Lời tòa soạn:
Đại dịch Covid-19 khiến thị phần khách quốc tế giảm, nhưng xu thế tất yếu là sự gia tăng của thị phần du lịch nội địa, mở ra nhiều cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc..., khi có quy hoạch đồng bộ, tầm nhìn dài hạn, đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhìn về tiềm năng, thị trường ở những khu vực này còn dư địa phát triển rất lớn, do khả năng khai thác dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng cao, nhiều lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi thuế…
Dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ngày 9/6/2020, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm: Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19.
Nội dung: Phân tích xu hướng phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, trong đó trọng tâm thảo luận về cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19. Thông qua đó, chia sẻ kinh nghiệm phát triển những sản phẩm bất động sản của các thương hiệu lớn, uy tín, tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc...
Thành phần tham dự: Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia kinh tế vĩ mô, các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, kiến trúc, xây dựng, luật sư và lãnh đạo các doanh nghiệp, phóng viên các cơ quan báo chí.
Song song với việc tổ chức Tọa đàm, Reatimes thực hiện và khởi đăng tuyến bài: Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19.
Trân trọng giới thiệu với độc giả!
Những năm 1990, thuật ngữ "kinh tế ban đêm" bắt đầu manh nha xuất hiện ở các nước có nền kinh tế phát triển. Ở Anh, các thành phố nhìn nhận lại rằng, kinh tế ban đêm không còn là một không gian tiêu cực. Họ bắt đầu ước tính giá trị của nền kinh tế ban đêm từ nguồn thu đóng góp của các nhà hàng, câu lạc bộ, taxi và các hình thức giải trí khác. Kể từ đó, kinh tế ban đêm bắt đầu được thúc đẩy và phát triển.
Năm 2007, thành phố Luân Đôn ban hành các quy định về quản lý nền kinh tế ban đêm, đưa ra khung pháp lý đầy đủ và định hướng cho sự phát triển của hình thức này. Thủ đô của nước Anh đã trở thành mô hình kinh tế ban đêm mẫu cho các thành phố khác trong nước và nước ngoài với nguồn lợi khổng lồ.
Kinh tế ban đêm đã mang lại cho nhiều quốc gia nguồn lợi khổng lồ.
Theo thống kê, nền kinh tế ban đêm mang lại 102 tỷ USD cho Australia mỗi năm, đóng góp tới 6% GDP Vương quốc Anh và ước tính đạt quy mô 400 tỷ yên tại Nhật Bản vào năm 2020. Giá trị của nền kinh tế dưới ánh đèn điện đã không ngừng tăng trưởng các năm qua, nhất là khi nhiều quốc gia áp dụng chính sách mở cửa mạnh mẽ. Dù không phải là một phát kiến mới nhưng các nước phát triển coi đây là một động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh kinh tế suy thoái, đặc biệt đối với các quốc gia có tiềm năng về du lịch.
Trong bối cảnh hiện nay, khi dịch Covid-19 đi qua cùng chính sách cách ly xã hội, sự tổn hại của nền kinh tế ban đêm là không hề nhỏ. Nhiều quốc gia bắt đầu lên chiến lược mới để phục hồi nền kinh tế ban đêm và coi đây như là động lực then chốt nhằm tạo sức đẩy cho nền kinh tế đang suy giảm.
Kinh tế ban đêm đã ở chặng đua mới, không chỉ dừng tại mỗi quốc gia mà bắt đầu lan mạnh tới những nước đang phát triển, các nước có ngành du lịch phát triển. Và Việt Nam đang nằm trong cuộc chơi đó.
Tại Việt Nam, thuật ngữ "kinh tế ban đêm" đã được bàn thảo nhiều lần. Tuy nhiên, đến nay, mô hình này vẫn chỉ "dậm chận" trong các hội thảo, diễn đàn. Trước đó, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có chỉ đạo yêu cầu các bộ, địa phương chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm mà Chính phủ Trung Quốc vừa ban hành.
Tuy nhiên, đến nay, kinh tế ban đêm vẫn còn xa vời với dải đất hình chữ S. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn đang nỗ lực phát triển các mô hình kinh doanh gắn liền với kinh tế ban đêm tại các dự án bất động sản của mình. Có thể kể tới như Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City, đây là dự án đầu tiên thí điểm mô hình kinh tế ban đêm tại Vân Đồn (Quảng Ninh).
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận lại "sức mạnh vạn năng" của nền kinh tế ban đêm, nhất là trong bối cảnh, nền kinh tế cần động lực tăng trưởng. Mặc khác, lợi thế của Việt Nam đang là điểm đến an toàn của các quốc gia trên thế giới. Cơ hội vàng để thí điểm và triển khai kinh tế ban đêm đã và đang đến gần.
Cà phê cuối tuần xin giới thiệu những chia sẻ của TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế; ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa.
SỰ TẤT YẾU CỦA PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM
TS. Nguyễn Minh Phong: Phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam là tất yếu vì phù hợp với xu hướng quốc tế và để níu chân khách du lịch. Trên thực tế, Việt Nam đã có các khu chợ đêm hoặc phố ăn đêm, một số chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24, những tuyến phố mang nét đặc trưng như Tạ Hiện (Hà Nội) hay Bùi Viện (TP.HCM)… Việt Nam còn có Bà Nà Hills ở Đà Nẵng có thể đón khách lúc nửa đêm và Vòng quay Mặt trời ở thành phố này có thể quay suốt đêm, với nhiều công viên giải trí sẵn sàng phục vụ mọi du khách chưa ngủ.
Trên mọi miền đất nước đều có nhiều nơi có thể quy hoạch dành riêng cho việc tổ chức các chương trình hoặc dự án kinh tế đêm thu hút khách du lịch, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, quảng bá và bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân tộc, trong khi vẫn đảm bảo trật tự trị an và giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.
Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của Việt Nam hiện nay chủ yếu là sản phẩm cứng, khá đơn điệu và chỉ tập trung 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều, còn các sản phẩm có thể thu được nhiều tiền nhất, là từ 18 giờ tối đến 2 giờ sáng ngày hôm sau thì đến nay vẫn không được phát triển. Nhiều địa phương đã quan tâm làm phố đi bộ ban đêm, nhưng do thiếu quy hoạch và đầu tư thích đáng… nên không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Trước tình hình đó, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo yêu cầu các bộ, địa phương chủ động nghiên cứu chính sách và kinh nghiệm phát triển kinh tế ban đêm để có thể vận dụng phù hợp vào thực tiễn Việt Nam. Đặc biệt, bối cảnh trong nước và thế giới thời hậu Covid-19 càng làm tăng áp lực tìm kiếm, khai thác các động lực phát triển du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Phát triển các khu kinh tế ban đêm là một trong những giải pháp khả thi và mở ra triển vọng mới cho cả 2 lĩnh vực này.
Ông Trần Đình Quý: Bất động sản nghỉ dưỡng muốn phát triển thì trước hết du lịch phải tăng trưởng. Việt Nam có tiềm năng vô tận, với đường bãi biển dài, đẹp, khí hậu nóng ẩm. So với các nước khác, Việt Nam có rất nhiều lợi thế nhưng thực tế, cách làm du lịch, hay cách phát triển thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của chúng ta như những đứa trẻ mẫu giáo đi học khi so với các nước như Malaysia, Singapore và đặc biệt Thái Lan.
Chúng ta chưa biết giữ chân khách du lịch, chưa biết tạo ra sức hút thực sự, đáng phải đến nhiều lần để trải nghiệm. Các nước khác tiềm năng du lịch không bằng chúng ta, không đẹp không quyến rũ nhưng biết tạo ra kịch bản, biết marketing để thu hút khách du lịch.
Một trong những điểm nhấn mà du lịch các nước thành công, đó là họ khai thác tốt kinh tế về đêm. Ví dụ, họ đến một nơi nào đó không phải hoàn toàn muốn khám phá xem resort ở đó đẹp hay không mà muốn tìm hiểu môi trường, lịch sử văn hóa, kiến trúc, giá trị thiên nhiên, tập tục của vùng miền. Lúc đó, kinh tế ban đêm sẽ mở ra thêm khoảng không để du khách tìm hiểu, để tạo ra dịch vụ tiện ích để họ tận hưởng một cuộc sống thật khác khi ánh đèn thắp sáng.
Việt Nam vẫn còn đang “dàn binh bố trận” cho du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp và chưa tạo ra được cú hích. Ví dụ như đi Thái Lan, du khách đều thích chiêm ngưỡng, trải nghiệm các chương trình trình diễn ban đêm.
Chúng ta mới chỉ chú tâm phát triển dịch vụ 4 sao, 5 sao mà chưa làm tốt việc khai thác dịch vụ kinh tế ban đêm. Đó là dịch vụ hút khoản tiền khổng lồ, tạo ra giá trị tăng trưởng.
Việt Nam đã có các tổ hợp du lịch giải trí tốt, chuyên nghiệp đồng bộ nhưng đáng tiếc lại thiếu đi cơ chế hoạt động của nền kinh tế ban đêm.
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM
TS. Nguyễn Minh Phong: Để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, thiết nghĩ cần nghiên cứu thị trường, nhu cầu của khách du lịch và tiềm năng cụ thể mỗi địa phương và vùng, thậm chí cả khu vực, có điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Trước mắt, triển khai thí điểm tại Vân Đồn (Quảng Ninh), huyện đảo Phú Quốc và một số thành phố lớn, như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng…
Hơn nữa, cần có kế hoạch và sự chỉ đạo thống nhất toàn quốc, cũng như trên từng địa phương để xây dựng và tạo “hệ sinh thái kinh tế ban đêm” đồng bộ cả về luật pháp, mạng lưới quản lý dịch vụ an ninh, an toàn và cơ sở hạ tầng; tập trung hình thành và phát triển các khu kinh tế ban đêm chuyên biệt, được quy hoạch dài hạn và đầu tư bài bản, đầy đủ cơ sở hạ tầng điện, nước, bất động sản; kết nối giao thông tiện lợi giữa các điểm nhấn của khu, như các biệt thự nghỉ dưỡng, đường phố chuyên doanh, ẩm thực, quảng trường, công viên và cả nhà hát hoặc bảo tàng, cùng các hoạt động giải trí đa dạng theo nhu cầu khách du lịch hoạt động cả ngày đêm. Các sản phẩm của khu kinh tế ban đêm cần đa dạng và tiện ích cao, kết nối từ nhiều ngành ẩm thực, văn hóa, nghệ thuật, giải trí, đạt được các yêu cầu cao về chất lượng và vệ sinh dịch tễ, an toàn xã hội…
Việc kích thích tiêu dùng ban đêm, với chính sách hỗ trợ giá điện, nước cho các nhà hàng và các địa điểm tham quan, biểu diễn nghệ thuật và cửa hàng tiện lợi được hoạt động 24/24… sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào cơ sở vui chơi, giải trí, mua sắm. Từ đó, các công ty du lịch sẽ có nhiều phương án kéo dài thời gian lưu trú cho du khách, các tour dài ngày hơn. Du khách ở lại dài hơn sẽ chi tiêu nhiều hơn, được thụ hưởng và trải nghiệm nhiều hơn.
Đồng thời, cần thành lập những cơ quan và phát triển đội ngũ các nhà quản lý chuyên nghiệp quản lý các doanh nghiệp và dịch vụ hoạt động về đêm. Trong đó cần có cơ chế thích hợp quản lý các cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, xăng dầu, bia rượu, đồ uống cao cấp, thuốc lá và nâng cao năng lực quản lý các tệ nạn xã hội, chống hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế, cũng như đảm bảo an ninh, an toàn đô thị và quản lý thị trường.
BẤT ĐỘNG SẢN NGHỈ DƯỠNG: SỨC BẬT TỪ KINH TẾ BAN ĐÊM
TS. Nguyễn Minh Phong: Nếu làm tốt, chắc chắn các khu kinh tế ban đêm sẽ trở thành vừa là động lực kinh tế, vừa là động lực văn hóa tại các thành phố, địa phương và khu vực, giúp tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng công suất hữu dụng và giúp cả giảm áp lực cho các cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ, giao thông vận tải.
Trong bối cảnh tìm kiếm các động lực mới từ phát triển kinh tế dịch vụ và khai thác thị trường trong nước, với những đột phá về nhận thức và cách nghĩ, cách làm mới, kỳ vọng kinh tế ban đêm sẽ là “cửa sáng” cho phát triển các ngành dịch vụ thương mại - du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng đáp ứng nhu cầu của cả du khách trong nước và quốc tế, cùng các tác động lan tỏa tích cực của chúng cho các hoạt động kinh tế vĩ mô và vi mô liên quan của Việt Nam thời hậu Covid-19.
Ông Trần Đình Quý: Vai trò của ngành du lịch vẫn chưa định hướng hay nhìn nhận ra tầm quan trọng của kinh tế ban đêm. Chúng ta đã nhắc đến khái niệm này khá nhiều nhưng tất cả vẫn dừng lại ở con số 0. Mặc khác tôi cho rằng, muốn kinh tế ban đêm phát triển thì Nhà nước nên chỉ thể hiện vai trò của người định hướng, đưa ra chính sách. Còn lại, trên khung sườn sẵn có, doanh nghiệp sẽ khai thác. Vì doanh nghiệp Việt Nam rất sáng tạo. Họ biết cách làm lôi cuốn nhưng quan trọng phải có chính sách đặt ra.
Tất nhiên phải có quy hoạch bài bản, đâu là điểm hoạt động du lịch, chủ đề là gì, đâu là nơi phát triển kinh tế ban đêm. Chúng ta không thể phát triển kinh tế ban đêm ở tất cả các điểm du lịch mà phải lựa chọn hợp lý. Vấn đề này cần ý kiến của doanh nghiệp, vì chính họ mới biết đâu sẽ là nơi tốt nhất để làm.