Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ là tiềm năng vô giá của đất nước. Đầu tư cho con người, cho chất xám, cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ là đầu tư chiến lược cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững của đất nước.
Tinh thần đó được khẳng định trong buổi "Gặp mặt đại biểu trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019" với 100 đại biểu là các trí thức, nhà khoa học trong nước nhân Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 14/5.
Trong hơn 2 giờ đồng hồ, các ý kiến trình bày tại buổi gặp gỡ đã nhấn mạnh tới vai trò của trí thức, các bậc hiền tài Việt Nam suốt chiều dài lịch sử.
Những câu nói của các bậc tiền nhân như Thân Nhân Trung, Lê Quý Đôn về sử dụng người tài, vai trò “nguyên khí quốc gia”, “phi trí bất hưng” của những người làm khoa học, công nghệ... được nhắc tới nhiều lần.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã điểm lại tên tuổi những trí thức thuở xưa luôn ý thức về trách nhiệm và bổn phận đối với đất nước với tinh thần “quốc gia hữu sự, sĩ phu hữu trách” trong lịch sử, và đặc biệt là việc quy tụ, sử dụng người tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh để “giúp dân, giúp nước”.
Nhiều chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển đội ngũ trí thức đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Đồng thời, ghi nhận vai trò đi đầu của đội ngũ trong những đổi mới sáng tạo, góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... Tuy nhiên, những đóng góp của trí thức vẫn chưa đáp ứng, giải đáp kịp thời nhiều vấn đề của thực tiễn đặt ra, chưa thật sự trở thành động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
"Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ dân tộc, sức mạnh đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho trí thức là đầu tư cho sự phát triển bền vững", đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định.
Đảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế chính sách, ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức, khoa học. Nhiều công trình khoa học đã góp phần quan trọng trong thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, khoa học xã hội đã để lại nhiều dấu ấn trong tiến trình của đất nước, trong đời sống xã hội và góp phần vào sự phát triển của nền khoa học thế giới.
“Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, Đảng và Nhà nước luôn coi trí thức là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng. Đảng khẳng định, đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững của đất nước.
Toàn Đảng, toàn dân luôn luôn trân trọng và kỳ vọng vào đội ngũ trí thức. Rất mong muốn đội ngũ trí thức và các nhà khoa học tiếp tục không ngừng phấn đấu, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, phát huy vai trò năng động, sáng tạo, vươn lên trở thành nhân tố nòng cốt, tiên phong trong xây dựng và phát triển đất nước”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nói.
GS.VS.TSKH. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã chia sẻ câu chuyện cảm động vào mùa hè năm 2013, khi ông cùng một đoàn công tác đi thăm, tìm hiểu đời sống của các nhà khoa học.
Đoàn thăm một nhà khoa học 80 tuổi sống trong căn hộ tập thể chật hẹp nhưng khi được hỏi nguyện vọng thì ông trả lời rất từ tốn "lúc trẻ tôi được nhà nước cử đi học, về nước được bố trí công việc, được tin dùng, thế là tốt lắm rồi, tôi không có nguyện vọng gì nữa".
Sau đó, căn cứ tham mưu của các ban, ngành và của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có các chính sách hỗ trợ về tài chính đối với các cán bộ khoa học có nhiều đóng góp cho đất nước.
GS.VS.TSKH Đặng Vũ Minh khẳng định, các nhà khoa học có kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn sâu rộng lại càng đóng vai trò rất quan trọng. Đó là những nhà khoa học có kinh nghiệm quản lý phong phú, được tích lũy qua quá trình công tác, có uy tín, tiếng nói trong nhân dân, đã trọn đời cống hiến, gắn bó với dân tộc và đi theo sự phát triển thăng trầm của đất nước.
Đây là những nhà khoa học không ngại va chạm, đóng góp những ý kiến khách quan, tâm huyết, dựa trên cơ sở khoa học cho đường lối phát triển đất nước.
Đại diện các trí thức, nhà khoa học cũng bày tỏ và đưa ra kiến nghị cụ thể để thuận lợi hơn trong nghiên cứu, tiếp cận được công nghệ mới trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ số, nhanh chóng làm chủ công nghệ, tạo ra các sản phẩm ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đất nước vượt qua được rất nhiều thiên tai, địch hoạ hàng ngàn năm qua trước hết nhờ truyền thống đoàn kết, tinh thần đại nghĩa, chính nghĩa, sự cần cù, dũng cảm, nhờ trí tuệ Việt Nam… Trong suốt chiều dài lịch sử, vai trò của nhân tài, hiền tài quốc gia vô cùng quan trọng.
Ngày nay, các trí thức, nhà khoa học không chỉ tiếp thu, ứng dụng, làm chủ các công nghệ mới phục vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc mà còn đóng góp đáng kể vào việc phát kiến, sáng tạo ra những tri thức ở tầm thế giới.
Đặc biệt, khoa học xã hội, trong đó có khoa học chính trị, khoa học quản lý, góp phần quyết định hình thành đường lối đổi mới cũng như các chính sách phát triển kinh tế-xã hội trong suốt những năm qua. Các nhà khoa học đã góp phần hết sức quan trọng để tiếp tục phát triển di sản văn hoá của dân tộc. Nhiều công trình khoa học xã hội đã tạo ra giá trị di sản mới cho đời sau.
Qua góp ý của các nhà khoa học, Phó Thủ tướng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận nhiều nơi, nhiều lúc, trong chỉ đạo thực hiện chưa thực sự coi “khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu”.
“Luật quy định chúng ta phải chi 2% ngân sách cho khoa học, công nghệ nhưng từ năm 2001 đến nay năm cao nhất mới được 1,8% và có xu hướng giảm dần. Nhiều cơ chế chính sách dành cho khoa học công nghệ thực hiện chưa được mong muốn”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh với sự phát triển của khoa học, công nghệ, các dân tộc đều đang đứng trước thời cơ và thách thức rất lớn. Và nếu dân tộc nào, đất nước nào không coi khoa học, công nghệ là yếu tố có tính quyết định thì chắc chắn sẽ thất bại. Điều đó đòi hỏi phải có đột phá trong lĩnh vực khoa học, công nghệ với một số việc cụ thể.
Trước hết là hoạt động chỉ đạo, điều hành về khoa học, công nghệ thực sự “nói đi đôi với làm”, kỷ cương để khoa học, công nghệ đúng là “quốc sách hàng đầu”. Không để sức ép tăng trưởng kinh tế, những mục tiêu ngắn hạn, khó khăn chung của các nước đang phát triển lấn át những yếu tố có tính nền tảng, dài hạn.
Cơ chế, chính sách khoa học, công nghệ phải phát huy sức mạnh cả hệ thống, khơi dậy và chia sẻ sáng tạo của mọi cá nhân, đặc biệt là các trí thức, nhà khoa học.
Bên cạnh bảo đảm tỷ lệ ngân sách nhà nước theo đúng quy định thì việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ là vô cùng quan trọng. Phó Thủ tướng cho rằng thời gian tới cần có các chính sách thiết thực về kinh tế để doanh nghiệp thấy lợi ích khi đầu tư vào khoa học, công nghệ đào tạo nhân lực.
“Chúng ta phải tiếp tục khai thông, đổi mới một bước mạnh mẽ hơn nữa cơ chế quản lý thu, chi cho khoa học, công nghệ mới đáp ứng được yêu cầu của các nhà khoa học. Nghiên cứu khoa học phải chấp nhận tính rủi ro nên không thể quản lý như những lĩnh vực khác được và phải tin tưởng vào các nhà khoa học. Cùng với đó là cải thiện các cơ chế đãi ngộ về vật chất, tinh thần cho các nhà khoa học”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ tự chủ trong các trường đại học, biến các trường đại học thành những trung tâm nghiên cứu lớn.
Đồng thời thay đổi phương pháp dạy học trong các trường phổ thông, chuyển từ truyền thụ kiến thức thụ động, một chiều sang giúp học sinh chủ động tiếp cận kiến thức, có tư duy tranh luận, tìm tòi, ứng dụng mạnh mẽ các chương trình STEM...