Nhưng làm thế nào để tận dụng cơ hội, phát triển đường dài lại là một bài toán lớn được đặt ra.
Cơ hội vươn lên trong cuộc đua phát triển bất động sản công nghiệp
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh đi kèm với sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị đã và đang mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường bất động sản công nghiệp, nhất là khi dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn chuyển động theo chiều hướng tăng tích cực. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), tính đến hết năm 2018, Việt Nam ghi nhận tổng vốn FDI cam kết đạt tới gần 35,46 tỷ USD, tương đương 98,8% so với năm 2017.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có các ưu đãi về thuế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân..., giảm các chi phí về thuê đất đai, nhà xưởng, vật chất kỹ thuật... để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
"Hiện nay, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu. Việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm; sự tích cực tham gia các Hiệp định FTA; tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây và việc sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp.
Điều này được thể hiện rõ nét qua việc tập trung phát triển các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm tại ba miền Bắc, Trung và Nam. Đồng thời, việc tham gia vào 16 Hiệp định FTA cũng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước", ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định.
Theo đánh giá của Savills, thị trường đầu tư bất động sản công nghiệp Việt Nam mới chỉ đang bước vào giai đoạn khởi đầu và với những chuyển biến như hiện nay, thị trường bất động sản công nghiệp và dịch vụ logistics của Việt Nam đã đến thời điểm chín muồi cho đà tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, để thu hút mạnh hơn nữa dòng vốn FDI, qua đó tạo đà cho bất động sản công nghiệp bứt phá, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm.
Câu chuyện đường dài
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: "Bất động sản công nghiệp Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn nhưng thực tế lại chưa tận dụng hết cơ hội. Chúng ta phải có những nghiên cứu và đổi mới tích cực hơn nữa về phân khúc bất động sản công nghiệp thì mới có thể chuyển hóa cơ hội hay tiềm năng thành sự phát triển thực".
Tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019 tổ chức ngày 23/4 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ nên lưu tâm tới việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và hải quan rườm rà, cải thiện sự kết nối đồng bộ giữa các lĩnh vực kinh tế, cần tăng tính cạnh tranh cho chi phí giao dịch qua biên giới cũng như nghiên cứu và có ứng xử phù hợp với xu hướng áp dụng công nghiệp 4.0 trong việc phát triển thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần có chiến lược thúc đẩy thu hút đầu tư FDI bằng việc xây dựng và định vị thương hiệu trong phân khúc này.
Là một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, Ông Lê Anh Dũng, Giám đốc TNI Holdings cho rằng, cần có 5 điều kiện cần đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp: "Đầu tiên là uy tín và cái tâm của làm nghề; thứ hai, các doanh nghiệp cần đảm bảo tối đa các yêu cầu của các nhà đầu tư và của các dự án đầu tư; thứ ba, hãy tăng cường mở rộng kết nối giao thương, đầu tư trên toàn thế giới. Đây vốn luôn là điều cần thiết trong kinh doanh; thứ tư, là không ngừng hoàn thiện hệ thống vận hành các KCN; cuối cùng và cũng là quan điểm quan trọng nhất, các doanh nghiệp phải là đầu mối sàng lọc các dự án trước khi tiếp nhận vào các KCN"./.