“Có những cặp vợ chồng khi kết hôn thì có trình tổ tiên nhưng khi họ hết duyên nợ dẫn đến ly dị nhau. Thường thì người nữ xuất giá tòng phu. Nhưng khi ly dị rồi lại không còn thờ phụng tổ tiên nhà chồng nữa mặc dù con cái của họ mang tên dòng họ đó. Như vậy các cụ nói sống quê cha, chết về quê chồng là nghĩa ra sao?”
Có một phật tử từng hỏi tôi như vậy, hôm nay, nhân một ngày cuối tuần của tháng 3 âm lịch, chúng ta sẽ dọn lòng chuẩn bị đón mùa Bụt đản sinh, tôi xin nhân đây mà chia sẻ đôi điều về việc này.
Đúng là trong đời sống đi lại làm lễ tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy.
Thường khi người phụ nữ đi lấy chồng, con sinh ra theo họ chồng. Vì đất nước chúng ta người con sinh ra lấy họ theo họ bố. Lần rồi tôi qua Trung Quốc mới biết bên đó con cái sinh ra có quyền mang họ bố hoặc mẹ đều được.
Đất nước chúng ta khác. Ngoài việc mang họ khi đặt tên, chúng ta có việc lễ trình diện tổ tiên. Chúng ta đặt tên và gọi tên không đơn thuần chỉ người sống với nhau. Trước tổ tiên mà chúng ta đang thờ trong gia đình, chúng ta cầu sự chứng giám của tổ tiên cội nguồn. Người phụ nữ thời nay khi bỏ chồng, họ không bỏ con. Hay nói cụ thể họ không thay đổi họ con. Nếu không thay họ có nghĩa người con đó vẫn thuộc dòng họ bố. Và chuyện con thờ cha và thờ tổ tiên của cha là đương nhiên phải làm.
Chúng ta, cả dân tộc là một gia đình. Trên bề mặt, có thể vì nhỏ nhoi và ích kỷ, chúng ta không tiếp tục sống với nhau như vợ chồng. Nhưng trong chiều sâu tâm thức, chúng ta không tước bỏ được hoàn toàn người kia. Đó là sự thật rất khoa học.
Nếu một người con trai, con gái khi lập gia đình, họ được hướng dẫn thấu đáo từ cha mẹ hai bên, tôi nghĩ họ biết cách hành xử với tổ tiên nhà chồng dù đã không chung sống.
Tôi thường nói, hai người con trai, con gái đến với nhau, không đơn thuần chỉ vì những ham muốn thông thường. Họ muốn được chung sống như một gia đình. Một tế bào quan trọng của cộng đồng. Họ muốn trở thành tình thân, muốn xây dựng, vun đắp một gia đình, muốn có những đứa con để nuôi dạy, để tiếp nối.
Cuộc sống là trùng trùng duyên khởi và muôn vàn những mảnh ghép cộng sinh. Hạnh phúc hay đau khổ không phải là vấn đề của cá nhân. Đó là mối tương quan duyên nghiệp. Lại nữa, gia đình, chính là một biểu hiện của sự trao truyền và tiếp nối từ nguồn cội muôn đời. Nên, hai chữ vợ chồng là thiêng liêng. Người ta cần ý thức được sự thiêng liêng ấy để mà trân trọng.
Tôi không nói rằng điều này có nghĩa là chúng ta không nên ly dị. Ta vẫn có quyền chọn rẽ sang con đường khác để mưu cầu hạnh phúc trọn vẹn hơn hoặc đơn giản là để giải thoát khi mọi điều kiện đều là không thể phù hợp.
Ở quê tôi được quy định trong Hương ước, con dân làng là phụ nữ khi đi lấy chồng, khi chồng chết, muốn tái giá phải có lễ cau trầu rượu trình với các bậc lớn tuổi giữ vị trí đứng đầu họ phái. Để các vị đó biết. Nếu không, khi mất sẽ không được làm lễ triệu tổ. Nghĩa là người đó được xem như không có tổ tiên họ hàng phía người chồng mà họ về làm dâu.
Theo chúng tôi hiểu, khi vì điều kiện không thể sống chung, vẫn giữ đạo tổ tiên nhà chồng. Đây là trường hợp có con. Quan trọng nhất, là cần trao truyền cho con hiểu để cho vẹn chữ hiếu. Dù bố mẹ có thể xa nhau và có hướng đi khác không chung như cũ, nhưng việc con cháu cần giữ lễ hiếu kính trước tổ tiên và ông bà hai bên là điều bố mẹ nên lưu tâm.
Nếu không có con, mà chúng ta bỏ nhau, cũng nên có lễ tạ lỗi với tổ tiên. Vì chúng ta đã hứa nguyện trước tổ tiên giống nòi nguồn cội Việt tộc là chung sống đến trọn đời để là một gia đình tiếp nối tốt đẹp của tổ tiên.
Theo luật hấp dẫn và theo quan niệm tương quan về giống nòi của người Việt, theo luật nhân quả và duyên sinh của đạo Bụt, chúng ta không bao giờ là một cá thể biệt lập với tổ tiên và vũ trụ. Vì vậy hành xử khôn ngoan vẫn là hành xử có thủy có chung. Ta có thể giận người chưa hiểu để cùng ta nắm tay nhau đi trọn đời. Chứ không tách biệt với tổ tiên và giống nòi khi đã hứa nguyện lễ trước tổ tiên trong đám cưới.
Chỉ số ly dị ở Ân Độ là thấp nhất thế giới: 0,5%. Ở đất nước này không có quan hệ trước hôn nhân. Ta không tìm thấy việc nạo phá thai ở Ấn Độ. Đó là điều ta nên suy ngẫm.