Aa

Đẩy mạnh đầu tư công nhưng giải ngân ì ạch, thị trường bất động sản khó hồi phục

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Chủ Nhật, 31/07/2022 - 06:15

Đã hết quý II/2022 nhưng tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm và diễn ra tình trạng “có tiền không được tiêu”. Điều này được đánh giá là ảnh hưởng lớn đến khả năng hồi phục và phát triển của thị trường BĐS.

Nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%

Báo cáo chung từ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (sau khi 6 tổ công tác của Chính phủ có cuộc họp với một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022) cho thấy, về cơ bản, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã thành lập tổ công tác trong từng cơ quan, đơn vị để rà soát khó khăn, vướng mắc các dự án đang triển khai trong năm 2022. Ở các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh đã phân công các Phó chủ tịch tỉnh theo dõi các dự án lớn, trọng điểm của địa phương để thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc quá trình triển khai dự án; chủ động thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt còn thiếu vốn.

Tuy nhiên, theo Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân đến 30/6/2022 của cả nước mới chỉ đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 6/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Trong đó, 25 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, đặc biệt có 4 cơ quan Trung ương đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn. 

Như vậy so với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ vốn giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 vẫn thấp hơn 1,2% (năm 2021 là 29%).

Ảnh Bộ Tài chính.

Đánh giá về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu năm 2022, chia sẻ với Reatimes, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhìn nhận, tiến độ giải ngân đầu tư công ở giai đoạn hiện nay đang khá chậm. Thậm chí là thấp hơn so với thời điểm năm 2021. Điều này đang đi ngược lại với kỳ vọng cũng như mục tiêu đẩy mạnh đầu tư công đề ra hồi đầu năm. 

“Năm 2022 là năm quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng và là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của đất nước, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng. Việc đẩy nhanh giải ngân và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội các dự án đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trước mắt và lâu dài. Vì vậy, với tỷ lệ giải ngân chỉ đạt khoảng 27%, trong đó nhiều bộ, ngành còn chỉ đạt dưới mức 10% là đang quá chậm. Không chỉ chậm so với mục tiêu đề ra mà còn chậm so với vị thế của năm đã dần bước ra khỏi đại dịch Covid-19”, ông Ngô Trí Long đánh giá.

Tuy nhiên, cũng theo ông Ngô Trí Long, chưa thể nhìn vào con số 6 tháng đầu năm để nói lên tiến độ của cả một năm. Bởi thực tế, tiến độ giải ngân đầu tư công thường chậm vào đầu năm nhưng tăng cao vào cuối năm. Vì vậy, cho đến hết năm 2022, vẫn còn cơ hội để đẩy mạnh và kỳ vọng tiến độ giải ngân đầu tư công khởi sắc. 

Về mặt nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân vốn cho các dự án đầu tư công, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng có nhiều lý do chủ quan và khách quan tạo thành.

Với nguyên nhân chủ quan, tuy năm 2022 là năm thứ hai triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, nhưng thực tế lại là năm đầu tiên. Kế hoạch đầu tư công trung hạn mới được Quốc hội thông qua từ tháng 7/2021, nên thực tế đầu năm nay, chủ yếu là tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp. Trong khi đó, các dự án mới thì vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục. Quá trình này thông thường mất khoảng 6 - 8 tháng nên phải tới cuối năm mới có thể giải ngân được.

Ngoài ra, các bộ ngành, địa phương chưa chuẩn bị đầu tư từ sớm, chưa quan tâm đến việc sử dụng kinh phí của kỳ kế hoạch này để chuẩn bị cho dự án của kỳ kế hoạch sau, không có sự đồng bộ giữa tiến độ chuẩn bị dự án với tiến độ giao kế hoạch chi tiết. Do vậy, dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án, Trung ương đã giao kế hoạch nhưng bộ ngành, địa phương không giao được kế hoạch chi tiết do dự án chưa xong thủ tục.

PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chín). Ảnh Reatimes

Chưa kể, vấn đề pháp lý cũng là một trong những nguyên nhân cốt lõi gây nên việc chậm tiến độ giải ngân. “Một dự án đầu tư công khi được triển khai thực hiện thì phải chấp hành không chỉ quy định của Luật Đầu tư công mà tùy thuộc tính chất dự án, còn phải chịu sự điều chỉnh của các luật liên quan khác như Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và các luật chuyên ngành khác… Thậm chí, còn cả các điều ước, cam kết quốc tế. Như vậy, kể cả đối với dự án giải phóng mặt bằng được quy định tách riêng, được thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù với nguồn vốn được bố trí đầy đủ, tạo điều kiện trong triển khai nhưng vẫn có thể gặp vướng mắc trong chính bản thân việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng”, ông Long cho biết. 

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, vị chuyên gia còn cho rằng, đầu tư công còn chịu tác động bởi một số nguyên nhân khách quan. Cụ thể, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu tăng cao cũng gây khó khăn cho tiến độ thi công dự án, nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng để chờ được điều chỉnh đơn giá. Vì vậy, mà tiến độ đầu tư công bị ảnh hưởng. 

Đầu tư công là “biến số” của thị trường bất động sản

Vai trò của đầu tư công là rất lớn đối với sự phát triển và tăng trưởng của một nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. Theo nhiều chuyên gia, đầu tư công được xem là “biến số” của thị trường bất động sản. Khi đầu tư công được đẩy mạnh, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được chú trọng triển khai, thị trường bất động sản sẽ hưởng lợi lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư, thanh khoản sản phẩm tốt, giá bất động sản tăng lên. Ngược lại, đầu tư công ì ạch, chậm giải ngân vốn, thị trường bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng nhất định. Các dự án nhà ở, văn phòng, khu công nghiệp sẽ có khả năng chậm tiến độ, đất nền giảm giá, nhà đầu tư lỗ khi thanh khoản sản phẩm giảm mạnh.

Theo ông Ngô Trí Long, nơi nào đầu tư công diễn ra kém, nơi đó thị trường bất động sản phát triển “yếu ớt”. Và trên thực tế, điều này đã được chứng minh rất rõ giữa các huyện trong một tỉnh, giữa các quận trong cùng một thành phố hay giữa tỉnh này với tỉnh khác, thành phố này với thành phố khác. 

“Có nhiều yếu tố tác động đến thị trường bất động sản và đầu tư công là một trong số đó. Đặc biệt là đầu tư công vào các dự án hạ tầng giao thông. Đơn cử như câu chuyện của đường Vành đai 4. Ngay từ khi có chủ trương sẽ triển khai tuyến đường Vành đai 4 tại Hà Nội, giá đất tại nhiều địa phương có đường đi qua đã bắt đầu “sốt” và thị trường trở nên nhộn nhịp. Điều này cho thấy, đường mở đến đâu, nhu cầu phát triển đến đó. Tất nhiên, nếu tuyến đường Vành đai 4 giải ngân kém hiệu quả dẫn đến chậm triển khai thì sẽ có phản ứng ngược và tác động trở lại thị trường bất động sản. Cụ thể là những nhà đầu tư đã ôm, gom hàng để chờ tăng giá”, ông Long nhìn nhận. 

Bởi theo ông Long, đây là quy luật thị trường, là mối quan hệ hỗ trợ qua lại lẫn nhau nên kết quả đem lại sẽ phụ thuộc vào cả hai phía. Song, trong bối cảnh hiện tại, với tình trạng thị trường bất động sản đang khá khó khăn, thì tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như 6 tháng vừa qua là đang quá chậm và cần được đẩy mạnh hơn nữa. Nếu không, thị trường bất động sản khó hồi phục sau nhiều “tổn thương” để có thể phát triển như kỳ vọng. 

Đầu tư công là "biến số" của thị trường bất động sản. Ảnh Reatimes

Đề xuất giải pháp, ông Long cho rằng, không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt mà phải được giải quyết căn cơ, lâu dài thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công phù hợp với yêu cầu phát triển. 

Cụ thể, không chỉ cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công mà còn phải quan tâm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác liên quan. Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.

Bên cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng là phải chuẩn bị dự án từ sớm, chuẩn bị dự án thật tốt, nghiên cứu và bổ sung quy định liên quan đến chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án để bảo đảm tính khả thi, tính sẵn sàng, nhất là về mặt bằng để nếu được phân bổ vốn có thể đưa vào thực hiện và giải ngân sớm.

Bên cạnh yêu cầu chung là quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí, đúng mục tiêu, đối tượng, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn… thì cũng cần nhìn thẳng vào nguyên nhân của những điểm nghẽn đang cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Chẳng hạn, chuyện kỷ cương, kỷ luật đầu tư công, năng lực chuyên môn của cán bộ các cấp hay trách nhiệm người đứng đầu… Nếu từng điểm nghẽn, hạn chế nêu trên được giải quyết thì giải ngân vốn đầu tư công nhất định sẽ được cải thiện.

Giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022, thị trường bất động sản diễn biến ra sao, hồi phục và phát triển hay tiếp tục chững, một phần phụ thuộc vào “biến số” đầu tư công, phụ thuộc vào khả năng giải ngân vốn trong vấn đề này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top