Aa

Dâu ta, dâu Tây và gia đình Việt

Thứ Tư, 16/09/2020 - 08:00

Có lẽ chìa khóa của hạnh phúc gia đình là sự thấu hiểu. Chỉ cần trái tim phụ nữ biết cho đi, biết độ lượng tha thứ thì ở góc độ nào của cuộc sống cũng không có barie vô hình, dù mẹ chồng xử sự với nàng dâu ta hay Tây.

Buộc vào rồi cởi ra thôi, đó là sợi duyên bên lề mâm cỗ cưới của hai bạn trẻ tổ chức hôn lễ ở bên nước Nhật khi không có bố mẹ và gia đình. Chàng là người Việt, vợ chàng là người Mông Cổ, nàng ở hẳn thủ đô U Lan Bato. Đám cưới chỉ có mấy người bạn trong lớp. Chàng nói hai đứa mình tùy duyên, anh đến từ quốc gia Việt Nam, em đến từ thảo nguyên nội Mông và rồi cưới nhau ở đất nước mặt trời mọc. 

Mới đầu chỉ nghĩ, sợi duyên buộc vào nhau sẽ khó cởi ra. Nhưng đám cưới đó chỉ tồn tại được hai năm khi hai bạn vừa về Việt Nam và một năm sau họ lại đồng thuận ly hôn. Nút thắt là ở chỗ cả hai bạn trẻ chưa hiểu kỹ về nhau, về văn hóa của hai xứ sở và họ chia tay nhau giống như người buộc chỉ cổ tay rồi dễ dàng cởi ra.

Bây giờ thì gia đình Việt đã không còn xa lạ với hình ảnh nàng dâu Tây ngồi bên mâm cơm thời hội nhập. Nàng dâu Tây có thể khác về văn hóa ẩm thực và mỗi khi đến bữa chồng cầm đũa còn nàng cầm dĩa, dao. Nhưng cũng có nhiều nàng dâu ta từng cầm đũa thành thạo lại thay đổi đến chóng mặt so với nét truyền thống của ông bà ta ngày xưa. Chính vì sự khác biệt này mới có chuyện để nhìn vào. Khi con cái chúng ta du học trời Âu là đang xa rời nếp nhà và tiệm cận với nền văn minh mới. Chúng đang rời xa bố mẹ, rời xa sự đầm ấm của gia đình. 

Vào những ngày tháng sáu nóng nhất của Hà Nội, một người bạn của tôi cũng vừa khoe việc phải lo cho con trai lập gia thất khi mà vừa cưới về đã được cả trâu lẫn nghé. Mà con dâu cũng tốt nghiệp đại học Bách khoa hẳn hoi. Bữa cơm đầu tiên với con gà không bóc hết lá phổi, cả đôi chân gà cũng chưa lột da chân và nàng cứ thế đem luộc. Thế là chồng trẻ vội vàng mở vung, đổ nồi nước đi và lặng lẽ bóc da chân, bóc phổi, sát muối chanh con gà mang đi luộc lại. Mọi chi tiết không thể qua được mắt người mẹ nhưng bà im lặng, coi như chưa biết chuyện xảy ra. 

Dâu ta từ ngày về nhà chồng, ngọn rau muống luộc mà nhặt rau ngắt ngọn ngắn như đĩa rau xào, rồi miếng thịt gối cũng thái dọc thớ, hai bữa cơm cũng chỉ biết có duy nhất món luộc. Thịt luộc và rau luộc. Sang đến mùa thu, nàng thú nhận không biết nấu món thịt kho tàu, càng không biết kho cá với thịt ba chỉ lót trên mía tím. Thế nên bà mẹ chồng liền giục con trai ra ở riêng để tự lập sớm: “Căn hộ của bố con, mẹ đã cho lăn sơn đẹp đẽ, hai đứa về ở cho thoải mái, độc lập, tự do”. 

Người mẹ dặn con trai: “Nhớ đến ngày giỗ bố, đưa vợ về nhà mẹ dạy thêm cho biết cỗ bàn và nhớ là nói nhẹ nhàng với vợ. Nhẹ nhàng thì hơn con ạ. Còn nữa, khi vui vẻ cũng không được nhắc vợ trong bữa ăn, dù nói nửa đùa nửa thật. Dặn vợ khi ăn không được phát ra tiếng kêu nhóp nhép, người ngồi cạnh nghe vướng, là con nói thầm với vợ thôi, không nên nhắc trước mặt mẹ, vợ ngượng. Rồi sau này, vợ con còn dạy dỗ con cái, là mẹ già cả, cứ dài dòng thế". Người con trai ôm mẹ nói thầm: “Con hiểu mẹ ạ”.

Vẫn còn những đối thoại khác.

Cô con dâu nhà tôi khác lắm, nàng làm ở một công ty nước ngoài, xem ra có tiền nên động tý là kéo chồng ra ăn hàng, hôm nọ tôi nhìn thấy hóa đơn thanh toán hơn 2 triệu đồng cho hai đứa một bữa ăn. Ăn gì mà đắt thế không biết?

Mẹ chồng sững sờ nghe dâu ta thản nhiên: “Tiền con làm ra, con muốn tiêu gì thì tiêu, sao mẹ lại can thiệp chuyện tiêu pha của con?”

Câu chuyện thứ N…

Con dâu nhà tôi thì đảm, bán hàng online lại sống tiết kiệm, nên chúng nó mới tậu con xe SH.  Nó với vợ cùng con gái đi chơi hồ Tây, ăn bánh tôm còn mua về cho mẹ chồng. Con dâu nhà này khéo ăn ở nên tôi cũng không phải lo. Đó là số bà sướng, tu thân kiếp trước có hậu nên con dâu ra mới hiếu lễ và đảm đang.

Đằng nay con trai nhà tôi lấy vợ người Mông Cổ. Chẳng biết nấu nướng món ăn Việt đã đành, chỉ uống sữa, ăn lúa mạch. Khác biệt về ăn uống, đến khác biệt về sinh hoạt nên sống với nhau chưa đầy 3 năm, đứa con gái mới được 2 tuổi đã bỏ nhau. Bà nội nhận nuôi cháu còn dâu Tây thì về bên Mông Cổ học tiếp. Sau khi con trai tôi bán căn hộ chung cư gửi tặng vợ cũ, xem ra mới được yên hàn. Con dâu Tây thì nhiều chuyện buồn cười lắm. Nếu không hy sinh căn hộ chung cư, nhường tài sản cho vợ hết, để đường ai nấy đi, thì việc tranh giành của nả sẽ kéo dài, thời gian hạnh phúc sẽ trốn đi đâu? Dâu ta khổ đường dâu ta, dâu tây khổ đường dâu Tây. 

Cô con dâu Tây tạm biệt mẹ chồng Việt theo cách này: “Mẹ ơi, đến lúc con biết ăn cơm Việt Nam rất ngon, biết uống rượu thóc mới, uống được một hụm đã cay sè, thì con phải xa mẹ. Mai con bay sang U Lan Bato sớm. Con phải cảm ơn mẹ đã dạy con nhiều món ăn rất ngon Việt Nam”. Khi chia tay mẹ chồng mới thấy con dâu nói lơ lớ, câu mất dấu, câu nghe không ổn nhưng cũng dễ thương. Kết cục thì trái tim phụ nữ nếu chưa quá đát, đều rất giống nhau ở niềm thương cảm, cách chia sẻ và sự từng trải thì mẹ chồng mới đủ độ lượng với nàng dâu Tây?

Thương cảm nhất là cô con dâu người Nga của bà Bân hàng xóm, khi về Việt Nam bao năm không nhìn thấy tuyết. Hồi mới về làm dâu, nó thích đi chợ, thích mua nhiều chuối tiêu và dứa trái mùa. Con dâu thích ăn hoa quả suốt ngày như thể thế giới chưa bao giờ có món ngon như dứa, chuối và thanh long. Thôi thế cũng là may, tôi dạy con dâu nấu món sườn chua ngọt, món chân giò giả cầy và món thịt vịt nấu dứa. Riêng món giả cầy thì nàng dâu Tây bịt mũi khi gửi thấy mùi mắm tôm. Còn bây giờ thì nó biết ăn bún đậu phụ mơ với mắm tôm và rau kinh giới. Nó còn nói: “Con nghiện món này lắm”. 

Khi mẹ chồng chỉ dạy con dâu nấu ăn ngon, kỹ càng thì cũng là cách giúp con giữ ấm cái bếp trong gia đình. Có lẽ việc dạy nữ công gia chánh ở trường tư thục Hà Nội xưa qủa không sai. Người mẹ không tính đến con dâu ta hay con dâu Tây mà cái chính là dạy con gái, người phụ nữ của gia đình phải biết chăm lo cho cái bếp luôn ấm nóng và ngon miệng thì hạnh phúc mới lâu bền.

Gia đình Việt chỉ có bàn tay người vợ, người mẹ mới sưởi ấm được cái bếp. Chỉ có con dâu mẹ mới sưởi ấm trái tim con trai mẹ mà thôi .Vì cái bếp, làm nên những món ăn đủ vị, làm nên sự quây quần và sẻ chia. Và nó còn làm cho người đàn ông dù đi đâu xa tiệc tùng cũng chỉ muốn quay về ngôi nhà nhỏ của mình, nơi có vị của món ngon do vợ mình nấu nướng.

Nàng dâu Tây nhà bác Cất thì mới thật tuyệt vời. Cô ấy có tên ở Việt Nam là Hòa, lấy con trai cả của bác Cất đã vài năm. Vợ chồng nó sống như ông bà ngâu, Hòa theo chồng đang làm dự án ở Thái Lan, rồi sang Ý, có thời nghiên cứu về lúa ở Hòa Bình. Có năm, hai đứa đi du lịch, ở bất kỳ nước nào Hòa cũng gửi cho bố mẹ chồng một tấm bưu thiếp có in hình thủ đô nước đó. Hòa nghiên cứu kỹ về văn hóa phương Đông và biết khá kỹ phong tục người Việt. Hòa đi tới ba châu lục và hay gửi cho mẹ chồng những món quà nhỏ có ý nghĩa. Con dâu biết mẹ vợ chưa được thưởng thức món trứng cá hồi bên Nga nên khi có dịp sang Nga, cô con dâu người Ý đã mua về tặng mẹ. Có lần nàng mua bánh mì đen của Nga, để mời mẹ chồng ăn cho biết hạt lúa mì đen của nước Nga nó khác bánh mì Việt Nam ra sao?

Kỹ càng và cẩn trọng trong cách sống, cô con dâu Tây mua mỳ ý về nấu và trộn gia vị Ý rất ngon, theo cách ăn người Ý mời cha mẹ chồng. Nàng cũng đi mua kem Ý vừa mới sản xuất ở Việt Nam để dành cho cha mẹ chồng thưởng thức. Không thể nói là dâu tây không tinh ý khi trái tim người phụ nữ đều nồng hậu như nhau. 

Cô dâu Tây tên Hòa ý thức cả việc nghiên cứu phong tục tập quán Việt Nam, cô còn học cả ca dao tục ngữ để hòa nhập với cuộc sống bên gia đình chồng. Bây giờ đã chung sống với nhau gần hai mươi năm Hòa nói với chồng mình rằng: “Có phải duyên nhau thì thắm lại, em với anh buộc vào nhau rồi thì khó cởi ra. Hai đứa mình cứ buộc vào nhau thôi".

Có lẽ chìa khóa của hạnh phúc gia đình là sự thấu hiểu. Chỉ cần trái tim phụ nữ biết cách cho đi, biết độ lượng tha thứ thì ở góc độ nào của cuộc sống cũng không có barie vô hình, dù mẹ chồng xử sự với nàng dâu ta hay dâu Tây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top