Những ngày đầu năm Kỷ Hợi 2019, nhiều dân kinh doanh bất động sản kéo nhau đi lễ Đình Ứng Thiên (thuộc phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) để cầu lộc, phát tài.
Giới kinh doanh bất động sản cho rằng, Hậu Thổ là nữ thần cai quản đất đai toàn cõi và được thờ trong Đình Ứng Thiên. Vì thế, nếu ai đến đây “xin lộc” sẽ được thuận lợi trong việc nhà cửa, đất cát. Theo quan sát, những ngày này du khách thập phương đi lễ Đình Ứng Thiên rất đông, các ban thờ có thời điểm không còn chỗ đặt đồ tiến cúng.
Anh Nguyễn Bá Thế (quận Cầu Giấy, Hà Nội), có kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề môi giới bất động sản chia sẻ: “Trong giới kinh doanh bất động sản, chúng tôi vẫn hay bảo nhau đi lễ Đình Ứng Thiên để xin lộc, cầu may mắn, đặc biệt những ngày đầu năm thì mọi người đi lễ càng đông. Thời điểm thị trường bất động sản chững lại và không bán được, giới kinh doanh bất động sản đi lễ Đình đông hơn. Riêng tôi thì dịp đầu năm, ngày hội Đình hay mùng 1, ngày rằm và chuẩn bị bán dự án nào thì đều đi lễ Đình xin lộc”.
Theo tìm hiểu, Đình Ứng Thiên gọi theo địa danh là đình Láng Hạ, ngoài ra còn có các tên khác là đền Hậu Thổ và đền Nhà Bà. Đình được xây dựng trong khoảng năm 1069–1072 đời Lý Thánh Tông để thờ một vị nữ thần. Truyền thuyết kể rằng, khi vua đi thuyền chinh Nam gặp sóng lớn, thần đã báo mộng giúp vượt qua Cửa Hoàn. Sáng ra vua sai tìm trên bờ thì được một khúc gỗ rất giống hình người trong mơ, liền đặt tên là “Hậu Thổ phu nhân”. Sau khi thắng trận và bắt được vua Chiêm là Chế Củ, vua đem tượng về kinh đô thờ cúng.
Sách “Đại Việt Sử Lược” in năm 1377 cho biết, năm Chính Long Bảo Ứng thứ 9 (1171) vua Lý Anh Tông sai sửa sang đền Hậu Thổ. Đến thời Trần Anh Tông, gặp lúc hạn hán vua bèn dựng đàn cầu đảo, thần báo mộng rằng “Bản đền có Câu mang Thần quân có thể làm mưa được”. Nhà vua tỉnh dậy sai quan hữu ty đến làm lễ. Quả nhiên mưa lớn tràn ruộng, vua bèn ban sắc phong “Ứng Thiên Hậu Thổ phu nhân”. Câu mang Thần quân coi về mưa xuân, nên từ đó làm lễ vào mùa xuân, đem trâu đất để dưới đền thờ. Sau lại tôn phong là “Ứng thiên Hoá dục Nguyên trung Hậu Thổ Địa kỳ Nguyên quân”.
Có thuyết cho rằng đó chính là Nữ thần Ponagar của người Chăm. Vì là Thần đất cho nên khi tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển, thì Nữ thần này cũng được coi là Mẫu Địa. Qua các triều Lê, Tây Sơn rồi Nguyễn, Nữ thần đều được gia phong và xếp hạng là “Thượng Đẳng Tối Linh Thần”. Sắc phong sớm nhất còn lưu giữ ghi niên hiệu Vĩnh Khánh nhị niên (1730), sắc phong cuối cùng được vua Khải Định ban cho vào đầu Thế kỷ 20.
Đình Ứng Thiên được UBND TP. Hà Nội xếp hạng Di tich văn hóa vào năm 1984. Hội Đình mùa xuân diễn ra từ ngày 6 – 8/3 (Âm lịch) và hội mùa thu vào ngày 26/9 (Âm lịch). Hội xuân đồng thời diễn ra ở cả 3 làng Láng Thượng, Láng Trung, Láng Hạ. Mỗi dịp hội Đình Ứng Thiên diễn ra đã thu hút rất đông du khách thập phương và dân kinh doanh bất động sản tìm đến.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Hà Nội, không chỉ có Đình Ứng Thiên, nhiều dân kinh doanh bất động sản cũng hay đi lễ Đền Bia Bà, Phủ Tây Hồ để xin lộc, cầu may mắn, thuận lợi trong việc nhà cửa, đất cát.