Aa

Đấu giá nhà tái định cư

Thứ Bảy, 05/06/2021 - 16:27

Đấu giá tài sản công là một hoạt động bình thường đã được quy định trong Luật Đấu giá tài sản được tổ chức bởi các cơ quan quản lý Nhà nước theo đúng trình tự, thủ tục quy định.

Với TP.HCM, đây cũng là một hoạt động bình thường và trong nhiều tình huống, có ý nghĩa lớn để gia tăng nguồn thu ngân sách, hiệu quả sử dụng tài sản công cho các mục đích công, không để lãng phí thất thoát.

Khu căn hộ tái định cư Bình Khánh, TP Thủ Đức đã trải qua 3 lần đấu giá
Khu căn hộ tái định cư Bình Khánh (TP. Thủ Đức) đã trải qua 3 lần đấu giá.

Cơ sở nào cho đấu giá?

Song từ hoạt động nỗ lực không ngừng đấu giá khu căn hộ tái định cư Bình Khánh (TP. Thủ Đức) cho thấy có nhiều vấn đề. Bởi đây là lần thứ ba TP.HCM tổ chức đợt đấu giá này. Hai đợt đấu giá trước là vào 2017 và 2018.

Năm 2021 khi đã có quy hoạch TP. Thủ Đức, các đợt “sóng địa ốc” dâng cao và thiết lập một mặt bằng giá mới cho địa ốc khu vực. Có vẻ đây là lý do để TP.HCM dù chưa có giá khởi điểm phê duyệt nhưng trong kế hoạch tăng giá thêm 12,5% so với giá đợt đấu giá đầu tiên và 8% so với đợt đấu giá thất bại gần nhất. Theo đó, TP.HCM dự kiến thu về 9.900 tỷ đồng từ đấu giá trọn lô.

Về việc “tăng giá tiệm tiến”, chuyên gia Tài chính Đầu tư Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cho rằng: Thứ nhất, về phương thức đấu giá trọn lô hoặc chia rổ hàng theo lô nhưng không quá nhỏ, đã hạn chế các nhà đầu tư tiềm lực yếu và không đủ khả năng kết nối liên minh tham gia.

Không phải không có lý khi trước đó ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA đề nghị phân lô, chia 1 phần đấu giá cho cá nhân lẻ có nhu cầu ở thực. “Tuy nhiên cần lưu ý nếu theo phương thức này nhà đầu tư lại có thể khó quản lý trọn lô, chuyển đổi và nâng cấp theo mục đích của mình, từ đó không muốn tham gia đấu giá”, chuyên gia nói.

Đấu giá nhà tái định cư

Thứ hai, việc đấu giá tăng “quyết không hạ giá” đã cho thấy bất cập lớn. Đây là dự án đã xây nhiều năm. Chí chi phí sửa chữa, bổ sung tiện ích không kém nhiều so với xây mới và “làm lại” nhận diện thương hiệu. Đặc biệt, vấn đề thay đổi tư duy người mua, khắc phục điểm yếu gốc là căn hộ tái định cư người mua cao cấp sẽ mặc định không muốn ở.

Đứng ở góc nhìn đầu tư

Nói cách khác là cần tính toán lại trên cơ sở giá đất, và giá đấu khởi điểm trên tinh thần “bán sỉ”, chứ không phải trên giá thị trường. Nhà nước cần tránh tư duy “chủ chợ”, nên từ góc nhìn của nhà đầu tư, họ sẽ cân đo về giá trị quỹ đất, chi phí khai thác một quỹ đất như vậy bao gồm: Phí hồ sơ, thời gian, giải phóng mặt bằng, chi phí vay, thậm chí cả chi phí ngầm… so với lợi ích của việc có quỹ đất sạch ngay, và mức độ dung sai chênh lệch giữa 2 chi phí đó, mà quyết định tham gia bỏ thầu.

Một thông tin rất đáng mừng trong nay mai cho hoạt động đấu giá tài sản công nói chung và cho nỗ lực của TP.HCM nói riêng, là Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản. Dự thảo đặc biệt có quy định công khai về thông tin lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

Dự thảo đang lấy ý kiến và theo đó, khi được bổ sung để ban hành trên khung pháp định chung, đặc biệt về tổ chức đấu giá tài sản đã được quy định tại Khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản, sẽ ngày càng chuyên nghiệp hóa hoạt động đấu giá tài sản và đưa hoạt động này sát ngang với thực tế, nhu cầu thị trường, gia tăng hiệu quả./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top