất động sản chất lượng có thể làm tăng tính thương mại của một tòa nhà.
Tiếp đó là liên tục nâng cấp và cải thiện các tiện ích trong tòa nhà có thể nâng cao giá trị của tòa nhà và giá thuê. Áp dụng các giải pháp và dịch vụ gia tăng giá trị tài sản như sử dụng hệ thống công nghệ thông tin và các giải pháp khác để nâng cao tính cạnh tranh của tòa nhà.
Lưu ý đến vấn đề quản lý tài chính, quản lý tài chính đúng đắn có thể đảm bảo tính bền vững và khả năng sinh lời của dự án và không xem nhẹ yếu tố “chính trị”: Duy trì mối quan hệ với các đơn vị làm luật và đồng hành cùng cộng đồng có thể có những giá trị nhất định.
Sau vài năm đầu bỡ ngỡ, hiện tại, các nhà phát triển bất động sản đều đã nhận thấy những lợi ích thực tế mà mô hình quản lý bất động sản từ các thương hiệu, tập đoàn quốc tế uy tín, giàu kinh nghiệm địa phương mang lại. Ngoài các lợi ích trực tiếp như đảm bảo sự an toàn, hài lòng cho cư dân, dịch vụ quản lý bất động sản chuyên nghiệp còn gián tiếp làm gia tăng giá trị bất động sản của các chủ sở hữu.
Đối với các dự án bất động sản đang trong giai đoạn thiết kế thi công, việc sử dụng dịch vụ tư vấn quản lý bất động sản sẽ giảm thiểu chi phí chỉnh sửa thiết kế của dự án, đảm bảo việc vận hành sau này, cũng như đưa ra được cho chủ đầu tư một bức tranh toàn cảnh về chi phí vận hành của dự án.
Còn với những dự án đang trong giai đoạn giới thiệu ra thị trường, việc chọn được một đơn vị quản lý chuyên nghiệp sẽ tạo được niềm tin và “tâm trạng muốn mua” của khách hàng đối với dự án.
Theo đánh giá chung, các dự án được quản lý bởi các công ty có thương hiệu lớn trên thế giới thì hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng sẽ có ưu thế hơn. Nhiều chủ đầu tư chia sẻ, các thương hiệu quốc tế giúp họ hiểu được rõ hơn giá trị của việc sở hữu một đại diện quản lý chuyên nghiệp bởi tính hiệu quả dài hạn, khả năng xử lý tình huống hợp lý trong trường hợp có tranh chấp, mâu thuẫn giữa các bên.
Bà Trần Minh Ái, Giám đốc bộ phận Quản lý Bất Động sản, Savills TP.HCM cho hay, quản lý bất động sản là một khái niệm quen thuộc trên thế giới, có thể được hiểu là một chu trình khép kín để vận hành một tòa nhà, bao gồm: Quản lý hệ thống và nhân sự, điều hành, hoạch định tài chính, bảo trì và quản trị rủi ro quảng cáo, tiếp thị bán, cho thuê...
Tại Việt Nam, do thói quen kinh doanh và mức độ phát triển của thị trường, các đơn vị quản lý bất động sản chủ yếu cung cấp dịch vụ tiện ích, bảo trì, vệ sinh, an ninh cho các chung cư, khu đô thị mới, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại.
Hiện nay, việc thành lập, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này được nêu rõ trong Thông tư 02/2016/TT-BXD, trong đó đặc biệt chú trọng đến chuyên môn nghiệp vụ của những người tham gia trực tiếp vận hành bất động sản, phải có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo theo quy định của Bộ Xây dựng
“Quản lý bất động sản đang ngày càng được coi trọng tại các dự án nhà ở và thương mại tại Việt Nam. Dù là chủ đầu tư tự quản lý hay đơn vị quản lý bất động sản độc lập, hoạt động này đang ngày càng chuyên nghiệp hóa và tích cực hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị bất động sản”, bà Ái nhận định.