Ngày 25/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề bàn giải pháp triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình sẽ được nâng cấp theo tiêu chuẩn cao tốc (TCVN 5729:2012), rộng 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, cùng hệ thống giao thông thông minh, trạm thu phí, trạm dừng nghỉ đồng bộ. Dự kiến, dự án khởi công vào 1/7 tới, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2028.

Hiện trạng một đoạn đường Hoà Lạc - Hoà Bình. Ảnh: Internet
Tổng diện tích dự kiến cho dự án là 253,82ha, trong đó khu vực Hà Nội chiếm 63,48ha, Hòa Bình 190,34ha. Hiện tại, 100,17ha đã được giải phóng mặt bằng, nhưng vẫn còn 153,65ha cần tiếp tục thực hiện, trong đó trên địa phận Hà Nội khoảng 36,41ha, địa phận Hòa Bình khoảng 117,24ha. Tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án là 18,84ha.
Trong đó, dự án đang khai thác được thực hiện từ năm 2014 và đưa vào khai thác năm 2018; phần điều chỉnh quy mô thực hiện từ năm 2023-2028. Dự kiến thời hạn hợp đồng khoảng từ năm 2015-2051. Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2028. Tổng mức đầu tư điều chỉnh khoảng 10.475 tỷ đồng.
Chiều dài cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình là 23,04km. Trong đó, giữ nguyên điểm đầu tuyến tại Km6+680 (trùng với điểm cuối của dự án đầu tư xây dựng tuyến Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình) thuộc địa phận xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội.
Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình có lý trình là Km32+367 thành điểm cuối tại lý trình Km29+716 trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình (giao với Quốc lộ 6 tại lý trình Km65+400) thuộc địa phận phường Trung Minh, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Lý trình của cao tốc Hoà Bình - Hoà Lạc. Ảnh: Ngọc Đẹp
Đường Hòa Lạc - Hòa Bình trước đây được đầu tư 2.723 tỷ đồng với chiều dài 25,6km, tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng. Tuyến đường được đưa vào khai thác từ tháng 10/2018, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa Hà Nội và Hòa Bình. Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện tình trạng san đất, xây dựng dọc hai bên tuyến đường, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ.
Việc mở rộng và nâng cấp tuyến đường này nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng, đồng thời cải thiện an toàn và hiệu quả vận tải giữa Hà Nội và Hòa Bình.
Hòa Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hòa Bình là nơi xây dựng một trong những "công trình thế kỷ" là Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, biểu tượng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Đây cũng là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á trong thế kỷ 20 với hồ chứa nước lên đến 240km.